Mối quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm đối với lĩnh vực ngân sách địa phương

21/01/2011
Xem cỡ chữ Google

Đào Văn Dũng
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
Kiểm toán Nhà nước

Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh
 

KTNN và HĐND là hai cơ quan nhà nước độc lập, có chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền riêng nhưng có điểm chung là có nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào việc quản lý và sử dụng hiệu quả tiền, tài sản nhà nước. Vì vậy, trong hoạt động của 2 cơ quan tồn tại mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau:

Một là, hoạt động kiểm toán của KTNN là công cụ hữu hiệu giúp HĐND thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều 9 - Luật KTNN quy định "Báo cáo kiểm toán là một trong những căn cứ để HĐND sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương". Kiểm toán là hoạt động kiểm tra, đánh giá và xác định mức độ trung thực của các thông tin tài chính - ngân sách. Kết quả kiểm toán về chất lượng và mức độ tin cậy của các thông tin tài chính - ngân sách như là sự phản biện khách quan, có bằng chứng pháp lý, là chỗ dựa vững chắc và mang tính gợi ý để HĐND hình thành ý kiến về phân bổ dự toán, phê chuẩn quyết toán NSNN địa phương, nhất là trong điều kiện số lượng đại biểu HĐND có chuyên môn về lĩnh vực tài chính - ngân sách còn ít như hiện nay.

Việc giám sát hoạt động tài chính - ngân sách là một nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự thành công của các chính sách kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài các hình thức giám sát thông th­ường như: nghe báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSNN, quyết toán NSNN và chất vấn tại các kỳ họp; tổ chức các đoàn giám sát chung và giám sát chuyên đề theo chương trình, kế hoạch giám sát đã được phê duyệt; cử thành viên của đoàn giám sát đến cơ quan, tổ chức hữu quan để xem xét và xác minh các vấn đề về tài chính - ngân sách; tổ chức nghiên cứu, lập báo cáo giám sát và xem xét, xử lý các kiến nghị, tố cáo của công dân đối với công tác quản lý tài chính - ngân sách thì từ khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực, HĐND có một công cụ giám sát mới là của KTNN. Hoạt động kiểm toán góp phần vào việc làm lành mạnh hóa hoạt động thu, chi và sử dụng NSNN ; tác động đến các đơn vị sử dụng NSNN, buộc các đơn vị này phải sử dụng ngân sách theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn nhà nước, khuyến khích sử dụng nguồn lực nhà nước đạt kết quả cao, chống lãng phí, tham nhũng, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách.

Hai là, KTNN sử dụng nghị quyết của HĐND làm căn cứ pháp lý để thực hiện kiểm toán tính tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách của các cơ quan điều hành và thụ hưởng ngân sách nhà nước. Đồng thời, khi tiến hành hoạt động nghiệp vụ để có được những kết luận, xác nhận tin cậy về thực trạng hoạt động tài chính - ngân sách có tính sát thực và đưa kiến nghị và ý kiến tư vấn có tính phù hợp cao, KTNN cần phải tiếp cận được đầy đủ các bằng chứng và nguồn thông tin trong tất cả các khâu của chu trình ngân sách từ lập, phân bổ dự toán, thực hiện và quyết toán ngân sách nhà nước. HĐND là một chủ thể tham gia vào tất cả các khâu của chu trình ngân sách nên việc tiếp cận, nghiên cứu các thông tin trong hoạt động của HĐND là một yêu cầu cấp thiết.

Như vậy, mối quan hệ giữa của KTNN với HDND tỉnh là quan hệ giữa một cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập với một cơ quan dân cử địa phương; là mối quan hệ hai chiều, tương hỗ để cùng nhau thực hiện được mục tiêu nâng cao tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và kỷ cương trong quá trình quản lý và sử dụng tiền, tài sản nhà nước tại các địa phương; phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Thực trạng và sự cần thiết phải xây dựng mối quan hệ phối hợp và trao đổi thông tin giữa KTNN với HĐND cấp tỉnh trong trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm

Xây dựng kế hoạch kiểm toán là bước công việc đầu tiên của công tác tổ chức hoạt động kiểm toán. Các nội dung cơ bản của kế hoạch kiểm toán là việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi, đơn vị được kiểm toán, việc phân công và bố trí nhân lực thực hiện kiểm toán. Trong hệ thống quy trình kiểm toán của KTNN có 03 loại kế hoạch tương ứng với 3 cấp độ tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán: kế hoạch kiểm toán năm của KTNN, kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán do KTNN khu vực và chuyên ngành lập, kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán.  Trong đó, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm và kế hoạch kiểm toán của Đoàn kiểm toán là hai loại kế hoạch cần có sự tham gia phối hợp và trao đổi thông tin trực tiếp của HĐND cấp tỉnh.

Xây dựng kế hoạch kiểm toán là công việc có ý nghĩa quyết định chất lượng tới kiểm toán. Một kế hoạch kiểm toán có chất lượng phải là một kế hoạch kiểm toán có mục tiêu, nội dung kiểm toán phục vụ tốt nhất cho việc quản lý và điều hành kinh tế - tài chính - ngân sách của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương, đồng thời phải xác định được phạm vi, phương pháp phù hợp đảm bảo tính kinh tế, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Để xây dựng được một kế hoạch kiểm toán có chất lượng đòi hỏi KTNN, Đoàn kiểm toán phải được cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về toàn bộ chu trình NSĐP. Một mặt KTNN nắm bắt được những yêu cầu quản lý giám sát của HĐND để xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán đáp ứng được những yêu cầu phục vụ cho quản lý giám sát ngân sách địa phương. Mặt khác, qua nắm bắt thông tin, KTNN có thể xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm, phục vụ cho việc xác định trọng yếu, rủi ro kiểm toán trong chỉ đạo hoạt động kiểm toán nhằm đạt đạt hiệu quả cao.

