Kế hoạch kiểm toán năm 2013 và các giải pháp tổ chức thực hiện

03/01/2013
Xem cỡ chữ Google

Đinh Tiến Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng;
Bí thư Ban Cán sự Đảng;
Bí thư Đảng ủy;
Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ở các nư­ớc phát triển, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, kinh nghiệm của các n­ước đã khẳng định sự hiện diện và hoạt động của cơ quan KTNN là một công cụ hữu hiệu trong việc thiết lập và giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính, phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lạm dụng, tiêu xài phung phí nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân; KTNN thực sự đã trở thành bộ phận hợp thành không thể thiếu được trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Ở nước ta, việc nâng cao vai trò, đẩy mạnh hoạt động của KTNN thời gian qua đã khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia; tăng cường tính minh bạch và công khai về nền tài chính đất nước; góp phần thực thi dân chủ xã hội và chống tiêu cực, tham nhũng.

Qua 18 năm hoạt động, KTNN đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn, nhỏ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả kiểm toán bước đầu đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đánh giá cao trên nhiều phương diện, đã phát hiện nhiều sai phạm về chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính; kiến nghị tăng thu, giảm chi và đưa vào quản lý qua NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn chính là báo cáo kết quả kiểm toán đã cung cấp những thông tin có độ tin cậy và tính thuyết phục cho Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của nhà nước sử dụng trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Để khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát tài chính của Nhà nước, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, trong những năm qua Ban cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán hàng năm, trong đó xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm được xác định là nhiệm vụ then chốt. Kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN thể hiện nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán cụ thể trong một năm nhằm cụ thể hoá các mục tiêu kiểm toán. Đây là một công cụ quan trọng để điều hành hiệu quả và quyết định kết quả nhiệm vụ kiểm toán của KTNN.

Xác định tầm quan trọng của Kế hoạch kiểm toán hàng năm, năm 2013 và giai đoạn 2013-2015, Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN xác định Kế hoạch phải bám sát định hướng của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XI "Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với một số lĩnh vực trọng điểm, như quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản; đầu tư, mua sắm công; thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công; tín dụng ngân hàng và công tác cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí" và Kết luận Hội nghị Trung ương 6, khóa XI yêu cầu về "thực hiện nghiêm chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch". Kế hoạch và kết quả kiểm toán phải phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý, điều hành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của Chính phủ, kế hoạch giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, từng bước đáp ứng chất lượng của thông tin giải trình trước Quốc hội và cử tri, cung cấp kịp thời thông tin cho các phiên họp của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Ban cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN xác định giai đoạn 2013-2015, ngoài việc kiểm toán thường xuyên hàng năm ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, KTNN sẽ tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán trung hạn đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ triển khai và đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, KTNN sẽ đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội từng năm, trung hạn và dài hạn, theo sát các kế hoạch, chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách, nội dung và lộ trình tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính tập trung vào Ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung kiểm toán cuốn chiếu hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giai doạn 2013-2015. Kế hoạch kiểm toán cũng sẽ ưu tiên và tập trung cho việc đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm được dư luận quan tâm và dễ xảy ra tham nhũng, thất thoát: lĩnh vực quản lý sử dụng đất gắn với các dự phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực đầu tư công, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015, lĩnh vực quản lý tiền và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; thực hiện cải cách hành chính và thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm toán thông qua lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán vào một đoàn kiểm toán, giảm tối đa các đoàn KTNN trên cùng một địa phương, đơn vị để tránh phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy trình, hồ sơ mẫu biểu, đề cương kiểm toán...

Với định hướng như vậy, mục tiêu kiểm toán tổng quát năm 2013 của KTNN được xác định là:

Thứ nhất, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 9/11/2011 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Nghị quyết số 12/2011/QH13 ngày 09/11/2011 của Quốc hội về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 01/2012/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn NSNN và vốn Trái phiếu Chính phủ.

Thứ hai, đánh giá thực trạng đầu tư công; tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tài chính để phục vụ tốt nhất cho việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đánh giá công tác điều hành chính sách tiền tệ thông qua sử dụng các công cụ và biện pháp của Ngân hàng Nhà nước, đánh giá việc huy động vốn và chất lượng hoạt động tín dụng, đầu tư, đánh giá an toàn và hiệu quả hoạt động, việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

Với mục tiêu và định hướng như trên, đối tượng kiểm toán trong kế hoạch 2013 được lựa chọn mang tính bao quát, vừa không trùng nhưng phải toàn diện các lĩnh vực, đồng thời chú ý chọn lọc một số đơn vị ưu tiên, sử dụng tiền vốn, tài sản của nhà nước, nguồn lực của quốc gia lớn, có số thu chi ngân sách lớn trên tinh thần số đầu mối giảm so với các năm trước nhưng tăng về quy mô, chất lượng, tăng cường kiểm toán hoạt động. Giảm đầu mối kiểm toán trên cơ sở lồng ghép nội dung kiểm toán nhưng phải đảm bảo mục tiêu chất lượng đề ra, đồng thời đơn giản hóa thủ tục kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán. Đối với lĩnh vực kiểm toán ngân sách sẽ chú trọng đánh giá công tác quản lý, điều hành và phát hiện các bất cập của các chính sách, chế độ hiện hành, đánh giá hiệu quả đầu tư công thông qua đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán các tỉnh, thành phố, bộ, ngành có quy mô thu, chi ngân sách lớn; đối với lĩnh vực doanh nghiệp và ngân hàng sẽ tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, ngân hàng thương mại nhằm đánh giá tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đánh giá chất lượng quản lý hoạt động tín dụng, nợ xấu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các chính sách tiền tệ phục vụ tái cấu trúc DNNN và ngân hàng thương mại nhà nước; đối với lĩnh vực đầu tư dự án sẽ đánh giá chất lượng một số công trình, dự án trọng điểm.

