Trách nhiệm của HĐND, UBND và các Sở, Ban, ngành trong việc thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN – Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện

11/06/2012
Xem cỡ chữ Google

(Bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh)

...Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thường xuyên thực hiện kiểm toán đối với tình tình quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; tổ chức một số cuộc kiểm toán chuyên đề. Hoạt động của KTNN đã có tác động tích cực đến công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, giúp các cấp chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách địa phương. Bằng những căn cứ mang tính chuyên môn, các chứng lý, các kết quả thẩm tra, KTNN không những chỉ ra các trường hợp sai phạm, sơ hở trong quản lý tài chính ngân sách nhà nước để địa phương, đơn vị hiểu rõ thực trạng công tác quản lý tài chính tại cơ sở nhằm có giải pháp chấn chỉnh và cung cấp những nguồn thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy giúp các đại biểu Hội đồng nhân dân yên tâm lấy đó làm căn cứ quan trọng để thảo luận, phê chuẩn quyết toán, quyết định, phân bổ dự toán, giám sát quá trình điều hành ngân sách và quyết định các chủ trương, chính sách tài chính - kinh tế và ngân sách ở thành phố.

Mặt khác, với địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Luật KTNN; thông qua công tác kiểm toán tại các địa phương, các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, KTNN đã ghi nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, chế độ của nhà nước tại cơ sở để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật cho phù hợp.
 
Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các sở, ban, ngành trong việc thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN và kết quả thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh trong các năm qua
Mối quan hệ giữa KTNN với Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND) được thiết lập và duy trì trong cả 4 khâu của quy trình kiểm toán, bao gồm: lập kế hoạch kiểm toán ngân sách địa phương, thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương, lập và phát hành báo cáo kiểm toánvà cuối cùng là kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, KTNN Khu vực IV và Thường trực HĐND, UBND đã thống nhất ký Quy chế phối hợp giữa 3 cơ quan. Nội dung Quy chế quy định sự phối hợp công tác trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và trong hoạt động giám sát, quản lý, điều hành ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, trong các năm qua, căn cứ Báo cáo kết luận KTNN đối với ngân sách hàng năm, Thường trực HĐND, UBND thành phố đã nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình, có ý kiến trao đổi với KTNN các vần đề còn chưa thống nhất. Đồng thời, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung triển khai tổ chức thực hiện các ý kiến kết luận, kiến nghị của KTNN; UBND thành phố cũng giao trách nhiệm cho Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở; định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN trình UBND thành phố gửi KTNN và Bộ Tài chính theo quy định.

Nhìn chung, các đơn vị sở, ngành và UBND các quận, huyện của Thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý ngân sách, thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan theo kết luận của KTNN; các cơ quan, đơn vị cũng chủ động trao đổi hoặc đề xuất UBND thành phố làm việc với cơ quan KTNN đối với các nội dung còn chưa thống nhất; kiến nghị HĐND, UBND thành phố ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy định các cơ chế, chính sách cho phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương. 

Tuy nhiên, mặc dù HĐND thành phố luôn quan tâm, giám sát, UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt và các cơ quan tổng hợp thường xuyên đôn đốc, nhưng kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận của KTNN trong thời gian qua tại thành phố vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN đối với các năm ngân sách 2006, 2008 và 2009 cho thấy, tính bình quân, tỷ lệ các kiến nghị đã thực hiện là 64,18%, chưa thực hiện là 35,82% tương ứng số tiền 1.454,527 tỷ đồng; các nội dung chưa có sự thống nhất giữa KTNN và đơn vị được kiểm toánchiếm tỷ trọng 35,95% trong số chưa thực hiện, các cơ quan, đơn vị liên quan đã có văn bản trao đổi với  KTNN và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế). Các kiến nghị của KTNN chủ yếu tập trung ở các nội dung tăng thu về thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp) và thu tiền sử dụng đất; bên cạnh đó, KTNN còn có kết luận liên quan đến việc xử lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của thành phố.

Qua thực tế cho thấy, việc chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:

Trước hết, do các đơn vị được kiểm toán chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ngoài một số đơn vị triển khai việc thực hiện kiến nghị rất tốt thì còn phải kể đến những đơn vị cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, báo cáo sai lệch kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Một số kết luận, kiến nghị mà đoàn kiểm toán tại đơn vị đưa ra tuy dựa trên căn cứ pháp luật nhưng chưa sát với thực tiễn, đến khi thực hiện có phát sinh vướng mắc, không thể thực hiện được nên các đơn vị được kiểm toán đã có văn bản kiến nghị, trao đổi với KTNN nhiều lần, mất thời gian, và hiệu quả thực thi không cao.

Đặc biệt, hiện nay chưa có các chế tài cụ thể đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN. Luật KTNN ban hành năm 2005 quy định KTNN có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị; tuy nhiên vẫn không quy định các biện pháp chế tài cụ thể.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa theo kịp thực tế hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều bất cập, dẫn đến việc địa phương phải vận dụng linh hoạt để phù hợp với thực trạng quản lý. Thành phố đã nhiều lần trao đổi với KTNN và báo cáo, xin ý kiến các Bộ, ngành để có hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là các chính sách tài chính về đất đai.
Trong các kiến nghị của KTNN đến nay thành phố chưa thực hiện, các kiến nghị liên quan đến thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng đến 61,06% (888,163 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý thu (Cục Thuế) vẫn chưa thực hiện thu được của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án. Nguyên nhân chủ yếu do những năm gần đây tình hình kinh tế trong nước không thuận lợi, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, do không thể huy động được nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải ngừng triển khai các dự án đầu tư, đồng nghĩa với việc không nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Về cơ chế, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của nhà đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn là việc khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ mà nhà đầu tư đã bỏ ra để tính tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp. Trên thực tế nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền khá lớn để thỏa thuận bồi thường hoặc hỗ trợ thêm cho người sử dụng đất, nhưng khi tính khấu trừ chi phí bồi thường, hỗ trợ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp thì chưa được hướng dẫn cụ thể; nên việc thực hiện khấu trừ còn gặp nhiều lúng túng, gây bức xúc cho nhà đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tính tiền sử dụng đất phải nộp chưa thống nhất giữa cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế tại địa phương.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN
Đối với cơ quan KTNN, trong quá trình thực hiện kiểm toán cần nghiên cứu tình hình thực tế tại địa phương để có thể đưa ra những nhận định và kết luận phù hợp; đối với các kiến nghị, cần cân nhắc tính khả thi, tránh trường hợp các đơn vị được kiểm toán chưa thống nhất với kết luận của cơ quan kiểm toán, có văn bản kiến nghị, giải trình nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị của thành phố thường xuyên tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán. Do đó, để hạn chế sự trùng lắp về thời điểm, về nội dung thanh tra kiểm toán, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán có sự phối hợp chặc chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch công tác.

Luật KTNN hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về áp dụng các biện pháp chế tài đối với các đơn vị cố tình không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, các trường hợp chậm trễ chưa thực hiện...; cần thiết bổ sung các quy định chế tài cụ thể, nghiêm khắc hơn để tác động đến các đơn vị thực hiện đầy đủ kiến nghị, báo cáo kịp thời.

Đối với thành phố và đơn vị được kiểm toán, cần nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị của KTNN, xem xét, đưa vào tiêu chí thi đua, xếp hạng hàng năm...

Theo Tạp chí Kiểm toán số 5/2012
                                                               

Xem thêm »