Cuộc kiểm toán được Đoàn Kiểm toán nhà nước được thực hiện theo Quyết định số 779/QĐ-KTNN ngày 03/06/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước, nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực của thông tin tài chính, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành của đơn vị được kiểm toán; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị, xử lý theo quy định của pháp luật của Bộ NN&PTNT.
Nội dung kiểm toán gồm: Việc lập, phân bổ, giao, chấp hành dự toán; việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ngân sách, quỹ đơn vị và tài sản công; nguồn vốn, chi phí đầu tư thực hiện dự án; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính-kế toán, quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước, niên độ tài chính năm 2021 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán. Đối với kiểm toán các dự án đầu tư từ khi triển khai dự án đến hết ngày 31/3/2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các dự án đầu tư được kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán kết luận, nhìn chung Bộ NN&PTNT thực hiện lập, phân bổ dự toán năm 2021 cơ bản gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế theo Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị, phù hợp với tiến độ và lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho 39 dự án, giá trị quyết toán được duyệt là 5.294.830 trđ. Tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là 4.789.322trđ đạt 85,5% dự toán; thu phí, lệ phí đạt 254.399trđ đạt 87% dự toán giao.
Tuy nhiên Đoàn Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra một số số tồn tại, hại chế của Bộ NN&PTNT trong công tác: Quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB); Quản lý chi thường xuyên; hoạt động thu sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Quản lý, sử dụng nhà, đất, ô tô.
12 dự án kéo dài vốn không thể giải ngân
Trong công tác quản lý chi đầu tư XDCB, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn 04 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn. Giao vốn năm 2021 cho 02 dự án khi chưa được giao vốn đầu tư công trung hạn, phải điều chỉnh giảm 40.000trđ; không giao vốn từ đầu năm cho các dự án hoàn thành trong năm, phải điều chỉnh bổ sung 43.400trđ cho 03 dự án.
Có 12 dự án kéo dài vốn từ năm trước sang nhưng không thể giải ngân phải hủy 20.575trđ, ngoài ra còn 8 dự án được kéo dài có số giải ngân thấp. Có 05 dự án được giao kế hoạch vốn năm 2021 là 78.200trđ, giải ngân 0% và 22 dự án có số giải ngân thấp.
Công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư và tuân thủ pháp luật tại các dự án được kiểm toán chi tiết cho thấy: Việc lập, thẩm định và phê duyệt một số dự án có diện tích một số phòng làm việc lãnh đạo không phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước; các quyết định phê duyệt chưa dự kiến phân bổ nguồn vốn theo tiến độ của dự án (các dự án được kiểm toán).
Xác định chi phí dự phòng khối lượng trong tổng mức đầu tư (TMĐT) ở mức tối đa mà chưa phân tích, căn cứ vào mức độ phức tạp của công trình và điều kiện địa chất công trình; chưa chi tiết dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá theo Phụ lục số 01 Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016; phê duyệt chi phí dự phòng không đúng theo phương pháp xác định TMĐT hướng dẫn tại Phụ lục số 01 Thông tư số 06/2016/TT-BXD đối với 07 dự án với tổng giá trị là 27.963trđ.
Việc lập, trình, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán không thống nhất với thiết kế dẫn đến mời thầu, hợp đồng và thi công không đúng với bản vẽ thiết kế; còn một số công việc tính thiếu, tính trùng, tính thừa khối lượng so với bản vẽ thiết kế. Tại dự án “Nhà điều hành Trường Đại học Lâm nghiệp”, phê duyệt dự toán có chi phí dự phòng phát sinh khối lượng là 8% vượt quá mức tối đa (5%) theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng.
Việc chấp hành các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu tại dự án Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề - Trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao, Bộ NN&PTNT và Chủ đầu tư ban hành các quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán giá gói thầu tư vấn thực hiện dự án (Hợp phần vốn ODA) nhiều lần không thống nhất về căn cứ pháp lý và giá trị của gói thầu tư vấn; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một số gói thầu thuộc dự án nhà điều hành Trường Đại học Lâm nghiệp với nguồn vốn thực hiện gói thầu là NSNN không đúng với Quyết định phê duyệt dự án (nguồn vốn tự cân đối).
Trong công tác quản lý chất lượng, qua kiểm toán cho thấy Giám đốc ban QLDA do chủ đầu tư thành lập thiếu chứng chỉ quản lý dự án; hồ sơ quản lý chất lượng còn thiếu một số chứng chỉ xuất xưởng, xuất xứ của một số vật tư, thiết bị; chưa thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công.
Tại dự án Xây dựng hệ thống trực canh, cảnh báo thiên tai, đa mục tiêu Giai đoạn 1, sau khi dự án hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng, việc triển khai thực hiện hợp phần 3 (Hợp phần khai thác, vận hành, bảo trì) còn vướng mắc về việc bố trí nguồn lực của Tập đoàn viễn thông Quân đội để đảm bảo hoạt động thông suốt của hệ thống. Theo Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chưa đề cập nhiệm vụ quản lý tài sản của dự án, hiện nay dự án đã hết thời hạn bảo hành song công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý tài sản dự án chưa được hoàn thành.