Từ định hướng, mục tiêu như trên, Kế hoạch kiểm toán 2013 đã được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tham gia một số cơ quan có liên quan. Ngày 11/12/2012, Tổng KTNN đã ký Quyết định số 1835/QĐ-KTNN ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2013 với 143 đầu mối, thực hiện lồng ghép kiểm toán và tập trung kiểm toán các đơn vị có quy mô thu-chi lớn (lĩnh vực NSNN gồm 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã lồng ghép các kiểm toán chuyên đề; 11 chuyên đề độc lập; 25 dự án đầu tư; 05 chương trình mục tiêu quốc gia; 28 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó tập trung kiểm toán 6 tập đoàn lớn; 12 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng; 10 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2012 tại 2 bộ).

Căn cứ vào kế hoạch kiểm toán năm, ngày 11/12/2012, Tổng KTNN cũng đã ký quyết định số 1836/QĐ-KTNN phân giao nhiệm vụ kiểm toán cho các đơn vị trực thuộc KTNN. Nổi bật trong phân giao nhiệm vụ kiểm toán năm 2013 so với các năm trước đây là Tổng KTNN đã giao nhiệm vụ lồng ghép cụ thể về nội dung, mục tiêu và phạm vi lồng ghép đối với từng cuộc kiểm toán trên cơ sở năng lực của mỗi đơn vị và đặc thù quản lý của các đơn vị được kiểm toán để các đơn vị xây dựng kế hoạch tránh dàn trải và thực hiện kiểm toán đúng trọng tâm, tập trung kiểm toán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng kiểm toán. Tổng KTNN đã phân công các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, 5 quy trình và 4 đề cương, hướng dẫn kiểm toán đã ban hành trong kế hoạch năm 2012; xây dựng mới 5 đề cương, hướng dẫn kiểm toán, thời gian hoàn thành trước 28/2/2013 để kịp thời triển khai tập huấn, đào tạo trước khi triển khai hoạt động kiểm toán năm 2013.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2013, toàn ngành KTNN cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp bằng các biện pháp sát với tình hình thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức về tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm quản lý của cán bộ, đảng viên các cấp trên mỗi vị trí công tác, trong việc mạnh dạn đổi mới, đi đầu sáng tạo trong các lĩnh vực kiểm toán mới, lĩnh vực kiểm toán khó; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, đào tạo, giáo dục đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của KTV nhà nước, chống mọi biểu hiện vi phạm pháp luật, lối sống buông thả, thực dụng; thường xuyên phê bình và tự phê bình để xác định địa chỉ cụ thể các sai phạm, khuyết điểm và mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên trong từng đơn vị và quyết liệt trong khắc phục, sửa chữa; gắn công tác giáo dục chính trị tư tưởng với việc thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong mọi hoạt động của ngành

Hai là, tiếp tục rà soát hoàn thiện tổ chức bộ máy và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ kiểm toán phù hợp với năng lực và tình hình thực tế của mỗi đơn vị; phát triển đội ngũ công chức, viên chức đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý, bảo đảm chất lượng của đội ngũ để đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong các năm tiếp theo; chú trọng tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán; quan tâm thu hút nhân tài, đội ngũ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm công tác. Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để đưa công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, kiểm toán viên nhà nước ngày càng đi vào nền nếp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xốc lại đội ngũ, góp phần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ đơn vị.

Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên cơ sở đẩy mạnh tăng cường phân cấp cho các đơn vị tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; chú trọng hơn đào tạo kỹ năng quản lý, điều hành, kỹ năng kiểm toán gắn với kế hoạch kiểm toán, kỹ năng kiểm soát hoạt động kiểm toán;

Ba là, quyết liệt lồng ghép các nội dung kiểm toán theo chiều sâu, tăng cường kiểm toán tổng hợp, kiểm toán hoạt động, chú trọng phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, chế độ và kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật; tăng cường phối hợp, sử dụng các chuyên gia, nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng kiểm toán, nhất là đánh giá chất lượng công trình xây dựng, dự án và tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động kiểm toán, nâng tầm và rút gọn báo cáo kiểm toán, đổi mới cách viết báo cáo kiểm toán theo cách đánh giá từng mục tiêu kiểm toán; nâng cao chất lượng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng đề cương, hồ sơ, quy trình kiểm toán để tiêu chuẩn hóa, chính quy hóa và chuyên nghiệp hóa; chú trọng kiểm soát thực hiện mục tiêu, phạm vi kiểm toán, điều phối kịp thời hoạt động kiểm toán trong toàn ngành, nhất là các cuộc kiểm toán chuyên đề, các cuộc kiểm toán có phạm vi rộng.

Bốn là, Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền trong hoạt động công vụ, kịp thời phát hiện các vi phạm và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức kiểm toán viên; đề cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của trưởng đoàn, kiểm toán trưởng; duy trì thực hiện nghiêm quy định về chế độ thông tin, báo cáo, xác nhận số liệu, thông qua kết quả kiểm toán.

Năm là, chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các phiên họp của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; chủ động và kịp thời cung cấp thông tin và hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cho cơ quan điều tra. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục duy trì cơ chế cung cấp thông tin về gửi kết quả kiểm toán cho Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh và Bí thư Ban Cán sự các bộ, ngành Trung ương./.

Xem thêm »