Hội thảo về Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành

30/03/2009
Xem cỡ chữ Google

 Với sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển của Đan Mạch (DANIDA), vừa qua Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo tập huấn về Luật KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo ra sự hiểu biết thống nhất và thấu đáo hơn những quy định của Luật; vì vậy, đây cũng là diễn đàn để trao đổi về sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan Hội đồng nhân dân với KTNN trong việc triển khai thực hiện Luật. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đại diện hầu hết các cơ quan của Quốc hội, như Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Uỷ ban Văn hoá giáo dục - thanh niên và thiếu niên nhi đồng, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, đại diện lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung.

Với sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển của Đan Mạch (DANIDA), vừa qua Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo tập huấn về Luật KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo ra sự hiểu biết thống nhất và thấu đáo hơn những quy định của Luật; vì vậy, đây cũng là diễn đàn để trao đổi về sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan Hội đồng nhân dân với KTNN trong việc triển khai thực hiện Luật. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đại diện hầu hết các cơ quan của Quốc hội, như Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, Uỷ ban Văn hoá giáo dục - thanh niên và thiếu niên nhi đồng, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, đại diện lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ - Phó Tổng KTNN cho biết, để Luật Kiểm toán Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, thời gian qua KTNN đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, các uỷ ban của Quốc hội soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành đầy đủ 5 Nghị quyết quy định cơ cấu của KTNN, quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn từng ngạch kiểm toán viên nhà nước; quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp nghề nghiệp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên; quy định việc kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành danh mục tài liệu tuyệt mật tối mật và mật của KTNN làm cơ sở cho việc công khai kết quả kiểm toán theo quy định tại Điều 58, Điều 59 của Luật KTNN. Tổng KTNN đã và sẽ ban hành các quy định theo thẩm quyền để chỉ đạo và điều hành hoạt động của KTNN, ngoài ra việc tuyên truyền Luật KTNN bằng các hình thức phù hợp cũng đã được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc... Ông Huệ khẳng định, kết quả hội thảo sẽ là một căn cứ giúp KTNN định hướng xây dựng tổ chức, chỉ đạo hoạt động và xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có uy tín và có trách nhiệm.

Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, Ban tổ chức hội thảo đã tập hợp được những bài tham luận có sự chuẩn bị công phu về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn về mối quan hệ, sự phối hợp giữa cơ quan KTNN với các cơ quan của Quốc hội, HĐND trong thời gian qua *. Bên cạnh đó, Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn sôi nổi với sự tham gia ý kiến của đông đảo đại biểu, đặc biệt là đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan HĐND và ban kinh tế HĐND các địa phương. Tâm huyết với nhiều nội dung Hội thảo đặt ra và tâm huyết nhất về việc rất cần sự phối hợp một cách có hiệu quả giữa KTNN, HĐND và Ban kinh tế ngân sách HĐND các địa phương, Ông Trần Tiến Cảnh - Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam "bật mí" một vấn đề rất băn khoăn khi đưa Luật vào cuộc sống. Theo ông Cảnh, ở Hà Nam, báo cáo kiểm toán không được gửi cho đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan HĐND. Về việc xử lý sau khi có kết quả kiểm toán, nếu quan tâm thì được giải thích rằng, quyết định việc này là của thường trực (tỉnh uỷ - NV). Chung chung như vậy khiến không hiểu cơ quan nào thực sự có quyền quyết định vấn đề này. Ông Cảnh nêu ra bốn đề nghị, một là phải có sự phối hợp hiệu quả giữa KTNN, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và cơ quan HĐND địa phương; hai là, nên mời KTNN tham dự kỳ họp HĐND cũng như tham gia công tác giám sát của thường trực HĐND; ngoài ra cũng cần quan tâm việc tăng cường bộ máy của KTNN và của cơ quan HĐND cấp tỉnh, thành phố.

Chia sẻ với ý kiến của ông Cảnh và một số tham luận trước đó về việc cần tăng cường bộ máy cho cơ quan HĐND, ông Tào Hữu Phùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KT và NS của Quốc hội cho rằng, kết luận kiểm toán khi đã có hiệu lực, cá nhân hoặc tổ chức sai phạm không thực hiện thì cơ quan kiểm toán có quyền đưa ra công khai, thậm chí đề nghị truy tố. Việc HĐND mời KTNN tham gia kỳ họp và công tác giám sát là hoàn toàn được, giống như Quốc hội mời KTNN tham gia tại các kỳ họp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội

