(Thiếu tướng Trần Nguyên Bình, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kiểm toán)
Xin đồng chí có thể giới thiệu đôi nét với bạn đọc về ngành Cơ yếu Việt Nam và Ban Cơ yếu của Chính phủ hiện nay?
Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng kỹ thuật mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Tổ chức cơ yếu đầu tiên ra đời ngày 12/9/1945 là Ban Mật mã – Phòng Thông tin liên lạc - Bộ Tổng tham mưu – Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, tới nay, Cơ yếu Việt Nam trở thành một ngành dọc, có tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới các cơ sở rộng khắp trong và ngoài nước. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ yếu là những người lính chiến đấu trên mặt trận thầm lặng, ngày đêm bảo mật thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy được bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Nhiều thế hệ cơ yếu, bằng mồ hôi, xương máu, trí tuệ của mình đã hun đúc nên truyền thống 10 chữ vàng được BCH Trung ương Đảng trao tặng: “Trung thành, tận tuỵ, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”.
Ban Cơ yếu Chính phủ (trước đây là Ban Cơ yếu Trung ương, thành lập theo Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 21/7/1956 của Ban Bí thư Trung ương Đảng), có chức năng tham mưu cho Đảng, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác cơ yếu trong toàn quốc, đồng thời trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, đảm bảo kỹ thuật mật mã và đào tạo cán bộ cơ yếu cho toàn ngành Cơ yếu. Ban Cơ yếu Chính phủ có các Vụ, Cục làm công tác quản lý và các đơn vị nghiên cứu khoa học mật mã, đào tạo cán bộ cơ yếu, sản xuất tài liệu cơ yếu, sản xuất và sửa chữa thiết bị mật mã, hệ thống các Trung tâm kỹ thuật mật mã và 01 Công ty làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Những năm qua, ngành Cơ yếu Việt Nam nói chung, Ban Cơ yếu Chính phủ nói riêng luôn hoàn thành nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 02 Huân chương Sao vàng.
Như vậy, Ban đã có bề dày lịch sử hoạt động và bản thân KTNN cũng đã ra đời được hơn 16 năm, lí do gì mà đến bây giờ KTNN mới kiểm toán đơn vị lần đâù tiên?
(Cười). Kiểm toán đơn vị nào, bao giờ là thuộc kế hoạch công tác của KTNN kia mà!
Tuy nhiên, tôi cũng biết phạm vi quản lý của Kiểm toán chuyên ngành I trực thuộc KTNN gồm nhiều Bộ, ngành, mà Cơ yếu chỉ là một đầu mối trong số đó. Hơn nữa, Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 về kiểm toán theo quy trình riêng đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh ra đời chưa lâu.
Qua đợt kiểm toán lần này đồng chí có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá gì về chất lượng của cuộc kiểm toán do Đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành I thực hiện nói riêng và vai trò, tác dụng của KTNN trong việc kiểm tra, giám sát các nguồn lực tài chính nhà nước?
Đồng chí Tổng KTNN đã có kết luận, đánh giá tốt về chất lượng cuộc kiểm toán vừa qua tại Ban Cơ yếu Chính phủ. Tôi chỉ nói mấy suy nghĩ thế này:
Một là, Đoàn Kiểm toán Nhà nước của KTNN chuyên ngành I đã làm việc đúng quy chế kiểm toán và kế hoạch đề ra, rất chuyên nghiệp, khách quan, nghiêm túc. Không có biểu hiện nương tay, làm qua loa hoặc gây khó dễ cho đơn vị được kiểm toán. Cũng không có hiện tượng các đơn vị đối xử không nghiêm túc với cán bộ kiểm toán. Sự phối hợp giữa Đoàn kiểm toán với cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ, cơ quan chức năng và các đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ chặt chẽ, chuẩn mực. Tôi hài lòng về điều đó.
Hai là, KTNN có vai trò, tác dụng rất quan trọng trong kiểm tra, giám sát các nguồn lực tài chính nhà nước. Kết quả kiểm toán vừa qua rất bổ ích với Ban Cơ yếu Chính phủ. Từ lãnh đạo, chỉ huy tới cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tài chính các cấp thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, thấy rõ hơn những điểm mạnh, điểm hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, sai sót để có giải pháp trong thời gian tới. Tôi rất quan tâm tới những kiến nghị của KTNN. Rất hữu ích, thiết thực. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN.
Theo đồng chí, để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về tính minh bạch trong việc sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thì KTNN và Ban cần phải tập trung giải quyết vấn đề gì?
Quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước trước hết là trách nhiệm của đơn vị được giao sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước. Để giúp các đơn vị làm tốt điều đó, có 2 vấn đề cốt lõi cần quan tâm là tính chuyên nghiệp và sự tận tình của kiểm toán viên. Nâng cao tính chuyên nghiệp là nâng cao uy tín của KTNN. Tận tình chỉ cho đơn vị thấy cái đúng để phát huy, cái sai để sửa, cái hạn chế để khắc phục thì đơn vị sẽ quý và không ngại kiểm toán. Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đơn vị thực hiện kiến nghị sau kiểm toán cũng là việc rất cần.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, bảo mật và an toàn thông tin KTNN cũng là vấn đề cần quan tâm. Ban Cơ yếu Chính phủ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các đồng chí, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ triển khai việc xác thực chữ ký số và bảo mật trong mạng công nghệ thông tin của KTNN.
Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2011