Kết luận của Hội nghị chuyên đề lần thứ 22 của Liên hiệp quốc và Tổ chức quốc tế các cơ quan tối cao

Từ ngày 05-07/3/2013, Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Liên hiệp quốc (LHQ) phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề lần thứ 22 với chủ đề: Kiểm toán và tư vấn của các SAI: Rủi ro và Cơ hội, cũng như Khả năng tham gia của người dân tại Viên, Áo. Tham dự Hội nghị là hơn 150 đại biểu, trong đó hơn 40 người là Tổng kiểm toán, từ hơn 60 Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên INTOSAI, đại diện của LHQ (ông Wu Hongbo, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội), bà Barbara Prammer, Chủ tịch Quốc hội Áo, Tiến sĩ Reinhold Lopatka, Bộ trưởng Ngoại giao Áo, đại diện các tổ chức quốc tế như UN-DESA, UNODC, UNEP, OECD, GIZ. Ba SAI thuộc khu vực Đông Nam Á được mời tham dự là Việt Nam, Indonesia và Bruney. Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị quan trọng này.

Hội nghị thảo luận 03 chủ đề chi tiết gồm (i) Kiểm toán và tư vấn của các SAI – Yêu cầu và cơ hội đối với kiểm toán chính phủ (SAI Trung Quốc chủ trì); (ii) Rủi ro và cơ hội trong kiểm toán và tư vấn của các SAI (SAI Nam Phi chủ trì); (iii) Hiệu lực và sự minh bạch trong kiểm toán và tư vấn qua sự tham gia của công dân (UN-DESA chủ trì). Kết thúc thảo luận, các đại biểu tham dự đã nhất trí thông qua bản Kết luận và kiến nghị của Hội nghị.

Sau đây là toàn văn bản Kết luận và kiến nghị này:

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

của Hội nghị chuyên đề LHQ/INTOSAI 22 về Kiểm toán và Tư vấn của các SAI: Rủi ro và Cơ hội, cũng như Khả năng tham gia của người dân

Căn cứ

A.           Căn cứ Kế hoạch Chiến lược của INTOSAI 2011-2016;

B.            Thực hiện mục tiêu chiến lược 2 (tăng cường năng lực) và mục tiêu chiến lược 3 (chia sẻ kiến thức) và đặc biệt là các ưu tiên chiến lược dưới đây:

a.       Giúp đảm bảo sự độc lập của SAI,

b.       Thúc đẩy việc tăng cường năng lực của SAI,

c.             Chứng minh giá trị và lợi ích của SAI;

C.           Tiếp theo các kết quả và kiến nghị rất hữu ích của Hội nghị chuyên đề LHQ/INTOSAI 21 năm 2011 về “Thông lệ hiệu quả về hợp tác giữa các Cơ quan kiểm toán tối cao và người dân để nâng cao trách nhiệm giải trình công”;

D.           Tin tưởng rằng các nguyên tắc đã nêu tại ISSAI 1 và ISSAI 10, trong Tuyên bố Lima về Hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán, và trong Tuyên bố Mexico về Sự độc lập của SAI, là không thể thiếu để SAI thực hiện nhiệm vụ của mình tốt nhất có thể;

E.            Tiếp theo Nghị quyết A/66/209 “Nâng cao hiệu quả, trách nhiệm giải trình, hiệu lực và sự minh bạch của nền hành chính công thông qua tăng cường các Cơ quan kiểm toán tối cao” của Đại hội đồng Liên hợp quốc, theo đó cộng đồng quốc tế:

a.             Công nhận rằng SAI chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách khách quan và hiệu quả khi độc lập với đơn vị được kiểm toán và được bảo vệ khỏi các ảnh hưởng từ bên ngoài,

b.             Công nhận rằng SAI đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy một nền hành chính công hiệu quả, trách nhiệm, hiệu lực và minh bạch, điều này giúp ích cho cho việc thực hiện các mục tiêu và ưu tiên phát triển quốc gia, cũng như các mục tiêu phát triển đã được cộng đồng quốc tế thống nhất, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ,

c.             Khuyến khích các nước thành viên LHQ thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mexico trong phạm vi khuôn khổ cơ cấu thể chế quốc gia tương ứng của mình;

F.            Nhấn mạnh tầm quan trọng của Chuẩn mực quốc tế của Cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI) và Hướng dẫn của INTOSAI về quản lý nhà nước tốt (INTOSAI GOV), trong đó có các nguyên tắc nền tảng, điều kiện tiên quyết cho hoạt động của SAI, các nguyên tắc, hướng dẫn kiểm toán cơ bản, khuyến khích quản lý nhà nước tốt trong lĩnh vực công và việc tuân thủ các chuẩn mực đó để công việc của SAIs đáng tin cậy hơn;

G.           Coi trọng quan hệ đối tác giữa INTOSAI với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế nhằm xây dựng và tăng cường năng lực của SAI, nhất là tại các nước đang phát triển, qua đó góp phần tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý nhà nước tốt;

H.           Tin tưởng rằng nhận biết giá trị và lợi ích hoạt động của SAI là điều kiện tiên quyết cơ bản cho hiệu lực và việc chấp nhận các hoạt động đó;

I.              Đề cao hoạt động của Nhóm làm việc của INTOSAI về Giá trị và Lợi ích của SAI cũng như các nỗ lực của Nhóm nhằm nâng cao nhận thức chung về các giá trị và lợi ích đó;

