Bản báo cáo được xem là bước quan trọng nhằm dỡ bỏ những rào cản đối với gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha cho biết trong tổng số 59,3 tỷ euro trên, khoảng 40 tỷ sẽ từ EU, số còn lại do các ngân hàng tự huy động.
Cả dự toán ngân sách thắt chặt được đưa ra bởi Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy ngày 27/9 và kết quả kiểm toán hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha là những bước cần thiết để Chính phủ nước này kêu gọi viện trợ từ châu Âu và khởi động chương trình mua trái phiếu từ phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha đã có thỏa thuận với EU về một hạn mức tín dụng mà qua đó có thể cung cấp tới 100 tỷ euro trong quỹ cứu trợ của EU cho hệ thống ngân hàng. Như vậy so với hạn mức tín dụng trên, số tiền được tính toán theo báo cáo kiểm toán là rất ít. Cũng trong tháng 6, một cuộc kiểm toán sơ lược được tiến hành bởi các kiểm toán viên độc lập cũng đã có ước tính hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha cần 62 tỷ euro để vượt qua khủng hoảng. Đầu tháng 9, ECB thông báo kế hoạch mua trái phiếu của các nước đang gặp khó khăn nhằm giảm chi phí vay vốn cho các nước này. Khi đã có kế hoạch ngân sách và kết quả kiểm toán, Tây Ban Nha đã có thể chính thức đề nghị ECB mua trái phiếu của Chính phủ Tây Ban Nha như đã thông báo.
Thư ký Nhà nước Tây Ban Nha về kinh tế Fernando Jimenez Latorre cho biết: “Cuộc kiểm toán đã được tiến hành rất nghiêm ngặt, chặt chẽ và minh bạch; đã dập tắt mọi mối hoài nghi liên quan đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng”. Còn theo bà Christine Lagarde - Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Kết quả kiểm toán sẽ giúp xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh, kịp thời làm lưu thông dòng tín dụng, kích thích tăng trưởng và gia tăng việc làm cho nền kinh tế”. Kết quả của cuộc kiểm toán khá gần với những kỳ vọng của thị trường và đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu, ECB và IMF.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Fernando Restoy nói rằng, cuộc kiểm toán có sự tham gia của 400 kiểm toán viên, được triển khai ở 14 ngân hàng - chiếm 90% trong hệ thống ngân hàng ở Tây Ban Nha. Cuộc kiểm toán đã xác định phần lớn số vốn cần thiết dành cho 4 ngân hàng mà trước đó đều đã phải nhận cứu trợ từ Chính phủ Tây Ban Nha, gồm: Bankia, CatalunyaCaixa, NovaGalicia và Banco de Valencia. Trường hợp bi quan nhất là Bankia - một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu được Nhà nước tiếp quản từ tháng 5/2012 với số vốn thiếu hụt là 24,7 tỷ euro, chiếm hơn 1 nửa tổng số 49 tỷ euro cần thiết cho cả 4 ngân hàng trên. Được biết, vào tháng 5, ngân hàng này cho biết cần 19 tỷ euro - con số ít hơn nhiều so với những gì báo cáo kiểm toán chỉ ra. Theo kết quả kiểm toán, hơn 60% các ngân hàng trong hệ thống, bao gồm cả những ngân hàng có tầm ảnh hưởng như Santander, BBVA và Caixabank, không cần đến vốn cứu trợ. Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cho biết, nếu xem xét các hiệu ứng của giảm thuế và tiết kiệm chi phí từ những cuộc sáp nhập sắp tới, tổng số vốn cần thiết cho hệ thống ngân hàng có thể giảm từ 59,3 tỷ xuống chỉ còn 53,7 tỷ euro.
Tuy nhiên, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s lại ước tính các ngân hàng Tây Ban Nha cần đến 105 tỷ euro mới có thể duy trì hoạt động bền vững trong kịch bản kinh tế bi quan - gần gấp đôi con số do Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra.
Kết quả kiểm toán cũng là cơ sở giúp Chính phủ Tây Ban Nha thiết lập một công ty, tạm gọi là “bad bank”. Đây là 1 điều kiện để các ngân hàng Tây Ban Nha có thể nhận cứu trợ của châu Âu. Công ty “bad bank” này sẽ mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng bao gồm một số lớn các món nợ trong lĩnh vực bất động sản, giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn có thể vượt qua khủng hoảng và tiếp tục hoạt động. Theo Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos, “bad bank” sẽ tồn tại trong vòng 10-15 năm, sẽ mua lại các khoản nợ xấu nhưng với điều kiện các khoản nợ này phải có khả năng đem lại cho “bad bank” lợi nhuận trong dài hạn. Ngày 3/10, ông de Guindos tuyên bố “bad bank” sẽ có 55% cổ phần thuộc về các nhà đầu tư là các công ty trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, ngày 5/10, lãnh đạo một ngân hàng lớn ở Tây Ban Nha nhận xét trong ngắn hạn, việc các nhà đầu tư khu vực tư nhân tham gia “bad bank” là không thực sự khả quan, trừ khi giá đưa ra là siêu hấp dẫn.
Tây Ban Nha đã thay thế Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha trở thành mối nguy hiểm chính tới sự sống còn của đồng euro. Bị ảnh hưởng dai dẳng bởi cuộc suy thoái sâu từ khủng hoảng nhà đất năm 2007, hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đã suy yếu nặng nề. Nợ xấu trong ngân hàng Tây Ban Nha đã lên cao nhất từ trước đến nay, ước tính trên 180 tỷ euro./.
Theo Báo Kiểm toán số 15/2013