Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất được phê duyệt theo Quyết định số 514/TTg, ngày 10/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, là một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu Thế kỷ 21 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Tính từ thời điểm bắt đầu chạy thử đến hết tháng 12/2010, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tiếp nhận khoảng 8,3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng, trong đó 7 loại sản phẩm đạt Huy chương Vàng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế (Vietnam Expo - 2010). Tính từ khi bàn giao và đưa vào vận hành, Nhà máy đạt doanh thu 60.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 237 tỷ đồng và nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai và thực hiện, Dự án gặp rất nhiều khó khăn nhất là về xử lý địa chất công trình, huy động nguồn vốn đầu tư, lựa chọn hình thức đầu tư và lựa chọn nhà thầu, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế trong khi đó giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động, thiên tai.
Tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; khẳng định việc lựa chọn địa điểm và xây dựng Nhà máy là một quyết định đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Sự thành công của Dự án còn có ý nghĩa đặt nền móng, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam, đồng thời là hạt nhân công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung, tạo điều kiện cho phát triển nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan, góp phần thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và khu vực miền Trung, từng bước tạo ra sự phát triển kinh tế cân đối giữa các vùng, miền trong cả nước.
Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tập trung thời gian và nhân lực kiểm toán nguồn vốn, chi phí đầu tư thực hiện của Dự án đến 30/09/2010 (kiểm toán giá trị Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của Dự án lập đến 30/9/2010 đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt); kiểm toán việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư và xây dựng; chế độ tài chính - kế toán và các chính sách pháp luật khác có liên quan; kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn.
Đánh giá việc thực hiện tiến độ, mục tiêu và hiệu quả của Dự án
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã xác nhận và đánh giá việc thực hiện tiến độ, mục tiêu và hiệu quả của Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất:
Về tiến độ thực hiện: Dự án hoàn thành chậm khoảng 9 năm so với yêu cầu của nội dung Nghị quyết 07/1997/QH10 của Quốc hội và Quyết định số 514/TTg của Thủ tướng Chính phủ là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song việc kết thúc giai đoạn 1 của Dự án đã thể hiện sự cố gắng của Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA), các nhà thầu thi công và các cơ quan chức năng có liên quan nỗ lực đẩy nhanh tiến độ góp phần cho ra dòng sản phẩm đầu tiên theo yêu cầu tại Nghị quyết số 44/2005/QH11 của Quốc hội và Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 17/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Về thực hiện mục tiêu dự án: Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, vận hành đã đạt được theo các mục tiêu đề ra là cung cấp ổn định một phần nhu cầu xăng dầu trong nước góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao giá trị kinh tế của dầu thô, nguồn tài nguyên có hạn và không tái tạo, làm tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp hóa dầu cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác; là hạt nhân công nghiệp tại khu miền Trung, tạo đà phát triển toàn diện các ngành kinh tế trong khu vực trọng điểm này, tạo sự phát triển đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ đất nước; phát huy hiệu quả nhiều mặt kinh tế, chính trị, xã hội an ninh và quốc phòng.
Về hiệu quả của Dự án: Là nước khai thác dầu thô nhưng tính đến trước khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn sản phẩm xăng dầu phục vụ nhu cầu nội địa trong khi đó toàn bộ lượng dầu thô khai thác được lại phục vụ cho xuất khẩu. Nhà máy đi vào hoạt động đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước hiện nay, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài, tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên dầu khí; là động lực phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung (tăng trưởng GDP, thu ngân sách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế thu hút đầu tư...);
Nhà máy đi vào hoạt động đã tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.400 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động trong các ngành sử dụng sản phẩm của Dự án và các ngành phụ trợ khác; tạo ra động lực hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, góp phần tăng cường hệ thống phòng thủ bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền đất nước; việc đầu tư công nghệ mới hiện đại, thân thiện với môi trường, xử lý được chất thải và các sự cố tràn dầu đã đảm bảo an toàn môi trường theo quy định.
Nhà máy đã và đang vận hành an toàn, ổn định thường xuyên với 100% công xuất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng. tính đến cuối tháng 9/2010 đã tiếp nhận được 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn; cùng với Nhà máy sản xuất Polypropylen tạo ra Tổ hợp lọc hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả tổng thể của Dự án; đào tạo và hình thành một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân có trình độ tay nghề và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc hóa dầu tiến tới có thể đảm nhiệm được các công trình, dự án tương tự của ngành dầu khí Việt Nam trong tương lai.
