Kết luận giám sát phải "Tâm phục, khẩu phục"

01/10/2012
Xem cỡ chữ Google

Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã có những đổi mới theo hướng thiết thực, chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên hoạt động giám sát của HĐND ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, hiệu lực giám sát chưa cao, những kết luận sau giám sát chưa được thực hiện nghiêm minh. Vậy nguyên nhân do đâu?

Để hoạt động giám sát thực sự có chất lượng, hiệu lực và hiệu quả cao bao gồm nhiều yếu tố như: quá trình chuẩn bị cho một cuộc giám sát, việc lựa chọn nội dung thiết thực, hình thức giám sát phù hợp, điều tra, khảo sát thu thập thông tin nắm chắc tình hình, xác định thành phần tham gia, cơ quan phối hợp thực hiện… Toàn bộ những yếu tố đó được thực hiện chu đáo sẽ bảo đảm cho một cuộc giám sát đạt chất lượng cao.
 
Chất lượng giám sát ở đây phải được hiểu trên hai mặt hiệu quả và hiệu lực giám sát. Một cuộc giám sát có hiệu quả là đưa ra được những nội dung kết luận sát thực, khách quan nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây chưa đủ, một cuộc giám sát thực sự có hiệu lực khi những kết luận giám sát được thực thi nghiêm túc.
 
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao những kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc? Về mặt chủ quan phải xem xét đến chất lượng hoạt động giám sát, cuộc giám sát phải chọn được nội dung cần giám sát, vừa cụ thể, vừa thiết thực với hình thức giám sát phù hợp được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, những kết luận và kiến nghị sau giám sát phải thật sự khách quan, sát với tình hình thực tế có điều kiện khả thi. Trên thực tế một số cuộc giám sát vẫn còn mang tính hình thức với những kết luận mang tính động viên, chưa chỉ ra thẳng những vấn đề yếu kém, sai phạm… Sau mỗi cuộc giám sát chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị bị giám sát thực hiện những kết luận giám sát. Ý thức chấp hành của cơ quan bị giám sát và một số cơ quan có trách nhiệm thực hiện những kết luận và kiến nghị sau giám sát còn yếu kém và trì trệ, thậm chí các cơ quan, đơn vị này cố tình không chấp hành cũng không sao, chưa có tập thể, cá nhân nào bị quy kết trách nhiệm vì chúng ta chưa có Luật Giám sát nên chưa có những chế tài cụ thể để điều chỉnh những trường hợp cụ thể này.
 
Để nội dung kết luận giám sát có hiệu lực, hiệu quả các ý kiến kết luận và những kiến nghị đưa ra phải thật sự khách quan, nêu rõ những mặt tích cực, những mặt hạn chế, thiếu xót, những nội dung thực hiện chưa đúng luật và tinh thần nghị quyết của HĐND, những vướng mắc bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, đưa ra được những giải pháp khả thi, lựa chọn những kiến nghị cụ thể với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tóm lại là nội dung kết luận giám sát phải "Tâm phục, khẩu phục" có tính lý luận và thực tiễn cao để thực thi.
 
Sau khi kết thúc một cuộc giám sát, cơ quan tổ chức giám sát phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm thực thi những kết luận giám sát, phải coi đó như là sự tiếp tục của hoạt động giám sát. Nếu đơn vị chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm túc những kết luận giám sát thì đưa ra giám sát tại kỳ họp dưới hình thức chất vấn và các cơ quan chức năng liên quan trả lời chất vấn, nếu thấy cần thiết yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ.
 
Quá trình hoạt động giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị chịu sự giám sát, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng như: báo, đài phát thanh truyền hình… Nhằm tạo sức mạnh tổng hợp dư luận tích cực để cử tri và nhân dân theo dõi thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trước nhân dân.
 
Cần tăng cường và bảo đảm sự lãnh đạo, phối hợp của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Sau mỗi cuộc giám sát đều có thông báo kết luận của cơ quan giám sát. Việc chấp hành những kết luận giám sát bên cạnh những cơ quan, đơn vị chấp hành tốt còn không ít những cơ quan, đơn vị, cá nhân người quản lý chưa thực hiện đầy đủ kết luận của cơ quan giám sát làm cho hiệu lực hoạt động giám sát của cơ quan dân cử chưa cao. Trước hiện trạng này trong lúc chúng ta chưa có Luật giám sát, chưa có những chế tài cụ thể đối với những đối tượng bị giám sát thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của các cấp ủy Đảng là cần thiết. Với tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, thông qua các cơ quan tham mưu, giúp việc cho các cấp ủy Đảng như tổ chức, kiểm tra… có thể làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng, cá nhân đảng viên là lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc những kết luận giám sát của HĐND, tùy mức độ sai phạm để xử lý xem xét hình thức kỷ luật và tư cách đảng viên. Làm được như vậy sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử nói chung, trong đó có hoạt động giám sát của HĐND.
 
Điều mong muốn nhất là sớm có Luật hoạt động giám sát với những nội dung quy định thống nhất, những chế tài cụ thể sát với tình hình thực tiễn. Đây là điều kiện pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ trong hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát.

Theo daibieunhandan.vn

Xem thêm »