Một số vướng mắc và giải pháp trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN về tài chính-ngân sách

11/06/2012
Xem cỡ chữ Google

(Ông Trần Văn Vượng - Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính)

...Một số vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN 

Thứ nhất, việc phát hành các báo cáo kiểm toán gửi về Bộ Tài chính còn chậm và thiếu. Tính đến 27/2/2012, Bộ Tài chính còn thiếu 43/152  báo cáo kiểm toán năm 2011 niên độ 2010, chiếm gần 30% tổng số báo cáo kiểm toán phát ra. Do đó, Bộ không thể nghiên cứu để triển khai thực hiện kịp thời các kiến nghị của KTNN, gây khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp, đôn đốc thực hiện.
Thứ hai, vướng mắc trong công tác rà soát, đối chiếu số liệu sau kiểm toán. Do các kết luận kiểm toán hàng năm rất lớn nhưng căn cứ rà soát của Bộ Tài chính chỉ duy nhất có báo cáo kiểm toán tổng hợp không có các tài liệu đính kèm. Nội dung tổng hợp đôi khi không phản ánh rõ bản chất của các kiến nghị xử lý; trong khi cán bộ được cử đối chiếu với Bộ Tài chính chỉ là cán bộ thuộc Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mà không có đại diện các đoàn kiểm toán. Vì vậy, việc rà soát đối chiếu chỉ tập trung được vào một số nội dung như: kiểm tra việc tổng hợp số liệu vào bảng có đúng theo tiêu chí đề ra; loại trừ những kiến nghị xử lý sai về bản chất được thể hiện rõ trong báo cáo kiểm toán. Vì thế, sau khi rà soát, đối chiếu và triển khai đôn đốc thực hiện, các đơn vị vẫn còn nhiều khiếu nại, giải trình, phải tiếp tục xử lý, dẫn đến kết quả đạt thấp.

Bên cạnh đó, phương pháp tổng hợp trong các báo cáo kiểm toán chưa hợp lý. Tại một số báo cáo kiểm toán ở các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ đưa vào bảng cân đối kế toán hợp nhất của toàn Tập đoàn, Tổng Công ty, nhưng kiến nghị xử lý, kết quả xử lý lại là những số liệu tại các doanh nghiệp thực hiện chế độ hạch toán độc lập. Do đó, khi thực hiện kiến nghị của KTNN, trong báo cáo kiểm toán không thể hiện rõ sai phạm thuộc đơn vị nào dẫn đến khó khăn trong việc đôn đốc thực hiện.
Thứ ba, tại một số đơn vị, KTNN không chuyển cơ quan thuế địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, tính phạt chậm nộp thuế..., mà tự tính tiền phạt chậm nộp, tiền xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị xử lý trong báo cáo kiểm toán. Do đó, khi báo cáo kiểm toán lưu hành, cục Thuế địa phương không nắm được để triển khai thực hiện, đơn vị cũng không có căn cứ thực hiện phạt chậm nộp do KTNN không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế và phạt chậm nộp thuế.

Thứ tư, việc tổ chức công tác xử lý sau kiểm toán của cơ quan kiểm toán còn chậm. Các khiếu nại và giải trình của các đơn vị được kiểm toán với Đoàn Kiểm toán trước khi kết luận hoặc sau khi kết luận đã được lưu hành còn chậm và chưa triệt để. Do đó, Bộ Tài chính gặp khó khăn trong công tác đôn đốc, xử lý các kiến nghị của KTNN vì các đơn vị không thống nhất kiến nghị của KTNN trong khi những khiếu nại không được xử lý, giải quyết. Riêng năm 2009, số liệu các đơn vị chưa thống nhất với kiến nghị của KTNN là 327,2 tỷ đồng và sau đó, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khiếu nại, dẫn đến việc xử lý sau kiểm toán giảm thêm 614 tỷ đồng do một số nguyên nhân như đã nêu ở trên. Hiện nay vẫn còn nhiều số liệu các đơn vị vẫn còn giải trình, chưa thực hiện được

