Tác dụng của công khai kết quả kiểm toán của kiểm toán nhà nước

09/03/2009
Xem cỡ chữ Google

Luật Kiểm toán Nhà nước đ­ược Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã triển khai nhiều hoạt động đưa Luật KTNN vào thực tiễn, trong đó công khai kết quả kiểm toán là vấn đề được xã hội quan tâm.

Ngày 16 tháng 8 năm 2006, KTNN lần đầu tiên tổ chức họp báo công bố công khai kết quả kiểm toán năm và hoạt động này sẽ được duy trì thường niên. Việc công khai kết quả kiểm toán năm đã được công chúng đồng tình, ủng hộ. Sau khi KTNN họp báo công bố công khai kết quả kiểm toán, có hàng chục tờ báo bao gồm cả báo viết, báo hình và báo điện tử đưa tin với những tiêu đề gây ấn tượng cho người đọc như: “Những con số đen đáng sợ”, “Đụng đâu sai đó”, “Kiểm toán Nhà nước 2005 báo động sai phạm tại các doanh nghiệp nhà nước”, “Sửng sốt trước những con số chi tiêu sai chế độ”... Kết quả kiểm toán được KTNN công khai tạo ra áp lực lớn từ phía công chúng đến các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan có liên quan. Công luận cũng hoan nghênh kết quả đạt được của KTNN, đồng thời phản ánh những bất cập, hạn chế trong công tác kiểm toán. Sau khi công khai kết quả kiểm toán đã có đơn vị được kiểm toán đề nghị KTNN làm rõ thêm hoặc giải thích các nội dung mà báo chí đăng tải chưa chính xác hoặc dễ gây hiểu lầm. Điều đó cho thấy, đơn vị được kiểm toán và công chúng rất quan tâm đến công khai kết quả kiểm toán, đồng thời giám sát, kiểm tra hoạt động kiểm toán tạo ra áp lực tác động trở lại đòi hỏi KTNN tăng cường công tác kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn giúp người đọc hiểu rõ hơn về tác dụng của công khai kết quả kiểm toán trong nền kinh tế xã hội:

- Đối với đơn vị được kiểm toán: Kết quả kiểm toán là thẩm định, đánh giá trách nhiệm công việc quản lý tài chính công của đơn vị được kiểm toán, giải toả trách nhiệm cho các nhà quản lý; là căn cứ để đơn vị được kiểm toán sửa chữa, khắc phục những sai sót, cải tiến hoạt động, chấn chỉnh, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, tăng cường công tác quản lý tài chính. Công khai kết quả kiểm toán giúp cho đơn vị được kiểm toán nhận thấy rõ trách nhiệm của mình, hướng tới công khai minh bạch trong các hoạt động. Việc công khai kết quả kiểm toán đồng nghĩa với việc các thông tin về tính trung thực, tin cậy của báo cáo tài chính, quyết toán ngân sách của đơn vị được kiểm toán sẽ được công bố rộng rãi đến các đối tượng sử dụng thông tin. Các đối tượng sử dụng thông tin sẽ tạo áp lực đối với các hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

- Đối với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật: Các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc cập nhật các thông tin từ kết quả kiểm toán đã được công khai liên quan đến đơn vị được kiểm toán để tổng hợp, xử lý nhằm đưa ra các quyết định quản lý thích hợp, đồng thời đôn đốc, giám sát các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN. Đối với các kết luận, kiến nghị liên quan đến việc ban hành các chế độ, chính sách hoặc công tác quản lý, điều hành của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước thì các cơ quan này tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất hoặc quyết định việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quản lý và phương pháp quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế. Công khai kết quả kiểm toán nhằm tăng cường tính hiệu lực của công khai các chính sách tài chính, số liệu về dự toán, quyết toán của các đơn vị, góp phần minh bạch hoá nền tài chính quốc gia.

Kết quả kiểm toán là một nguồn cung cấp thông tin tin cậy cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc công khai kết quả kiểm toán tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật khai thác thông tin của đối tượng kiểm toán thông qua kết quả kiểm toán.

