(sav.gov.vn) - Thực tế cho thấy, một nguyên nhân gốc rễ dẫn tới việc chậm trễ, không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua là do những bất cập, vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Tại Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, các ý kiến đồng thuận rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ cơ chế…
Quang cảnh Phiên giải trình. Ảnh: N.Lộc
Vướng… vì thiếu quy định, hướng dẫn
Thực tiễn quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán thời gian qua cho thấy, các địa phương còn lúng túng, khó khăn do thiếu các quy định pháp luật, thiếu hướng dẫn. Đơn cử, qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị liên quan đến việc cho thuê tài sản đơn vị sự nghiệp không đúng quy định; công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng mục đích để ở còn bất cập…
Làm rõ hơn bất cập này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố không sử dụng vào mục đích để ở trước đây chưa có quy định để điều chỉnh. UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 về việc ban hành Quy định về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh; dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế quỹ nhà giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo các phương thức khác nhau; địa vị pháp lý và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà cũng có sự khác nhau. Trong khi đó, việc áp dụng các quy định chung về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vào trường hợp cụ thể của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà còn nhiều điều chưa phù hợp. “Việc thiếu các quy định chung cần thiết để quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất đã tác động lớn đến quá trình hình thành, sử dụng, khai thác, vận hành và xử lý tài sản, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, nguồn thu cho ngân sách nhà nước” - ông Hải nêu rõ.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng gặp vướng trong sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; những vướng mắc trong việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình. Do đó, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành: Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải nhà ở; quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên NSNN để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Từ thực tế làm việc với một số địa phương và qua tổng hợp báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra một thực trạng rất đáng lo ngại, đó là: Quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không cho phép thanh toán phần vốn ứng trước ngày 01/01/2015. Tuy nhiên, kết luận của KTNN lại cho thấy, số nợ vốn ứng trước còn khá lớn, trong đó rất nhiều địa phương không đủ khả năng để thực hiện. “Vậy, những kết luận đó có khả thi? Nếu các địa phương không thể thực hiện thì xử lý như thế nào, hay chúng ta lại thêm một lần nữa phải trình Quốc hội về những tồn tại như vậy?” - bà Lưu Mai đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn có sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan. Điều này cũng làm cho quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán khác đi, chậm đi và chưa mang lại kết quả cuối cùng. “Thực tế, có những nội dung kiến nghị ở thời điểm kết luận là phù hợp, nhưng đến thời điểm này là không khả thi thì chúng ta cần nhìn nhận lại. Vấn đề này, bản thân KTNN cũng rất khó thực hiện mà phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất với nhau” - ông Mãi chỉ rõ.
"Nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hoặc phê duyệt, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền chậm được ban hành đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán."
- Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
|
Giải pháp nào tháo gỡ?
Để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, liên quan đến kiến nghị của địa phương về chi thường xuyên trong cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình, Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội Nghị quyết cho thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, nếu thí điểm diện rộng thì cần cân nhắc vì có thể chồng chéo, đan xen, liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật NSNN và một số luật khác nên cần tiếp tục rà soát để báo cáo trong thời gian tới” - ông Tuấn nói.
Để lấp “khoảng trống” trong quy định về quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước mà không phải là nhà ở, ông Tuấn cho hay, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và Bộ đã xây dựng nghị định về vấn đề này. “Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để sớm trình Chính phủ ban hành” - ông Tuấn thông tin, đồng thời cho biết, liên quan đến tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đã có Tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thông qua nghị định này.
Về đề nghị sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, Bộ đã tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến, kết luận của KTNN liên quan nội dung có yêu cầu phải sửa đổi quy định pháp luật. Trên tinh thần đó, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tổng hợp, rà soát, cần thiết thì kiến nghị sửa đổi luật. Đối với những kiến nghị đặc thù sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội có hướng xử lý phù hợp.
Đối với vấn đề vốn ứng trước, ông Phương cho biết, toàn bộ những khoản ứng trước đã được các Bộ, ngành, địa phương rà soát theo đúng chức trách, nhiệm vụ chi tiêu ngân sách trung ương, đã được tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 nhiệm kỳ 2016-2020 và 2021-2025. Khi báo cáo, Chính phủ đã khẳng định, những khoản nợ ứng trước này đã được hoàn trả. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn còn khoản ứng trước từ lâu chưa thanh toán, chưa được tổng hợp trong kế hoạch. Vì vậy, vấn đề này cần tiếp tục được rà soát. Theo Nghị quyết số 93/2023/QH15, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 trong báo cáo đầu tư công trung hạn giữa kỳ…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kịp thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật NSNN, các nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành... nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn các kết luận, kiến nghị của KTNN, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong quy định về quản lý tài chính công, tài sản công./.
"Hiện nay, nhóm các vấn đề cò tồn đọng nhiều nhất sau kết luận của KTNN mà không được thực hiện chủ yếu rơi vào nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách. Bản thân KTNN cũng không thể khắc phục được, mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới nâng cao được vị thế của KTNN, mới đảm bảo được cả nước thực thi theo pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế và tài chính."
TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
|
Theo Báo Kiểm toán số 37/2023