Ông Lê Quốc Dung - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - người rất quan tâm đến lĩnh vực kiểm toán nhà nước tâm tư: "Nếu bản thân KTNN không có những cải tiến trong cách thức hoạt động, vẫn theo nếp trước đây thì khó có thể phối hợp hiệu quả". Ông Dung cũng rất băn khoăn về một số ý kiến cho rằng đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan HĐND địa phương mời KTNN vào kiểm toán những nội dung quan tâm là không thực tế. Lý do, sẽ bị quy kết là " Bôi mỡ vào chân cho kiến cắn"! Vì thế, ông Dung đề xuất hàng năm KTNN nên dành thời gian tổ chức họp theo vùng với các đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND để xem xét các trọng tâm, trọng điểm cần kiểm toán. Trong khi đó, Ông Trần Đình Huề - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình lại ví hoạt động kiểm toán nhà nước chẳng khác gì " Con dao hai lưỡi". Theo đại biểu này, nếu kiểm toán thực hiện tốt thì hiệu quả rất tích cực, ngược lại, nếu chất lượng kiểm toán không đạt yêu cầu đề ra sẽ chính là sự hợp thức hoá cho những sai sót, tiêu cực (nếu có).

Bày tỏ hi vọng rất nhiều vào việc triển khai thi hành Luật KTNN sẽ tích cực hỗ trợ cơ quan HĐND các địa phương nhưng ông Nguyễn Thanh Hải - đại diện HĐND tỉnh Thái Bình không khỏi băn khoăn khi thực tế cho thấy Luật có thể rất hay, rất trúng nhưng khi triển khai thực hiện thì lại vướng. Với lời mào đầu " Nói thật sẽ khó nghe" gây chú ý cho cử toạ, ông Huề nêu lên 4 vấn đề đáng lo ngại, gây hạn chế khi triển khai thực hiện Luật. Ngoài việc nhắc lại sự ví von " Kiểm toán không khác gì ném đá xuống ao bèo" và " Kết luận kiểm toán rất dễ trở thành sự hợp thức hoá tốt nhất" mà các đại biểu khác đã nêu, ông Hải thẳng thắn: "Vì sao triển khai luật vướng? Vì việc sử dụng công cụ này (kiểm toán -NV) thời gian qua không hiệu quả. Bắt nguồn từ thực tế khá phổ biến, đó là vẫn đang tồn tại "kiểu nhà nước siêu nhà nước"; khi "nó" không đồng ý thì không lực lượng (kiểm tra, kiểm soát) nào có thể vào được. Khắc phục vấn đề này cần có sự quan tâm giải quyết ở tầm vĩ mô, trong cả hệ thống chính trị. Một sự thật đáng buồn khác, đó là, đại biểu các cơ quan dân cử cũng như cử tri, những người biết (sự việc) nhiều nhất, rõ nhất thì thường là không chất vấn; những người không nắm rõ, chỉ bức xúc qua thông tin báo chí và dư luận xã hội thì tích cực chất vấn. Vì thế thường là không có đủ thông tin để chất vấn đến cùng để làm rõ sự việc".

Cuối cùng, ông Hải nêu kiến nghị: KTNN và Luật KTNN đều là những vấn đề mới nhưng đã thể hiện rõ là một công cụ sắc bén, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương ra một Chỉ thị (thậm chí một Nghị quyết) để chỉ đạo cấp ủy Đảng các cấp thực sự vào cuộc để lãnh đạo đưa Luật KTNN đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu chống tiêu cực, chống tham nhũng; làm cho nền kinh tế phát triển và lành mạnh hơn. Đây không chỉ là vấn đề kiểm toán đơn thuần mà là sự tồn tại của đất nước, lòng tin của nhân dân. Kiểm toán tốt không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của KTNN.