Đánh giá công tác quản lý nhà nước của các cấp
Quốc hội đã thông qua 03 Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia; về việc tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; về việc thành lập Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Công tác giám sát của Quốc hội trong suốt quá trình triển khai thực hiện Dự án đóng vai trò quan trọng, khẳng định quan điểm về công tác chỉ đạo điều hành, luôn gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát. Các ý kiến của Đoàn giám sát đã được các cơ quan quản lý nhà nước và Chủ đầu tư tiếp thu thực hiện.
Chính phủ và Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí đã tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục, cơ chế chính sách và các vấn đề cụ thể có tính quyết định của Dự án; tổ chức đánh giá Dự án khi kết thúc quá trình đầu tư đưa Nhà máy vào vận hành thương mại. Các Bộ, ngành đã hỗ trợ tích cực Chủ đầu tư về các thủ tục hành chính, như: Thẩm định, phê duyệt, cấp phép, ban hành, hướng dẫn cơ chế chính sách... góp phần đẩy nhanh tiến độ của Dự án. Cấp ủy, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng của địa phương đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Chủ đầu tư, Ban QLDA và các nhà thầu tham gia thi công.
Từ kết luận đến kiến nghị của KTNN
KTNN đã xác nhận số liệu cơ bản của Dự án theo kết quả kiểm toán. Xác nhận việc chấp hành các luật, chế độ quản lý Đầu tư xây dựng công trình; chế độ quản lý tài chính, kế toán và văn bản pháp luật khác có liên quan. Đánh giá việc thực hiện tiến độ, mục tiêu và hiệu quả của Dự án. Đánh giá công tác quản lý nhà nước của các cấp…Đồng thời, KTNN kiến nghị:
Đối với Ban QLDA: Điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo ý kiến kết luận của KTNN.
Ban QLDA phối hợp với nhà thầu Technip kê khai nộp bổ sung thuế GTGT tính trên giá trị chênh lệch (giá trị chi phí khác) của giá trị thiết bị nhập khẩu, số thuế GTGT này sẽ được điều chỉnh khi có văn bản quyết toán thuế của Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi.
Ban QLDA phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất thủ tục, hồ sơ nghiệm thu theo quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với những khối lượng chưa đủ điều kiện thanh toán của các hạng mục: chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khi quyết toán Dự án tổng số tiền 2.714.834.100 đồng. Hoàn tất hồ sơ xử lý phạt hợp đồng gói thầu EPC 1+4 và 2+3 với giá trị tiền phạt nhà thầu Technip là 16.000.000 USD và điều chỉnh giảm chi phí đầu tư của giá trị quyết toán gói thầu EPC 1+4 và 2+3 khi quyết toán toàn bộ Dự án.
Đối với hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh Quảng Ngãi: Phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, chứng từ chi cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng để hoàn chứng từ kịp thời cho Ban QLDA Nhà máy lọc dầu Dung Quất thực hiện quyết toán đúng quy định.
Đối với Chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý các dự án lớn; Kiểm tra rà soát các gói thầu, hạng mục còn lại chưa quyết toán để thực hiện quyết toán theo đúng quy định.
Căn cứ vào kết quả kiểm toán Dự án, KTNN đề nghị Chính phủ:
- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng liên quan đến các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu,... cho phù hợp với tình hình thực tế và với đặc thù của các dự án có vốn đầu tư lớn, quan trọng quốc gia;
- Giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn: Các quy định về Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở đối với dự án lọc hóa dầu; các văn bản hướng dẫn về quản lý các hợp đồng EPC; các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu tư vấn cho các dự án có quy mô lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất;
- Trước khi trình Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng các dự án có quy mô lớn về dầu khí cần giao cho các Bộ, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác chuẩn bị về: Lựa chọn công nghệ của dự án cho phù hợp với lộ trình về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, môi trường và phù hợp với thông lệ quốc tế; thời gian, lộ trình thực hiện dự án phải có cơ sở và khả thi; thu xếp và bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ thực hiện; lựa chọn giao cho chủ đầu tư và các tổ chức tư vấn có đủ năng lực quản lý dự án đặc biệt là lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện thi công xây dựng, mua sắm lắp đặt thiết bị cho hạng mục nhà máy chính và khả năng tài chính đáp ứng đi kèm./.