Kế hoạch kiểm toán năm 2024: Làm ít nhưng chất

“Làm ít nhưng chất” tiếp tục được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) lấy làm phương châm hành động trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)…

Đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

Cụ thể hóa phương châm trên, KTNN xác định, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 không tăng so với KHKT đầu năm 2023. Dự kiến KHKT năm 2024 của KTNN gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán (tiếp tục giảm so với 129 nhiệm vụ theo KHKT năm 2023).

Trong đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp các cấp để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) và Hội đồng nhân dân (HĐND) phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP). Đồng thời, đánh giá việc lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, đặc biệt các vấn đề nêu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Năm 2024, dự kiến, số cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách của các Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan trung ương đạt tỷ lệ 85% (năm 2023 là 68%); số cuộc kiểm toán NSĐP, báo cáo quyết toán NSĐP đạt tỷ lệ 90,5% (năm 2023 là 83%) - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết.

Cùng với đó, KTNN dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn, phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ.

Ngoài các chủ đề kiểm toán toàn Ngành, KTNN đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu lựa chọn các chủ đề kiểm toán năm 2024 gắn với chức năng quản lý nhà nước, lĩnh vực chuyên ngành của các Bộ, cơ quan trung ương, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, những vấn đề được quan tâm tại địa phương, phục vụ HĐND giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương phù hợp với phạm vi đối tượng kiểm toán, đơn vị kiểm toán theo phân công, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí các mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024 của KTNN. Cơ quan thẩm tra lưu ý, “KTNN cần tập trung lựa chọn các chuyên đề, lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thu nộp về NSNN, không gây thất thoát NSNN, tài sản nhà nước”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, KHKT được xây dựng rất khoa học với hai định hướng lớn và các mục tiêu cụ thể. “Tinh thần chung là không tăng so với năm 2023, đồng thời vẫn bảo đảm lộ trình và tiến trình mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 là tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, Bộ, ngành trung ương; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động; kiểm toán môi trường; kiểm toán công nghệ thông tin” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, đồng thời đề nghị KTNN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán để kết nối, chia sẻ, đổi mới phương pháp kiểm toán…


"KTNN là công cụ rất quan trọng của Đảng, Nhà nước, là thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vai trò của KTNN càng cao hơn thì hiệu lực phải ngày càng cao, làm gì thì làm cũng phải có hiệu quả. Hoạt động kiểm toán phải làm sao tiếp tục góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ…" 
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tìm câu trả lời cho những vấn đề thời sự

Ủng hộ phương châm thà ít mà tốt của KTNN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đừng rải mành mành ra, làm gì cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, làm gì cũng phải hiệu lực, hiệu quả. Các đồng chí làm theo hướng này, tôi đánh giá rất cao và tiếp tục theo hướng này”.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, KHKT phải bám sát các vấn đề đã được Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. “Dù thực hiện kiểm toán riêng hay kiểm toán chung thì tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng tới đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, đất đai, bất động sản, để dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô. Qua kiểm toán phải trả lời được vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm. Hiện nay, hệ thống tài chính ngân hàng khó khăn, nợ xấu tăng, tình trạng chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu hàng loạt các vấn đề thời sự cần có sự vào cuộc của KTNN. Đó là tình trạng khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hay KTNN cần có chuyên đề riêng về thị trường bảo hiểm hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để trả lời câu hỏi có hay không sự bắt tay giữa ngân hàng với doanh nghiệp bảo hiểm. Cùng với đó là vấn đề giải ngân đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia vì sao vẫn “tắc”, vẫn chậm; tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp; vấn đề giá điện, năng lực về điện… cũng cần KTNN có câu trả lời.
 

"KTNN phải đề cao công khai, minh bạch, khách quan, trung thực. Công khai, minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán."
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đồng tình quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, ngoài những nội dung dự kiến trong KHKT, KTNN cần tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như: Giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện, vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu… Cùng với đó, KTNN cần có giải pháp cụ thể hơn nhằm tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện; tăng cường công khai kết quả kiểm toán và việc thực hiện các kiến nghị, kết luận kiểm toán; nâng cao chất lượng kiểm toán viên, khắc phục tình trạng kiến nghị còn chung chung, không cụ thể, thiếu tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Những ý kiến, góp ý của UBTVQH, đại biểu Quốc hội là cơ sở để KTNN quyết định ban hành KHKT năm 2024 theo quy định của Luật KTNN./.

Theo Báo Kiểm toán số 37/2023