Văn bản pháp luật Kiểm toán Nhà nước phải đảm bảo tính khả thi, thực dụng, ngắn gọn, đơn nghĩa

21/10/2011
Xem cỡ chữ Google

Đó là một trong những ý kết luận tại Hội nghị giao ban công tác xây dựng pháp luật về Kiểm toán Nhà nước tại Hà Nội ngày 19/10/2011, do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng chủ trì. Tham dự hội nghị có: đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Tổng hợp, Vụ TCCB, Vụ Chế độ và KSCL Kiểm toán, Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, các tổ trưởng, tổ thư ký các tổ soạn thảo.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Huy Trọng trình bày báo cáo kết quả công tác xây dựng văn bản QPPL và kết quả rà soát tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2010, năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước. Theo báo cáo, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước đã dần đi vào nề nếp, mang tính chuyên nghiệp, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Kết quả từ năm 2008 đến tháng 9/2011, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 18 văn bản, tuy nhiên một số văn bản quy phạm pháp luật xây dựng còn chậm, trong đó 08 văn bản đang xây dựng, 4 văn bản chưa triển khai.

Trên tinh thần thẳng thắn trao đổi, đánh giá đúng thực trạng công tác xây dựng văn bản pháp luật, sau khi báo cáo tình hình xây dựng văn bản theo nhiệm vụ chủ trì, các đơn vị đều cho rằng, nguyên nhân của việc chậm tiến độ chủ yếu do cán bộ kiêm nhiệm nhiều, thiếu các chuyên gia, việc tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện văn bản của các đơn vị chưa đảm bảo chất lượng, nhiều hoạt động cần thiết cho công tác xây dựng pháp luật như: tổ chức hội thảo lấy kiến; biên dịch tài liệu; khảo sát kinh nghiệm quốc tế, bố trí kinh phí... chưa nhận được quan tâm đúng mức. Từ việc chỉ ra nguyên nhân, các đơn vị cũng đưa ra nhiều kiến nghị về xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia xây dựng chính sách, phương pháp tổ chức thực hiện, đổi mới cách thức lấy ý kiến xây dựng văn bản, như tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó coi trọng hội thảo, toạ đàm, khảo sát kinh nghiệm quốc tế...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng đánh giá cao tinh thần làm việc thẳng thắn, tập trung và quyết liệt của Vụ Pháp chế và các Vụ liên quan trong việc rà soát lại công tác xây dựng pháp luật của KTNN trong thời gian qua, chỉ rõ những mặt còn tồn tại, nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo các đơn vị, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong toàn ngành:

Một là, Dự thảo văn bản pháp luật phải trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật, thiết thực, ngắn gọn, phù hợp và đơn nghĩa, tránh sự suy diễn, hiểu không đúng; Ưu tiên tính khả thi, thực dụng áp dụng cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản trong quá trình thực hiện, nếu có bất cập. Điều chỉnh loại văn bản cho phù hợp và rút khỏi chương trình xây dựng văn bản 02 văn bản.

 Hai là, Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản cần tập trung nhân lực, quyết tâm nghiên cứu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa và từng bước hoàn thiện dần các văn bản pháp luật trong hệ thống quản lý ngành và thực hiện hướng dẫn các cơ sở một cách toàn diện để nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, năng lực điều hành, đặc biệt là tính kỷ cương kỷ luật trong hoạt động KTNN; điều chỉnh, bổ sung thành viên các tổ soạn thảo kịp thời;

Phó Tổng KTNN cũng yêu cầu Họp giao ban công tác xây dựng pháp luật của Kiểm toán nhà nước định kỳ 6 tháng/lần./.

P.V
 

Xem thêm »