Những kết quả tích cực
Điểm đáng chú ý trong kết quả kiểm toán năm 2012 đó là những dấu hiệu tích cực trong quyết toán NSNN năm 2011. Theo kết quả kiểm toán về tình hình thu chi NSNN, năm 2011 tổng thu NSNN đạt 721.804 tỷ đồng, vượt 21,3% dự toán. Trong đó, thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh tăng 10,3%; thu về nhà, đất tăng 74,7%; thu từ dầu thô tăng 59%; thu từ hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu tăng 12,3%; thu viện trợ không hoàn lại tăng 142,1%. Tổng chi NSNN là 787.554 tỷ đồng, vượt 8,5% dự toán, do chi đầu tư phát triển vượt 37%, chi thường xuyên bằng 99,6% dự toán. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 5,89%; bội chi NSNN được giữ ở mức 4,4% GDP, thấp hơn 0,9% mức Quốc hội cho phép (5,3%); dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 41,5% GDP, dư nợ công bằng 54,9% GDP.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, trong quản lý điều hành ngân sách việc sử dụng các khoản tăng thu, dư dự toán và dự phòng ngân sách của NSTW phù hợp quy định; việc chi sai chế độ, định mức qua kiểm toán cho thấy đã giảm dần. Cụ thể là, năm 2010 kiểm toán 123 đầu mối sử dụng NSNN, kiến nghị thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai chế độ, định mức 245,2 tỷ đồng; năm 2011 kiểm toán 126 đầu mối, kiến nghị thu hồi nộp NSNN 215,2 tỷ đồng. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP tại các bộ, ngành, địa phương đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; các đơn vị được kiểm toán cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật NSNN, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Việc đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu, dự án quốc gia cũng đã đem lại những kết quả tích cực. Qua kiểm toán, về cơ bản việc đầu tư đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào các huyện nghèo vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Điển hình là, qua 03 năm thực hiện Chương trình 30a, đã có 115 nghìn hộ thuộc 49 huyện nghèo thoát nghèo.
Kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính ngân hàng (TC-NH) cho thấy, mặc dù tiếp tục phải chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, song phần lớn các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán vẫn kinh doanh có lãi và đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô; các đơn vị cũng đã cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý tài chính. Cùng với đó, hoạt động của các tổ chức TC-NH cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao, thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành lãi suất dần phù hợp với thị trường, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn theo quy định của Nhà nước và của nội bộ đơn vị.
Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả tích cực, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng tài sản, NSNN. Cụ thể là, trong công tác lập và giao dự toán, một số bộ, ngành và địa phương vẫn chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được KTNN phát hiện và kiến nghị từ những năm trước như: Giao dự toán chậm, không giao hết dự toán ngay từ đầu năm; bố trí kinh phí sự nghiệp GD&ĐT, KH&CN, dự phòng không đúng tỷ lệ quy định...; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải; phân bổ vốn không đảm bảo cơ cấu được giao; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước và trả nợ XDCB chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến số dư ứng trước dự toán và số dư nợ đọng lớn. Theo báo cáo của KTNN, dư ứng trước dự toán nguồn ngân sách tập trung đến hết năm 2011 là 39.492,155 tỷ đồng (Trung ương 23.430,246 tỷ đồng, địa phương 16.061,909 tỷ đồng). Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ khối lượng đã thực hiện của 63 địa phương đến 31/12/2011 là 91.273 tỷ đồng, trong đó 15/63 địa phương nợ XDCB ở mức trên 100% so với kế hoạch vốn đầu tư năm 2011 (vốn NSNN và TPCP).
Trong công tác quản lý thu NSNN, nhiều đơn vị được kiểm toán chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật trong kê khai thuế, xác định ưu đãi thuế…dẫn đến kê khai sai số thuế phải nộp NSNN. Công tác quản lý thu tại một số cục thuế và cục hải quan còn hạn chế: Gia hạn thuế TNDN không đúng đối tượng; chưa thực hiện tính phạt chậm nộp; cấp danh mục hàng miễn thuế chưa đúng quy định; xác định hàng nhập khẩu không phải nộp thuế, mã hàng hóa để tính thuế và áp dụng thuế suất ưu đãi chưa chính xác. Đặc biệt, những hạn chế trong công tác quản lý thu từ đất chậm được khắc phục đã làm thất thu NSNN. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng thuế có chiều hướng tăng. Theo báo cáo của Tổng cục thuế, nợ thuế đến 31/12/2011 là 35.118 tỷ đồng, tăng 35% (9.124 tỷ đồng) so với năm 2010. Báo cáo của Tổng cục Hải Quan cũng cho thấy, tổng số nợ thuế quá hạn đến 31/12/2011 là 6.480 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2010. Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu gần 2000 tỷ đồng.
Về quản lý chi NSNN, có 23 trên 28 tỉnh, thành phố được kiểm toán chi vượt dự toán chi thường xuyên được HĐND giao đầu năm, trong đó 13/28 địa phương chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt trên 30%; trong điều hành ngân sách một số địa phương còn sử dụng 386 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng... để chi thường xuyên sai quy định. Đặc biệt, trong bối cảnh bố trí NSNN gặp nhiều khó khăn thì tình trạng chi chuyển nguồn năm 2011 sang năm 2012 lại tăng hơn năm trước với tổng số tiền gần 246,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng chi NSNN, nhiều khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định về nội dung, thời gian; việc cho vay sai quy định, cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm chậm thu hồi có xu hướng tăng và xảy ra ở hầu hết các địa phương được kiểm toán.
Trong công tác mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra các sai phạm như: Mua sắm tài sản không đúng quy định của Luật Đấu thầu; sử dụng không đúng mục đích, đối tượng; nhiều đơn vị mua sắm tài sản chưa đúng tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP; chưa xây dựng, ban hành quy chế quản lý tài sản công; chưa tiến hành xử lý kịp thời các tài sản khi kết thúc dự án, đề tài theo quy định; sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê trái phép, cho mượn sai quy định, bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc để hoang hóa…
Kết quả kiểm toán cho thấy, việc thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia còn nhiều bất cập như: Có nhiều chương trình trùng mục tiêu được thực hiện trên cùng một địa bàn; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn chưa hợp lý dẫn tới đầu tư dàn trải, phân tán, khó quản lý điều hành tập trung thống nhất; hệ thống pháp luật, quy định thực hiện chưa hoàn thiện hoặc không bám sát thực tế, hỗ trợ không đúng đối tượng, định mức, không đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; công tác tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương còn nhiều hạn chế…
Qua kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011, trong đó: Xử lý tài chính 14.710,8 tỷ đồng (tăng thu 2.184,3 tỷ đồng; giảm chi 2.458,9 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 957,8 tỷ đồng; nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.858 tỷ đồng; xử lý khác 251,8 tỷ đồng); Chỉ đạo các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 78 văn bản không phù hợp với quy định chung của nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011: Thu cân đối 962.982 tỷ đồng, chi cân đối 1.034.244 tỷ đồng, bội chi NSNN 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP. Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, nhất là việc quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn thuộc nhiệm vụ chậm triển khai hoặc không thực hiện được theo đúng quy định của Luật NSNN.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, tính đến 31/12/2012 đạt 71,62% tổng số kiến nghị xử lý về tài chính, trong đó sai phạm trong chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ khá lớn. Đã có 25 văn bản được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản./.