Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán 2018

18/10/2017
Xem cỡ chữ Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 17/10/2017, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) đã họp phiên toàn thể, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Ông Nguyễn Đức Hải, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBTCNS chủ trì phiên họp.

Cùng dự phiên họp có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, các Ủy viên thường trực UBTCNS và đại diện các cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, Chính phủ.

Tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đã trình bày báo cáo tóm tắt dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2018 của KTNN. Báo cáo đã được bổ sung, hoàn thiện một bước trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tưởng Chính phủ và các ý kiến tham gia của một số cơ quan hữu quan trong thời gian qua.

Báo cáo cho biết, năm 2018, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động kiểm toán theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. KTNN sẽ tập trung kiểm toán ngân sách năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương sử dụng NSNN lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2017 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội. 

Hoạt động kiểm toán của KTNN sẽ ưu tiên tập trung kiểm toán việc triển khai các chủ trương, chính sách lớn như: Tập trung kiểm toán việc quản lý, điều hành NSNN theo Nghị quyết số  01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản liên quan; Tập trung kiểm toán việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại NSNN và nợ công (trong đó ưu tiên kiểm toán các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, kiểm toán hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, kiểm toán việc huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước); Tập trung kiểm toán hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; Tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ giám sát của Quốc hội, kiểm toán môi trường, kiểm toán các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu vực kinh tế...

Với định hướng xây dựng KHKT như trên, năm 2018, KTNN dự kiến sẽ triển khai 228 cuộc kiểm toán, trong đó: 67 cuộc kiểm toán lĩnh vực NSNN; 21 cuộc kiểm toán hoạt động; 28 cuộc kiểm toán chuyên đề; 53 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, 33 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng; 26 cuộc thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cơ quan đảng.

Tại Báo cáo thẩm tra của UBTCNS về dự kiến kế hoạch kiểm toán 2018 của KTNN, UBTCNS đánh giá, năm 2017 là năm KTNN đạt được nhiều kết quả tích cực, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng lên, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động từng bước được mở rộng, chất lượng, hiệu quả kiểm toán được nâng lên, đi đúng vào trọng tâm, trọng điểm, giải đáp được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính - ngân sách nói riêng.

Kết quả kiểm toán đến 30/9/2017 cho thấy, KTNN đã triển khai 185/252 đoàn kiểm toán (tương đương 73,4% kế hoạch), xét duyệt 144/277 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT). Dự kiến đến 01/11/2017, KTNN sẽ cơ bản triển khai hết các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2017. Đặc biệt việc thực hiện kiến nghị kiểm toán xử lý tài chính năm 2016 đến ngày 30/9/2017 đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cho thấy chất lượng của các kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn.

Về kế hoạch kiểm toán năm 2018, UBTCNS cơ bản nhất trí với nguyên tắc, định hướng, mục tiêu kiểm toán của KHKT năm 2018 của KTNN. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm toán theo định hướng mà KTNN đề ra, UBTCNS đề nghị KTNN tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp kiểm toán tiến tới kiểm toán thường xuyên các địa phương, bộ, ngành phục vụ cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan dân cử xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN. Về kiểm toán đầu tư công, KTNN cần rà soát lại các đối tượng thuộc lĩnh vực này để đáp ứng định hướng đã đặt ra trong kế hoạch. Đồng thời tập trung kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp đầu mối như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư... để đánh giá việc triển khai thực hiện chủ trương này. Về kiểm toán hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, UBTCNS đề nghị KTNN cần tập trung kiểm toán các ngân hàng chính sách, công ty chứng khoán và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC, không nên tập trung nhiều vào kiểm toán các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng vì đây là các đối tượng kiểm toán khi thực hiện kiểm toán tái cơ cấu thị trường tín dụng sẽ khó đánh giá được toàn diện việc tái cơ cấu thị trường tài chính. Đối với việc trình ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, UBTCNS đề nghị KTNN quan tâm bố trí nhân lực, đưa ra những ý kiến sâu sắc, có chất lượng liên quan đến cơ chế, chính sách ở tầm quản lý tài chính ngân sách vĩ mô để tham gia với UBTCNS trong việc thẩm tra dự toán và gửi ý kiến của KTNN cho Quốc hội theo quy định.

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận làm rõ thêm về một số những tồn tại, hạn chế trong hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đã tăng lên so với năm trước, tuy nhiên vẫn còn những kiến nghị chưa được thực hiện, KTNN cần làm rõ nguyên nhân của thực trạng này để có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế dẫn đến sự chồng chéo, trùng dẫm trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan...

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của ngành KTNN trong thời gian qua và cơ bản đồng tình với kế hoạch kiểm toán 2018 của KTNN. Chủ nhiệm UBTCNS nhấn mạnh, năm 2017 là năm đầu tiên triển khai Luật NSNN 2015, do vậy, trong quá trình triển KHKT 2018, KTNN cần lưu ý đưa ra những nhận định, đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong triển khai thực hiện Luật NSNNN trong thực tiễn để giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan dân cử thực hiện giám sát hiệu quả Luật NSNN năm 2015. Bên cạnh đó, KTNN cần tăng cường bổ sung những kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật còn hạn chế, bất cập được phát hiện qua quá trình kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, KTNN sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các Ủy viên Thường trực UBTCNS tại báo cáo thẩm tra và ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo kế hoạch kiểm toán 2018 thêm một bước trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hà Linh

 

Xem thêm »