Khái quát nhanh những ý kiến đề xuất của các đại biểu tại hội thảo, ông Tào Hữu Phùng hoan nghênh và nhấn mạnh ý kiến nêu trên của ông Hải. Ông Phùng cho rằng, khi Đảng ủng hộ một cách tuyệt đối và trực tiếp thì Luật sẽ đi vào cuộc sống thuận lợi và hiệu quả hơn. Ông Phùng cho biết sẽ trình Uỷ ban TVQH ra một quy chế về sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với HĐND cấp tỉnh với KTNN, cùng với các Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật ban hành vừa qua tạo nên một cơ chế phối hợp hợp lý và hiệu quả. Sự phối hợp sẽ tiến hành dưới hình thức Uỷ ban KT-NS và các cơ quan của Quốc hội và HĐND sẽ "đặt hàng" KTNN phục vụ yêu cầu về cung cấp thông tin kết quả kiểm toán nói chung và đi vào cụ thể từng mặt như kết quả kiểm toán hàng năm, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính... cũng như yêu cầu kiểm toán đột xuất, kiểm toán chuyên đề. Ngược lại, để sử dụng các thông tin đó một cách hiệu quả thì các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp phải tạo cho KTNN cơ chế hoạt động thuận lợi hơn. Muốn vậy, các cuộc họp của các cơ quan Quốc hội và HĐND nên mời đại diện KTNN tham dự, báo cáo và cung cấp thông tin. Các chương trình giám sát cũng có thể mời KTNN tham gia, tạo nên cơ chế phối hợp hai chiều. Các cơ quan của Quốc hội và cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp tạo ra một cơ chế có tính cách đột phá để tạo thuận lợi cho KTNN hoạt động. Mục tiêu là sao cho KTNN có đủ điều kiện hoạt động, kiểm toán viên không thể bị mua chuộc cám dỗ. Thời gian qua Quốc hội đã ban hành những Nghị quyết quan trọng về thực hiện Luật KTNN, tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động KTNN như chế độ lương bổng, công tác phí, trang phục... tuy nhiên nếu cần thiết thì tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu tạo bước đột phá về cơ chế thuận lợi hơn nữa... Ông Phùng khẳng định: Để KTNN mạnh lên, trách nhiệm trước hết chính là của các cơ quan của Quốc hội và HĐND.  

Nhìn chung, đa số các đại biểu đều nhất trí rằng việc kiểm toán là rất thiết thực đối với hoạt động của Quốc hội và HĐND. Nhiều vấn đề KTNN phát hiện tại địa phương rất bổ ích và thiết thực cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Tuy nhiên, còn một số vấn đề đáng quan tâm các đại biểu nêu ra như sau:  (1) Thời gian qua mối quan hệ này chưa được tăng cường. Nhiều trường hợp KTNN thực hiện kiểm toán tại địa phương nhưng Hội đồng Nhân dân không biết hoặc không được tiếp cận với báo cáo kiểm toán. Do vậy khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại địa phương nên có buổi tiếp xúc và làm việc với Hội đồng Nhân dân; trên cơ sở đó, Hội đồng Nhân dân sẽ đưa ra những yêu cầu về một số vấn đề cụ thể để KTNN thực hiện kiểm toán giúp Hội đồng Nhân dân. (2) Trong việc xây dựng kế hoạch các cuộc kiểm toán tại địa phương, nên có sự tham gia ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và Hội đồng Nhân dân. (3) Trong trường hợp trong năm không có kế hoạch kiểm toán đối với ngân sách địa phương, Hội đồng Nhân dân cần sự tư vấn của các chuyên gia KTNN về một số vấn đề thì KTNN nên cử cán bộ để đáp ứng giúp Hội đồng Nhân dân. (4) Đối với các công trình xây dựng cơ bản, các đại biểu đề nghị KTNN cần có phương án kiểm toán để phục vụ việc phê chuẩn và quyết toán của địa phương. (5) Hiện nay các Đại biểu Quốc hội ở địa phương và Đại biểu Hội đồng Nhân dân chưa nắm rõ về cách thức và quy trình hoạt động của KTNN nên đề nghị KTNN hàng năm nên tổ chức các lớp tập huấn để giới thiệu về hoạt động của KTNN cũng như phương pháp làm việc của KTNN để đại biểu hiểu rõ và vận dụng có hiệu quả công cụ KTNN. (6) Đa số đại biểu, nhất là đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng quy chế phối hợp giữa KTNN với các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân trong việc cung cấp thông tin và sử dụng kết quả kiểm toán. (7) Về việc thực hiện kiến nghị của KTNN, đến nay, đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân địa phương đều không biết thực hiện ra sao do vậy đề nghị KTNN nên có cơ chế để thông báo việc thực hiện kiến nghị ở địa phương để đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện kiến nghị của KTNN. (8) Các đại biểu nhất trí rằng việc triển khai thực hiện Luật KTNN tại các đại phương sẽ có những khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ của các cấp ủy Đảng ở địa phương. Do vậy đề nghị ủy ban KT và NS của Quốc hội, KTNN kiến nghị Bộ Chính trị, Ban bí thư có Nghị quyết về việc triển khai thực hiện luật KTNN. (9) Để KTNN phát triển, các đại biểu đều cho rằng con người là yếu tố quan trọng do vậy KTNN cần có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ kiểm toán viên vừa "hồng" vừa "chuyên", làm sao để "đạn bắn không thủng" mới có thể chống được tham nhũng. /.

 

Đỗ Hồng Công


 
--------------------------------------------------------------------------------
 
* Ngoài tham luận của GS.TSKH Tào Hữu Phùng đã đăng trên Tạp chí Kiểm toán số 5/2006, Tạp chí số này có trích đăng một vài tham luận khác.

 

Xem thêm »