Đối với bất cứ đất nước nào, mối quan tâm lớn nhất của người dân là làm sao quản lý ngân sách nhà nước được chặt chẽ, vì vậy tôi cho rằng kết quả kiểm toán phải được báo cáo công khai trước Quốc hội. Điều đó sẽ bảo đảm tốt nhất cho tính minh bạch đối với kiểm soát ngân sách nhà nước. Nước ta đang nêu cao vấn đề công khai dân chủ, mục tiêu là dân làm chủ thực sự.
Ông Hà Mạnh Trí
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Đối với bất cứ đất nước nào, mối quan tâm lớn nhất của người dân là làm sao quản lý ngân sách nhà nước được chặt chẽ, vì vậy tôi cho rằng kết quả kiểm toán phải được báo cáo công khai trước Quốc hội. Điều đó sẽ bảo đảm tốt nhất cho tính minh bạch đối với kiểm soát ngân sách nhà nước. Nước ta đang nêu cao vấn đề công khai dân chủ, mục tiêu là dân làm chủ thực sự. Vì vậy, vấn đề người dân quan tâm nhất là việc quản lý, chi tiêu ngân sách nhà nước được đúng theo quy định của pháp luật vì đó là đóng góp của nhân dân.
Về vai trò của KTNN, cơ quan chúng tôi (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - PV) là một ví dụ điển hình mà KTNN đã kiểm toán. Qua đó tôi rất ủng hộ cách làm việc của KTNN. Qua hoạt động nghiệp vụ của mình, KTNN đã có đóng góp rất quan trọng vào việc tăng cường khả năng và hiệu quả quản lý cho những người làm công tác lãnh đạo; KTNN thực sự tham gia làm minh bạch quyết toán chi tiêu ngân sách của từng cơ quan, đơn vị được kiểm toán nói riêng và NSNN nói chung.
Với cương vị là một Đ ại biểu Quốc hội, theo tôi, vai trò của KTNN ngày càng được nâng cao. Đó là lý do ngày càng phải tăng cường hoạt động KTNN đối với tất cả mọi đối tượng kiểm toán. Với mục tiêu hiện nay đối với NSNN là phân bổ công khai và quyết toán công khai, hoạt động KTNN sẽ góp phần quan trọng để mục tiêu đó được hiện thực hoá.
Để công cuộc phòng, chống tham nhũng, chống thất thoát và lãng phí có hiệu quả cần có nhiều giải pháp. Đối với KTNN, nếu tiến hành kiểm toán được thường xuyên thì đó là một trong những biện pháp ngăn ngừa rất hiệu qủa, rất đáng khuyến khích. Quốc hội là cơ quan quyết đáp về ngân sách của quốc gia, việc KTNN do Quốc hội thành lập, hoạt động với tư cách một cơ quan chuyên môn của Quốc hội là hết sức cần thiết. Việc tăng cường, mở rộng phạm vi hoạt động của KTNN chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động Quốc hội.
Trong thời gian tới KTNN cần quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực có nhiều vấn đề Nhà nước và nhân dân đang quan tâm, công luận tập trung đề cập. Chẳng hạn như các dự án ODA, các công trình quan trọng quốc gia. Phải quan tâm ngay từ khâu đầu tư. Khâu này nếu không được bảo đảm sẽ dẫn tới ảnh hưởng toàn diện chất lượng công trình. Mở rộng phạm vi kiểm toán cũng giúp cho KTNN thuận tiện và chính xác hơn trong việc xem xét hiệu quả đồng vốn mà Nhà nước bỏ ra cũng như đánh giá chất lượng công trình.
Một trong những điều tôi đặc biệt trăn trở, đó là KTNN cũng cần phải tăng cường mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ, khi phát hiện ra những vụ việc có dấu hiệu phạm tội về tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thậm chí luật sư sẽ yêu cầu kiểm toán. Trong khi đó việc điều tra chỉ có thể triển khai trong một thời gian nhất định, rất cần sự đáp ứng kịp thời của KTNN. Muốn vậy, việc hợp tác các bên phải tạo được sự chủ động, thường xuyên. Cho đến nay, việc triển khai vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, ngay cả trong một số các cơ quan tiến hành tố tụng. Khi vụ việc chuyển cho Toà án hoặc các cơ quan Viện kiểm sát rồi mới yêu cầu kiểm toán thì thời gian không có nhiều, gây bị động về thời gian cho cả hai bên. Việc phối hợp giữa cơ quan KTNN với các cơ quan tiến hành tố tụng ngay từ đầu chắc chắn sẽ có tác dụng tốt. Trong trường hợp kiểm toán được thường xuyên tác dụng ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực sẽ rất hiệu quả, thông tin kiểm toán sẽ là nguồn tài liệu hữu ích để các cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo khi điều tra; trong trường hợp vụ việc đã xảy ra KTNN mới vào cuộc thì sự phối hợp chặt chẽ của KTNN với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng giúp cho quá trình làm rõ các vụ việc sẽ nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. /.