Thứ năm, vướng mắc trong việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị xử lý tại các BQL dự án khi thực hiện kiểm toán dự án đầu tư. Trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB, Bộ Tài chính là đơn vị phối hợp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì, có chức năng phê duyệt, phân bổ vốn đầu tư; phân bổ chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước, danh mục các chương trình, dự án đầu tư quan trọng bằng các nguồn vốn; các khoản chi dự phòng của ngân sách trung ương cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB); chi ứng trước cho đầu tư XDCB từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật; thẩm định các dự án quy hoạch, thẩm định kế hoạch đấu thầu và kết quả đấu thầu các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Ở địa phương cũng do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trong khi đó cơ chế phối hợp không đồng bộ, chặt chẽ nên Sở Tài chính không được giao hoặc không có đầy đủ thông tin về lĩnh vực quản lý vốn đầu tư, trong đó có việc theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của KTNN đối với các dự án đầu tư.

Do trách nhiệm theo dõi, quản lý và thực hiện thuộc trách nhiệm của ngành Kế hoạch và Đầu tư nên hầu hết các BQL dự án không thực hiện báo cáo về Bộ Tài chính, mặc dù đã có công văn yêu cầu và đôn đốc bằng điện thoại.

Thứ sáu, nhiều đơn vị được kiểm toán chưa chủ động thực hiện nghiêm các kiến nghị của KTNN; các Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đôn đốc và báo cáo kịp thời tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN về Bộ Tài chính. Cơ quan KTNN cũng chưa thực hiện sao gửi các kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm tại các địa phương để biết và tổ chức thực hiện.

Thứ bảy, những nội dung, kiến nghị của KTNN tại các báo cáo thường liên quan đến nhiều các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, khi KTNN chỉ gửi 01 báo cáo kiểm toán về Bộ Tài chính có thể bị thất lạc, hoặc sao gửi về các đơn vị thuộc Bộ hoặc các đầu mối quản lý của Bộ, ngành, địa phương đó không đầy đủ. Các đơn vị thuộc Bộ không có hồ sơ nghiên cứu, tổng hợp và đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện.

Thứ tám, Bộ Tài chính hiện nay đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện kiến nghị về thu hồi “nợ đọng thuế phát sinh thêm” theo kiến nghị kiểm toán. Hiện nay, việc thu hồi nợ đọng đối với niên độ ngân sách 2009 chủ yếu là tiền sử dụng đất (576,2 tỷ đồng), tiền thuế và nợ đọng khác là 121,5 tỷ đồng và tại các báo cáo kiểm toán hàng năm đều có những khoản nợ đọng thuế phát hiện tăng thêm. Về việc này, nhiều năm qua Bộ Tài chính đã giải trình và kiến nghị KTNN không đưa khoản tiền sử dụng đất được ghi nợ của các hộ gia đình, cá nhân vào khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm. Số tiền sử dụng đất được ghi nợ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các Cục Thuế địa phương chỉ tổng hợp để theo dõi... Nguyên nhân do chính sách của Nhà nước cho phép các hộ gia đình, cá nhân chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất thì được ghi nợ tiền sử dụng đất, không quy định thời hạn phải trả nợ (không có hạn nộp). Việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất tuỳ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng đất đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số nợ tiền sử dụng đất lại thay đổi theo thời điểm thanh toán.

Ngoài ra, những khoản tiền sử dụng đất còn thường là nợ khó thu của người nộp thuế đã bỏ trốn, mất tích; của các đơn vị giải thể còn nợ thuế khó có khả năng thu hồi; của cá nhân, các hộ gia đình được ghi nợ tiền sử dụng đất mà không quy định thời hạn trả nợ...

Một số đề xuất nhằm khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng thực hiện
Cơ quan KTNN cần nâng cao chất lượng các kiến nghị kiểm toán.

