Báo cáo kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước một số bộ, ngành thuộc lĩnh vực giáo dục- đào tạo, văn hóa- thông tin, phát thanh- truyền hình, thể dục- thể thao

30/03/2009
Xem cỡ chữ Google

 Theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngày 07 tháng 9 năm 2005 KTNN đã có buổi báo cáo kết quả kiểm toán theo luật NSNN đối với các lĩnh vực

 Theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngày 07 tháng 9 năm 2005 KTNN đã có buổi báo cáo kết quả kiểm toán theo luật NSNN đối với các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, văn hóa- thông tin, phát thanh- truyền hình, thể dục- thể thao. Đồng chí Hoàng Ngọc Hài, Phó Tổng KTNN, thay mặt KTNN báo cáo nội dung trên trước Ủy ban.

Trên cơ sở một số cuộc kiểm toán đã được tiến hành ở một số Bộ, ngành trong những năm gần đây cho thấy, hàng năm NSNN giành một khoản chi rất lớn cho lĩnh vực này. Tuy vậy, trong khi NSNN còn khó khăn và kinh phí sử dụng vào những lĩnh vực trên còn hạn hẹp nhưng chưa được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, gây thất thoát lãng phí .

Qua kết quả kiểm toán của Bộ Văn hóa thông tin, Ủy ban Thể dục thể thao, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ giáo dục và Đào tạo, Đài truyền hình Việt Nam, Chương trình mục tiêu Quốc gia Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2001- 2004, Dự án giáo dục kỹ thuật và dạy nghề năm 2004, 2005 vừa qua đã phát hiện những khoản chi sai chế độ và tăng thu cho NSNN, cụ thể: giảm chi (đầu tư XDCB) 24.532.474.000 đồng; phát hiện và giảm chi (trong chi sự nghiệp) 37.671.242.000 đồng, chủ yếu là những khoản chi sai chế độ, sai mục đích và đối tượng, thanh toán vượt mức quy định; tăng thu cho ngân sách 65.478.435.000 đồng.

Đáng chú ý là việc quản lý lĩnh vực Đầu tư XDCB còn rất nhiều sai sót. Tình trạng này diễn ra ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, điển hình là khâu đấu thầu và lựa chọn nhà thầu không đúng quy trình, còn hiện tượng chỉ định nhà thầu sai quy định; khâu thi công không giám sát chặt chẽ gây thất thoát vật tư, kéo dài thời gian…Một tình trạng cũng khá phổ biến ở hầu hết các Bộ, ngành trong lĩnh vực này là nhiều dự án chưa khả thi, công tác thẩm định chưa đầy đủ đã ra quyết định đầu tư nên khi thực hiện phải thay đổi nhiều lần gây lãng phí ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, việc quản lý các khoản thu đối với sự nghiệp có thu còn nhiều sai sót; việc lập dự toán không chính xác và xu hướng thấp hơn thực hiện năm trước; các khoản thu để lại sử dụng không được giao dự toán NSNN ở hầu hết các địa phương và các ngành ở Trung ương. Việc bỏ sót nguồn thu còn phổ biến và sử dụng nguồn thu theo cơ chế tự chủ còn lãng phí và sai chế độ; sử dụng vốn chương trình mục tiêu sai mục đích các nguồn.

Tại buổi họp này, KTNN đã đưa ra một số kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành như sau:

Đối với các Bộ, ngành và các địa phương: Phải sớm tổ chức lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp có thu lập dự toán ngân sách sát thực tế và quản lý, sử dụng nguồn thu này có hiệu quả.

Đối với Quốc hội và Chính phủ: Cần có chủ trương và cơ chế xử lý kiên quyết hơn đối với những trường hợp làm trái với các quy định của Nhà nước trong đầu tư xây dựng và sử dụng NSNN; nguồn thu sự nghiệp trong các lĩnh vực trên phải được quản lý chặt chẽ hơn; các khoản thu theo chủ trương xã hội hóa nên có định lượng theo từng khu vực; Chính phủ cần tổ chức sơ kết sau một thời gian thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ và Quyết định 192/2001/QĐ-TTg nhằm khắc phục những tồn tại trong chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

Xem thêm »