Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Tây Nguyên

01/05/2013
Xem cỡ chữ Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 14/3/2013, tại Thành phố Buôn Mê thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã chủ trì Hội nghị “Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Tây Nguyên”. Tham dự có lãnh đạo và đại diện các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tập đoàn cao su Việt Nam, đại diện một số Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc các tỉnh Tây Nguyên.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên; ý kiến các Bộ, ngành, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

Về tình hình quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua: Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo, hoàn thiện các phương án quản lý lửa rừng ở những vùng trọng điểm; duy trì hoạt động thông tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các chủ rừng biết và có biện pháp chủ động phòng ngừa.

Về sắp xếp lại tổ chức lực lượng kiểm lâm: cơ bản đã bỏ các trạm kiểm soát trên các trục giao thông, tăng cường đưa một bộ phận lực lượng kiểm lâm về địa bàn xã, tham mưu cho cho UBND xã tổ chức công tác bảo vệ rừng.

Về quản lý rừng bền vững: Khu vực Tây Nguyên có 7 mô hình quản lý rừng bền vững, trong đó các dự án quốc tế hỗ trợ 3 mô hình, còn lại là các địa phương chủ động triển khai. Kết quả nổi bật trong việc triển khai các mô hình quản lý rừng bền vững là Công ty Lâm nghiệp Đắc Tô đã được cấp chứng chỉ gỗ có kiểm soát và đang hoàn thiện để cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế FSC cho 16.100 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất cho giai đoạn 2011-2016.

Về phát triển trồng cao su: Sau 5 năm thực hiện các tỉnh đã trồng được hơn  72 nghìn ha, tuy chưa đạt kế hoạch nhưng là kết quả đáng ghi nhận. Gắn liền với việc phát triển cao su, các dự án đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, trạm y tế, trường học giêng nước sinh hoạt, khu dân cư… với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an ninh chính trị vùng Tây Nguyên.

Nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng  khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới, UBND các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  và các Bộ, ngành liên quan:

Tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phận ổn định của từng tỉnh và địa phương  làm cơ sở xây dựng  chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển  rừng, đảm bảo phát triển bền vững; kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép; cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai, điểm nóng khiếu kiện đông người.

Tăng cường tổ chức quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện đang thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý./.

 

 

Xem thêm »