Tiến độ thực hiện dự án của một số dự án còn chậm so với tiến độ được duyệt ban đầu phải xin gia hạn và điều chỉnh; một số gói thầu thi công xây lắp thực hiệm chậm so với hợp đồng do các nguyên nhân phải điều chỉnh, bổ sung, phát sinh khối lượng (các dự án được kiểm toán), do giãn cách xã hội trong thời gian dịch covid và một số bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án.
Nhiều thiếu sót trong quản lý chi thường xuyên
Trong lập và giao dự toán, Bộ NN&PTNT lập dự toán đối với một số khoản thu phí lệ phí thấp hơn so với dự toán giao năm 2020, chưa đảm bảo tính tích cực theo hướng dẫn Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30/7/2020.
Lập dự toán một số lĩnh vực chi NSNN thiếu thuyết minh diễn giải chi tiết, chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 71/2020/TT-BTC như: Sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) chi nhiệm vụ mở mới 96.55trđ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa thuyết minh cơ sở lập quỹ lương và chi hoạt động bộ máy số tiền 326.097trđ đối với các đơn vị sự nghiệp KHCN công lập theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016; sự nghiệp kinh tế đối với các dự án khuyến nông mở mới 60.000trđ và khuyến nông thường xuyên 41.470trđ chưa có thuyết minh cơ sở tính toán. Lập dự toán sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiệm vụ hỗ trợ sửa chữa lớn các công trình xây dựng nhỏ, dở dang 180.960trđ nhưng tại thời điểm lập dự toán chưa kèm theo hồ sơ tài liệu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính.
Công tác giao dự toán kinh phí không tự chủ đối với các nội dung chi thuộc kinh phí thực hiện tự chủ, số tiền 13.396trđ; giao dự toán kinh phí cho 17 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu của tổ chức KHCN chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014…
Trong quản lý và sử dụng kinh phí NSNN giao đối với sự nghiệp kinh tế thủy lợi, chưa ban hành quy trình duy tu bảo dưỡng đê điều các cấp (từ cấp III đến cấp đặc biệt); đến thời điểm kiểm toán, chưa điều chỉnh dự toán phần thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022 “từ 10% xuống 8%” của dự án “Đánh giá tình hình lũ, ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Hoàng Mai, sông Thái và đề xuất giải pháp phòng, chống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai” dự toán phải điều chỉnh giảm là 50,4trđ. Việc quản lý và sử dụng kinh phí duy tu đê điều chưa đúng quy định số tiền 164,7trđ.
Trong quản lý NSNN giao đối với sự nghiệp kinh tế lĩnh vực Bảo vệ thực vật (BVTV), chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc Cục BVTV thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến các Trung tâm vẫn ký hợp đồng giao khoán một phần công việc thực hiện khảo nghiệm hiệu lực sinh học đối với các tổ chức chưa được công nhận là tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc BVTV theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013.
Trong quản lý sự nghiệp khoa học công nghệ, có 13 nhiệm vụ KHCN thực hiện chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện (từ 06 tháng đến 12 tháng); có 03 nhiệm vụ KHCN chưa được nghiệm thu, chậm so với quy định; có 10 nhiệm vụ KHCN kết thúc năm 2021 chưa thực hiện việc giao nộp sản phẩm và lưu giữ hồ sơ; có 14 nhiệm vụ KHCN chưa được cơ quan quản lý khoa học trình Bộ trưởng quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 18/2015/TT-BNNPTNT; chưa theo dõi, tổng hợp số liệu tài sản trang thiết bị sau khi kết thúc nhiệm vụ KHCN...
Trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay, vốn viện trợ, số dư kinh phí còn lại của dự án đã kết thúc tính đến thời điểm kiểm toán là 2.954,3trđ và lãi tiền gửi 101,1trđ nhưng Bộ NN&PTNT chưa phối hợp với Bộ Tài chính để xử lý kinh phí kết dư còn lại theo quy định. Đến nay, Bộ NN&PTNT chưa có kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí kết dư này. Hàng năm, đơn vị sử dụng để chi phụ cấp kiêm nhiệm cho các cán bộ tham gia quản lý nhưng không lập dự toán và không hạch toán, phản ánh vào quyết toán NSNN là chưa phù hợp nguyên tắc quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN.
Cần chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế tồn tại trong hoạt động thu sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, quản lý sử dụng nhà đất, ô tô
Đối với hoạt động thu sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kết quả kiểm toán chỉ ra một số đơn vị của Bộ NN&PTNT thực hiện cơ chế tài chính đặc thù chưa thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán được giao năm 2020 theo khoản 1 Mục II Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 05/8/2021 số tiền 15.675trđ.
