Ban hành Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán năm 2025

20/03/2025
Xem cỡ chữ Google

(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) ban hành Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) năm 2025 kèm theo Quyết định số 333/QĐ-KTNN ngày 11/3/2025 của Tổng Kiểm toán nhà nước.


Kế hoạch nêu rõ, hoạt động KSCLKT phải bảo đảm việc tuân thủ pháp luật; mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được phê duyệt; tuân thủ đề cương kiểm toán, các hướng dẫn kiểm toán của KTNN.

Qua đó, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, sai sót; tổng hợp những mặt làm được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của hạn chế để có giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán tại các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Phát hiện kịp thời khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật. 

Theo Kế hoạch, KTNN sẽ thực hiện kiểm soát hoạt động kiểm toán và công tác KSCLKT của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng và Thành viên Đoàn kiểm toán. 

Phạm vi kiểm soát bao gồm tất cả các cuộc kiểm toán thực hiện năm 2025.

Hình thức kiểm soát chất lượng kiểm toán 

Đối với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán:

Giám sát hoạt động kiểm toán của 100% Đoàn kiểm toán. KSCLKT trực tiếp đối với Đoàn kiểm toán NSĐP tỉnh Đồng Nai và các chuyên đề.

Kiểm soát việc tổ chức thực hiện KSCLKT của 04 KTNN chuyên ngành KTNN (chuyên ngành Ia, III, V, VI) và 02 KTNN khu vực (khu vực II, XII). 
Kiểm soát hồ sơ sau khi phát hành báo cáo kiểm toán đối với Đoàn kiểm toán NSĐP năm 2024 của tỉnh Cà Mau và Chuyên đề việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp giai đoạn 2022-2024 tại tỉnh Cà Mau.

KSCLKT đột xuất theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước và theo đề xuất của Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT (nếu có). 

Nội dung kiểm soát chất lượng thực hiện theo quy định tại Quy chế KSCLKT của KTNN. 

Đối với các Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, khu vực:

Kiểm soát trực tiếp 100% cuộc kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán năm 2025 được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt. 

KSCLKT đột xuất theo yêu cầu quản lý của đơn vị do Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định. 

Kiểm soát hồ sơ của 100% Đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong năm 2025. 

Nội dung kiểm soát chất lượng và chế độ báo cáo thực hiện theo Quy chế KSCLKT của KTNN. 
 
Tổ chức thực hiện

Vụ Chế độ và KSCLKT: Thực hiện giám sát, kiểm soát theo Quy chế KSCLKT, bám sát các chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước để tổ chức thực hiện Kế hoạch KSCLKT bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Trong đó, lưu ý: 

Thực hiện giám sát, kiểm soát thường xuyên để kịp thời phát hiện các sai sót giúp ngăn ngừa và khắc phục; hoặc đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán. 

Kịp thời công khai các sai sót, hạn chế trong hoạt động kiểm toán để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và giảm thiểu rủi ro kiểm toán. 

Phát hiện kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc cũng như tính hiệu lực, khả thi trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ngành để đề xuất tham mưu với Lãnh đạo KTNN xem xét, chỉ đạo. 

Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, khu vực

Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán căn cứ phương án kiểm toán được phê duyệt và Kế hoạch KSCLKT của KTNN để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch KSCLKT năm 2025 của đơn vị. Trong đó, chú trọng: 

Lập kế hoạch kiểm soát của đơn vị bám sát nhiệm vụ kiểm toán, tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phân công, bố trí nhân sự KSCLKT phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Chỉ đạo Tổ KSCLKT khi xây dựng và thực hiện kế hoạch KSCLKT phải thực hiện nghiêm và đầy đủ các nội dung quy định của Quy chế KSCLKT, tăng cường soát xét các bằng chứng kiểm toán ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán để bảo đảm cơ sở pháp lý và tính nhất quán trong việc xử lý các phát hiện, kết luận, kiến nghị kiểm toán giữa các Tổ kiểm toán, các Đoàn kiểm toán. 

Tổ KSCLKT phải trao đổi kịp thời các tồn tại, hạn chế với các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và báo cáo Thủ trưởng đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai sót có thể xảy ra. 

Tăng cường phối hợp, trao đổi với các đơn vị tham mưu trong quá trình KSCLKT về các phát hiện kiểm toán khó, phức tạp và những vướng mắc, bất cập tại các văn bản, hướng dẫn của Ngành để kịp thời báo cáo, đề xuất Lãnh đạo KTNN xem xét, chỉ đạo. 

Kiểm soát tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ kiểm toán trước khi đưa vào lưu trữ, số hoá và phân quyền khai thác, sử dụng hồ sơ kiểm toán theo quy định của KTNN. 

Thanh tra Kiểm toán nhà nước 

Thanh tra KTNN phối hợp với Vụ Chế độ và KSCLKT, các KTNN chuyên ngành, khu vực để tránh sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả công tác KSCLKT, thanh tra, kiểm tra của KTNN. 

Hà Linh

Xem thêm »