Trong các kết luận kiểm toán, mỗi nội dung xử lý nêu rõ căn cứ vào quy định pháp luật nào và phương pháp tính toán xác định, làm cơ sở đôn đốc thực hiện và xử lý khi có khiếu nại. Những kiến nghị, khiếu nại và những vướng mắc trong và sau khi đã lưu hành báo cáo kết luận kết luận kiểm toán..., đề nghị KTNN xử lý dứt điểm, tránh để dây dưa, kéo dài. Nếu thấy cần thiết, KTNN có thể lấy ý kiến các cơ quan chức năng để giải quyết sao cho phù hợp chính sách, chế độ hiện hành. KTNN cũng có thể tổ chức một bộ phận “Xử lý sau kiểm toán”, để giúp Tổng KTNN tổng hợp tất cả những khiếu nại, giải trình của các đơn vị được kiểm toán và làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan, giúp Tổng KTNN xử lý dứt điểm các khiếu nại, giải trình phát sinh sau kiểm toán.
Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm toán; đặc biệt các số liệu kiến nghị liên quan đến tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) cần phải tổng hợp chính xác. Đề nghị KTNN không đưa khoản tiền sử dụng đất được ghi nợ của các hộ gia đình, cá nhân vào khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đề nghị đưa định nghĩa “nợ thuế” vào Luật để đảm bảo thống nhất trong cách hiểu và thực hiện. Kiến nghị xử lý xoá nợ thuế đối với người nộp thuế đã bỏ trốn, mất tích có nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2007.

Đổi mới phương pháp tổng hợp tại các báo cáo kiểm toán sao cho dễ hiểu, dễ phân tích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như công tác quản trị doanh nghiệp. Tại các tập đoàn, tổng công ty, số liệu tổng hợp thể hiện tăng thu đề nghị tổng hợp riêng theo từng doanh nghiệp thực hiện chế độ hạch toán độc lập và nguyên nhân tăng thu NSNN để có cơ sở thực hiện.

Khi gửi báo cáo kiểm toán về Bộ Tài chính, đề nghị KTNN gửi 2 bản. Một bản gửi về Bộ Tài chính để Lãnh đạo Bộ phân công các đơn vị chức năng thuộc Bộ chủ trì và phối hợp thực hiện và 01 bản gửi trực tiếp về Thanh tra Bộ Tài chính - đơn vị được Bộ Tài chính giao chủ trì theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện. Thanh tra Bộ cũng sẽ là đầu mối để cung cấp các báo cáo kiểm toán cho các đơn vị theo từng lĩnh vực phụ trách để tổ chức thực hiện. Sau khi đối chiếu kết quả kiến nghị xử lý về tài chính - ngân sách tại các địa phương; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tài chính địa phương, UBND địa phương đề nghị KTNN có văn bản gửi trực tiếp cho các cơ quan chức năng trên địa bàn để có trách nhiệm và cơ sở đôn đốc, triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị được kịp thời.

Sau khi các Bộ, ngành, UBND các địa phương nhận được báo cáo kiểm toán của KTNN, công văn đôn đốc của Bộ Tài chính; đề nghị các đơn vị có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm các kiến nghị của KTNN bằng cách sao gửi các kiến nghị xử lý tới các đơn vị thuộc, trực thuộc có liên quan để thực hiện, đồng thời có báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN kịp thời về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 33/2008/CT-TTg.

Để việc theo dõi thực hiện kiến nghị của KTNN đối với các dự án đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương được thuận lợi, Bộ Tài chính đề nghị KTNN ghi rõ tại cuối các báo cáo kiểm toán yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị như sau: “Báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị về KTNN đồng gửi Bộ Tài chính 01 bản”.

Đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN, đề nghị phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan để chỉ ra nội dung nào do KBNN thực hiện, nội dung nào do các cơ quan liên quan thực hiện, giúp cho việc thực hiện các kiến nghị của KTNN cũng như tổng hợp báo cáo giải trình kiến nghị được thuận lợi hơn.

Có chế tài xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN và chế độ báo cáo theo Chỉ thị 33/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 5/2012
                                                               

Xem thêm »