Chưa xác định số kinh phí tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 (từ nguồn thu phí được để lại) để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid -19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết theo Công văn số 6299/BTC-NSNN ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính (Cục Thú y).
Một số đơn vị chưa hạch toán phản ánh đầy đủ doanh thu tính thuế phát sinh trong kỳ; hạch toán vào chi phí một số khoản chi chưa đúng niên độ; chưa hạch toán chi phí khấu hao TSCĐ phục vụ cho hoạt động SXKD dịch vụ vào chi phí SXKD dịch vụ trong kỳ.
Về quản lý, sử dụng nhà, đất, ô tô: Một số cơ sở nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của đơn vị; chưa được Bộ kiểm tra và lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất gửi Bộ Tài chính theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP;…
Văn phòng Bộ được giao quản lý các tòa nhà tại địa chỉ Số 10 đường Nguyễn Công Hoan, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội; Tuy nhiên, các tòa nhà này thực tế đang do các đơn vị khác thuộc Bộ NN&PTNT sử dụng nhưng không có hồ sơ bàn giao.
Tổng diện tích đất bị lấn chiếm 2.366.991,7m2, diện tích nhà bị lấn chiếm 5.024,2m2 của 19 cơ sở. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh thành phố có liên quan để xử lý tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm; một số cơ sở đất của đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định.
Những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với Bộ NN&PTNT
KTNN đề nghị Bộ NN&PTNT thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đối với chi đầu tư phát triển:
Chấn chỉnh khắc phục hạn chế, thiếu sót trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.
Chỉ đạo các chủ đầu tư chấn chỉnh khắc phục hạn chế, thiếu sót trong: Thiết kế còn bố trí diện tích một số phòng làm việc vượt quá tiêu chuẩn, định mức; công tác quản lý chất lượng công trình; công tác quản lý tiến độ; việc thành lập Ban QLDA nhưng Giám đốc Ban QLDA chưa đủ năng lực theo quy định.
Bộ NN&PTNT tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để sớm đưa Dự án Xây dựng hệ thống trực canh, cảnh báo thiên tai, đa mục tiêu Giai đoạn 1 vào hoạt động thông suốt, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Các chủ đầu tư kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc một số dự án kéo dài vốn nhưng không còn nhu cầu sử dụng, dự án không có số giải ngân hoặc giải ngân đạt thấp; chậm phê duyệt quyết toán đối với các dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành và chậm thực hiện lập báo cáo quyết toán theo quy định đối với một số dự án đã kết thúc nhiều năm.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị tham mưu có liên quan và các Chủ đầu tư dự án kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt chi phí dự phòng không đúng hướng dẫn; Trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán giá gói thầu tư vấn thực hiện dự án (Hợp phần vốn ODA) nhiều lần không thống nhất về căn cứ pháp lý và giá trị của gói thầu tư vấn.
Đối với chi thường xuyên:
Chấn chỉnh công tác lập dự toán thu chưa tích cực hay dự toán chi chưa có đầy đủ diễn giải căn cứ thuyết minh.
Nghiên cứu ban hành Quy trình duy tu bảo dưỡng đê điều từ các tuyến đê cấp 3 đến các tuyến đê cấp đặc biệt để làm cơ sở thực hiện bảo dưỡng đê điều hàng năm từ cấp trung ương đến cấp địa phương.
Chấn chỉnh công tác quản lý KHCN như: Chậm nghiệm thu một số đề tài; chưa đôn đốc giao nộp sản phẩm để lưu giữ hồ sơ theo quy định; chưa tổng hợp theo dõi tài sản trang bị sau khi kết thúc nhiệm vụ.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Kiểm tra, rà soát và báo cáo các cơ sở nhà đất chưa được sắp xếp, xử lý theo quy định; Phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản theo quy định; Chấn chỉnh rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế tồn tại trong việc lập dự toán; quản lý, sử dụng kinh phí; quản lý tài sản; quản lý doanh thu, chi phí; thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc giao dự toán kinh phí không tự chủ đối với các nội dung chi thuộc kinh phí thực hiện tự chủ; giao dự toán chi thường xuyên cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu của tổ chức KHCN chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Chưa phối hợp với Bộ Tài chính xử lý kết dư kinh phí còn lại của dự án đã kết thúc; đồng thời chỉ đạo Văn phòng Bộ, Cục Chăn nuôi kiểm điểm rút kinh nghiệm việc chưa nộp lãi tiền gửi vào NSNN, không lập dự toán và không hạch toán, phản ánh vào quyết toán NSNN.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lầm sản và thuỷ sản, Cục Thú y kiểm điểm rút kinh nghiệm việc chưa thực hiện tiết kiệm tối thiểu 15% theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; chưa xác định kinh phí tiết kiệm 10% số thu được để lại.
Cục Bảo vệ thực vật kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ký hợp đồng giao khoán một phần công việc thực hiện khảo nghiệm hiệu lực sinh học đối với các tổ chức chưa được công nhận là tổ chức đủ điều kiện theo quy định./.
Khánh Vy