- Đối với các đối tác của đơn vị được kiểm toán: Báo cáo tài chính, tình hình hoạt động của một đơn vị có thể được rất nhiều cá nhân, đơn vị quan tâm sử dụng. Người sử dụng thông tin cần có được những thông tin đáng tin cậy nhằm giúp họ đánh giá về thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của đơn vị đó để ra các quyết định kinh tế. Đặc biệt, khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển tạo nên hệ quả là khả năng nhận được các thông tin tài chính kém tin cậy ngày một gia tăng. Rủi ro về thông tin gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Người sử dụng thông tin để ra quyết định (các nhà đầu tư, các chủ nợ,...) khó khăn trong tiếp cận nguồn thông tin tại đơn vị mà họ chọn đầu tư hay chọn làm đối tác kinh doanh. Thay vào đó, họ phải sử dụng thông tin do đơn vị cung cấp. Điều này làm tăng rủi ro thông tin bị sai lệch khi đến tay những người sử dụng; người cung cấp thông tin thường trình bày thông tin theo hướng có lợi nhất cho mình. Ví dụ khi doanh nghiệp bán cổ phần, các thông tin về doanh thu, lợi nhuận,... có thể sẽ bị khai tăng giả tạo, hay không được cung cấp đầy đủ; lượng thông tin phải xử lý và độ phức tạp của các nghiệp vụ kinh tế gia tăng, nhất là khi hoạt động kinh doanh ngày càng đa dạng, quy mô các đơn vị ngày càng lớn.

Việc công khai kết quả kiểm toán giúp đối tác của đơn vị được kiểm toán dễ dàng tiếp cận được thông tin một cách đầy đủ và trung thực về tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán, từ đó có thể đánh giá được mức độ trung thực trong kinh doanh và mức độ lành mạnh về tài chính của đơn vị được kiểm toán để đưa ra các quyết định phù hợp trong quan hệ với đơn vị được kiểm toán.

- Đối với công chúng: Nhân dân là người trực tiếp nộp thuế hình thành nên ngân sách nhà nước. Vì vậy, nhân dân có quyền được biết ngân sách nhà nước có được sử dụng hợp lý, đúng mục đích, có hiệu quả, có tiết kiệm hay không. Đồng thời, nhân dân có quyền giám sát đối với các hoạt động của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện hai quyền trên bị hạn chế bởi các nguyên nhân thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác. Công khai kết quả kiểm toán nhằm tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận thông tin quản lý từ đó có thể tham gia vào giám sát và quản lý, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính; bảo đảm sử dụng có hiệu quả NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, công khai kết quả kiểm toán cũng tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, kiểm tra lại hoạt động của KTNN nhằm ngày càng nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN.

- Đối với cơ quan lập pháp trong thực hiện quyền giám sát tối cao của mình ở trung ương và địa phương: Kết quả kiểm toán của KTNN là một nguồn quan trọng cung cấp thông tin cho cơ quan lập pháp trong việc thực hiện quyền giám sát tối cao của mình. Việc giám sát được thực hiện cả với đơn vị được kiểm toán và KTNN. Công khai kết quả kiểm toán giúp cho tất cả các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thể cập nhật thông tin liên quan đến vấn đề cần quan tâm một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

- Đối với kiểm toán viên và Kiểm toán Nhà nước: Công khai kết quả kiểm toán giúp tăng cường hiệu lực của hoạt động kiểm toán. Công khai kết quả kiểm toán đã tạo điều kiện cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình hoạt động của đơn vị được kiểm toán đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và công chúng. Qua đó các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có quyền giám sát, các đối tác kinh tế tạo ra tác động yêu cầu đơn vị được kiểm toán phải điều chỉnh các hoạt động của mình trên cơ sở các kết luận, kiến nghị của KTNN, dư luận xã hội cũng tạo ra áp lực buộc các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Thông qua con đường này, cộng với việc đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thì các kết luận, kiến nghị của KTNN được đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc hơn, đầy đủ hơn, sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN cũng chặt chẽ, thông suốt hơn. Từ đó hiệu lực của hoạt động kiểm toán được nâng cao.

Kết quả kiểm toán là các ý kiến kết luận sau cùng về thông tin tài chính được kiểm toán, thể hiện trình độ, năng lực, sự tuân thủ quy trình, chuẩn mực kiểm toán, sự thành thạo của kiểm toán viên trong công việc. Đồng thời nó là sản phẩm của kiểm toán viên cung cấp cho xã hội, tăng cường tính minh bạch tài chính nên họ phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Việc công khai kết quả kiểm toán tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tiếp cận thông tin kiểm toán và qua đó giám sát hoạt động kiểm toán và đánh giá chất lượng kiểm toán. Các ý kiến, dư luận của công chúng sau khi công khai kết quả kiểm toán như là sự phản biện đối với hoạt động kiểm toán, đòi hỏi kiểm toán viên phải đảm bảo tính đầy đủ và thuyết phục của bằng chứng kiểm toán khi đưa ra ý kiến./.

Tài liệu tham khảo:

- Luật KTNN

- Báo Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động v.v...

Xem thêm »