Đồng chủ trì cuộc họp báo gồm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Đào Văn Dũng. Buổi họp báo có sự tham gia của lãnh đạo các KTNN chuyên ngành, khu vực, các đơn vị tham mưu của KTNN.
Báo cáo tóm tắt về kết quả kiểm toán năm 2015, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Đào Văn Dũng cho biết, năm 2015, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại 203 đơn vị và kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2014, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên những khó khăn đang từng bước được khắc phục, kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực.
Cụ thể, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, thu ngân sách vượt 12,1% dự toán, trong đó một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN như thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh; thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu… có xu hướng tăng. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai lập và giao dự toán năm 2014 cho các đơn vị cơ bản theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tình trạng sử dụng kinh phí NSNN chưa phù hợp với chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã dần được khắc phục, các đơn vị đã triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng..., song qua kết quả kiểm toán, bên cạnh những mặt có chuyển biến tích cực vẫn còn nổi lên một số vấn đề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng trả lời câu hỏi của báo chí
Ông Đào Văn Dũng cho biết, về dự toán thu NSNN: Số liệu ước thực hiện thu năm 2013 của một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thấp so với khả năng thực hiện; lập dự toán không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu; một số địa phương được kiểm toán lập dự toán thu nội địa không đảm bảo mức phấn đấu tăng bình quân khoảng 12-13%, dự toán thu XNK không đảm bảo tăng 8-9% so với ước thực hiện năm 2013.
Về dự toán chi đầu tư phát triển: Còn tình trạng lập dự toán không đầy đủ, danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn; giao dự toán không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn; không phân bổ, phân khai chi tiết kế hoạch vốn ngay từ đầu năm; trong năm không phân bổ hoặc phân bổ vốn thấp hơn quy định; bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, thiếu căn cứ, chưa đúng quy định hoặc không sát thực tế; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn khi chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Về dự toán chi thường xuyên vẫn lặp lại các sai sót như: Lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách hoặc số kiểm tra của Bộ Tài chính; lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ và không sát thực tế; giao dự toán chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm; tính thiếu số trừ tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương, giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao; phân bổ dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi; bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức Trung ương giao...
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng trả lời câu hỏi của báo chí
Về thu NSNN, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế GTGT và thuế TNDN phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến; còn không ít đơn vị hạch toán thiếu số thu; hạch toán các khoản chi phí không đúng chế độ, định mức; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp NSNN...
Chi đầu tư phát triển tại một số địa phương số dự án khởi công mới và số dự án khởi công mới/số dự án thực hiện trong kỳ khá cao, số lượng dự án chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh còn lớn; số dự án hoàn thành chậm lập báo cáo quyết toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán so với quy định lũy kế từ năm 2005 đến 31/12/2014 còn rất lớn; Tại nhiều địa phương công tác quản lý nợ đọng XDCB chưa được quan tâm đúng mức; đến tháng 3/2016, Bộ KH&ĐT chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh mục và số nợ đọng XDCB đến hết 31/12/2014 của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định; Các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn còn xảy ra tại nhiều dự án được kiểm toán trong năm 2015.
Chi thường xuyên: Hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt; 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán; một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương đủ theo quy định, báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương, sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác...
Kết quả kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; mức độ hoàn thành một số mục tiêu của chương trình thấp; việc tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện chương trình còn chậm, chưa đầy đủ nội dung hoặc không lập báo cáo; một số địa phương chưa bố trí đủ vốn đối ứng, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn thấp, còn dư nguồn vốn viện trợ do không giải ngân kịp thời.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX Nguyễn Huỳnh Tịnh trả lời câu hỏi của báo chí
Qua kiểm toán các chuyên đề có phạm vi rộng, KTNN cũng đã phát hiện một số tồn tại bất cập trong cơ chế chính sách quản lý tài chính công, tài sản công.
Năm 2015, KTNN đã triển khai kiểm toán 07 cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án, hoạt động được kiểm toán. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, điều hành và thực thi các chương trình, dự án, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước,
Kết quả kiểm toán các DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng, KTNN điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.854 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.518 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 44 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 68 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 1.494 tỷ đồng; các khoản thuế và phải nộp NSNN tăng 6.220 tỷ đồng.
Nhiều Tập đoàn, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, tồn kho lớn, ứ đọng, chậm luân chuyển; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định; sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định; nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn tình trạng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ; một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn...
Công tác giám sát tài chính tại một số đơn vị còn hạn chế, còn tình trạng người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ; việc xử lý tài chính của doanh nghiệp cổ phần hóa còn sai sót; một số đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đúng đắn.
Hầu hết các Tập đoàn, TCT được kiểm toán phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; một số đơn vị quản lý chi phí vượt định mức; một số đơn vị chưa tuân thủ quy định về quản lý tiền lương, trích vượt quỹ tiền lương…
Kết quả kiểm toán hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng cho thấy: Tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31/12/2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ; việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả...Một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao; một số khoản phải thu tồn đọng từ nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm; hạch toán, ghi nhận tài sản cố định chưa kịp thời, đúng quy định; một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng; một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp, suy giảm giá trị; hầu hết các đơn vị xác định doanh thu, chi phí chưa đúng quy định.
Trình bày về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2014, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Đào Văn Dũng cho biết kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến tháng 5 năm 2016 là 14.733 tỷ đồng, đạt 64,3% tổng số kiến nghị (năm 2013 là 63,1%), trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.880 tỷ đồng, đạt 75% (năm 2013 là 66,2%). Về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách: Có 45 văn bản đã và đang được Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định về ban hành văn bản.
Báo cáo tóm tắt về kết quả kiểm toán năm 2015 cũng đưa ra một số đề nghị của KTNN với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2015 đối với niên độ ngân sách 2014 là 19.863,5 tỷ đồng; Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán của KTNN thực hiện trong năm 2015; Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước. Trong đó, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc vay tồn ngân KBNN và nguồn khác để bù đắp bội chi NSNN khi ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2015…
KTNN cũng đề nghị Quốc hội: Xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014: Thu cân đối NSNN 1.130.609 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 1.339.489 tỷ đồng; bội chi NSNN 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP thực tế; Nghiên cứu để ban hành nghị quyết về việc ứng trước kế hoạch vốn đầu tư, xử lý nợ đọng XDCB nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, an toàn nợ công.
Tại buổi họp báo, các phóng viên báo, đài trung ương và địa phương đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới nội dung họp báo. Các câu hỏi tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý nợ công, chi tiêu NSNN, bội chi NSNN; công tác kiểm toán các tập đoàn, TCT nhà nước, các ngân hàng và tổ chức tài chính, các dự án BOT, chương trình mục tiêu quốc gia…
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Dương Quốc Anh, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Đào Văn Dũng và lãnh đạo một số KTNN chuyên ngành và khu vực đã giải đáp toàn bộ các câu hỏi của các phóng viên báo, đài./.
Ngọc Bích