Sau 16 năm thành lập, KTNN đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến nay, mỗi tỉnh, thành phố đã được kiểm toán 3 - 4 lượt. Từ sau khi Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua (năm 2005) việc phối hợp, cung cấp thông tin giữa KTNN và HĐND đã không ngừng được củng cố, tăng cường. HĐND các tỉnh, thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của KTNN, đã sử dụng nhiều hơn kết quả kiểm toán cho công tác giám sát của mình. Bên cạnh đó, cùng với sự giúp đỡ của HĐND các địa phương, chất lượng của công tác xây dựng kế hoạch của KTNN cũng đã không ngừng được nâng cao, thể hiện ở việc các báo cáo kiểm toán ngày càng đưa ra được nhiều ý kiến tư vấn hoàn thiện cơ chế, chính sách; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình quản lý và sử dụng ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, việc phối hợp và trao đổi, khai thác thông tin giữa KTNN và HĐND trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm đối với lĩnh vực ngân sách địa phương của KTNN còn nhiều hạn chế, thể hiện trên các khía cạnh sau:

- Luật KTNN đã quy định KTNN có nhiệm vụ quyết định kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán  hàng năm, thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xem xét quyết định kiểm toán khi Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có yêu cầu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu như có rất ít HĐND tỉnh đưa ra các yêu cầu về nội dung và phạm vi kiểm toán hàng năm của KTNN. Việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu và nội dung kiểm toán năm của KTNN chủ yếu xuất phát từ chu kỳ kiểm toán của KTNN và yêu cầu của các cơ quan ở trung ương; chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến của HĐND các tỉnh.

- Mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và HĐND tỉnh mới chỉ dừng lại ở cấp giữa KTNN khu vực, Đoàn kiểm toán với HĐND các địa phương và thường chỉ xuất hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch của cuộc kiểm toán. KTNN và HĐND tỉnh chưa tạo ra được mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên;  việc phối hợp và trao đổi thông tin thiếu chủ động từ cả hai phía, cụ thể:

+ HĐND cấp tỉnh chủ yếu tham gia quá trình kiểm toán với tư cách là đối tượng bị kiểm toán hơn là với tư cách cơ quan quản lý giám sát ngân sách ở địa phương. HĐND tỉnh chưa chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết để đề xuất với KTNN đưa vào kế hoạch kiểm toán những nội dung, đơn vị cần đi sâu kiểm toán để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát hàng năm của mình.

+ Các Đoàn kiểm toán Nhà nước trong khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán chủ yếu chỉ thu thập thông tin tại UBND và các cơ quan quản lý địa phương như Sở Kế hoạch đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính... Hầu như cơ quan KTNN không ít có sự trao đổi, làm việc trực tiếp với Thường trực HĐND hoặc các ban chuyên môn của HĐND. Thực tế cho thấy, nhiều thông tin tài chính - ngân sách chưa được cung cấp kịp thời, đầy đủ như các nghị quyết về dự toán thu, chi ngân sách, định mức mức phân bổ dự toán chi ngân sách, chế độ về thu phí, lệ phí, các khoản đóng góp.

Một số kiến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp và trao đổi thông tin giữa KTNN và HĐND cấp tỉnh

Từ thực trạng và nguyên nhân làm hạn chế sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa KTNN và HĐND cấp tỉnh, để phát huy hơn nữa vai trò của KTNN đối với hoạt động của HĐND cấp tỉnh, tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

 (1) Thường trực HĐND các tỉnh và các ban chuyên trách của HĐND cần nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với KTNN để chủ động phối hợp và cung cấp thông tin nhằm phát huy hơn nữa vai trò của KTNN; biến hoạt động của KTNN trở thành một công cụ hữu hiệu, thiết thực cho quản lý và điều hành kinh tế - tài chính - ngân sách của địa phương.

(2) Khi tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm cần chủ động lấy ý kiến tham gia của HĐND các tỉnh.

- Đối với KTNN trung ương khi xây dựng kế hoạch kiểm toán thì cần xem xét yêu cầu của địa phương. Trong trường hợp, chưa đúng chu kỳ kiểm toán tại địa phương nhưng nếu HĐND cấp tỉnh có yêu cầu thì nên xem xét đưa vào kế hoạch kiểm toán.

- Đối với các KTNN khu vực định kỳ và hàng năm cần chủ động làm việc, trao đổi thông tin với HĐND tỉnh để nắm bắt kịp thời các yêu cầu quản lý, giám sát từng năm của HĐND, trên cơ sở đó xây dựng, thiết kế kế hoạch kiểm toán cho phù hợp, cân đối giữa yêu cầu về mục tiêu, nội dung kiểm toán của KTNN trung ương với yêu cầu quản lý của địa phương.

(3) Giữa KTNN và HĐND cần khẩn trương ban hành Nghị quyết quy định mối quan hệ công tác giữa hai cơ quan./.

 (Nguồn: theo Tạp chí Kiểm toán số 12 (121) tháng 12/2010)

Xem thêm »