J.              Ý thức được rằng các nguồn lực công đang ngày càng chịu nhiều áp lực, người dân đang đòi hỏi nền quản trị công được thực thi một cách kinh tế và hiệu quả hơn, cũng như về sự tham gia SAI trong quá trình đó;

K.           Hiểu rằng, căn cứ vào hoạt động kiểm toán của mình, SAI cũng có nhiệm vụ đưa ra các kiến nghị để nền quản trị công vận hành kinh tế và hiệu quả hơn, từ đó góp phần vào tiến trình cải cách chính phủ;  

L.            Nhấn mạnh rằng phương pháp tiếp cận hiện đại và hiệu quả của SAI hướng tới một nền quản trị công tốt hơn không chỉ dừng lại ở hoạt động kiểm toán và việc đơn thuần phát hiện những bất cập và hạn chế trong quá khứ là không đủ để đạt được hiệu quả cao nhất cũng như được ghi nhận là một công cụ kiểm soát hữu hiệu;

M.          Tin tưởng rằng SAI chỉ có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của mình để đóng góp vào xây dựng nền quản trị công tốt hơn khi, căn cứ vào hoạt động kiểm toán của mình, còn tham gia vào hoạt động tư vấn và đưa ra kiến nghị cụ thể để đơn vị được kiểm toán và các nhà hoạch định chính sách chính trị thực hiện trong thực tiễn;

N.           Tin tưởng rằng người dân và xã hội dân sự là đối tượng nhận báo cáo và kiến nghị kiểm toán có vai trò quan trọng ngang với các cơ quan chính trị có thẩm quyền, góp phần xây dựng một cơ chế kiểm soát có hiệu lực thông qua phản biện xã hội;

O.           Tin tưởng rằng hoạt động tư vấn theo nghĩa nỗ lực một cách có hiệu lực để thực hiện và áp dụng các kiến nghị kiểm toán đã đưa ra không dừng lại ở việc trình bày một lần các kiến nghị kiểm toán với đơn vị được kiểm toán hoặc gửi một lần báo cáo kiểm toán cho cơ quan lập pháp hay hành pháp có thẩm quyền, mà để đạt hiệu quả tối đa, bắt buộc phải có bước kiểm tra thực hiện với mục tiêu rõ ràng dựa trên các phát hiện và kiến nghị kiểm toán;

P.            Đề cao tầm quan trọng của việc phản biện chính sách rộng rãi từ kết quả và kiến nghị kiểm toán, cũng như hoạt động tư vấn có liên quan của SAI;

Q.           Nhấn mạnh rằng ý kiến tư vấn của SAI sẽ làm gia tăng giá trị, từ đó nâng cao tác dụng của mỗi cuộc kiểm toán và củng cố tác động của kiểm toán chính phủ từ bên ngoài trên cơ sở bền vững;

R.            Coi trọng các cơ hội mà SAI có thể tạo nên từ hoạt động tư vấn, như nâng cao hiệu lực của SAI, sử dụng công quỹ hiệu quả hơn, nền quản trị công kinh tế, hiệu quả và hiệu lực hơn, cải thiện tình hình phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đề ra Kế hoạch phát triển sau năm 2015 và, cuối cùng là, gia tăng nhận biết về giá trị và lợi ích hoạt động của SAI đối với đơn vị được kiểm toán, cơ quan hoạch định chính sách trong quốc hội, chính phủ và nền hành chính, cũng như đối với người dân;

S.             Nhận thức được rằng việc đẩy mạnh công tác tư vấn cũng kéo theo nhiều rủi ro cần được xác định cụ thể để kiểm soát. Những rủi ro này gồm khả năng suy giảm sự độc lập hay khách quan của SAI, hoặc bị cho là can thiệp vào việc hoạch định chính sách;

T.            Tin chắc rằng công tác tư vấn sẽ nâng cao giá trị và lợi ích của kiểm toán và làm cho hiệu lực của kiểm toán dễ nhận biết hơn, lý do là việc phản biện rộng rãi sẽ góp phần gia tăng sự sẵn sàng thực hiện các kiến nghị kiểm toán và, theo đó, tăng cường lòng tin của người dân đối với SAI;

U.           Hiểu rõ rằng, trên cơ sở này, nhiều yếu tố và điều kiện tiên quyết phải được đáp ứng để công tác kiểm toán và tư vấn có hiệu lực, nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong việc xây dựng một nền quản trị nhà nước tốt hơn;

Đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất các Kết luận và Kiến nghị sau:

Về những vấn đề chung:

1.      Coi các nguyên tắc trong Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mexico là điều kiện tiên quyết để SAI thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu lực.

2.      Khuyến khích SAI, nhằm thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết A/66/209 ngày 22/12/2011 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, gửi tới các cơ quan hoạch định chính sách tại nước mình và thúc giục thực hiện các nguyên tắc đó.

3.      Hoan nghênh khuyến nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc với các nước thành viên Liên hợp quốc thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mexico trong khuôn khổ các cấu trúc thể chế quốc gia của mình.

4.      Coi việc thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố Lima và Tuyên bố Mexico là cần thiết không chỉ để bảo vệ và tăng cường sự độc lập của SAI, mà còn làm cho giá trị và lợi ích của SAI dễ nhận biết hơn.

5.      Hoan nghênh nỗ lực của Nhóm làm việc về giá trị và lợi ích của SAI khi xây dựng Khung đánh gia hoạt động của SAI – tạo điều kiện cho việc đánh giá tự nguyện và trình bày cân đối kết quả hoạt động, giá trị và lợi ích của SAI.

6.      Nhấn mạnh việc SAI, theo Tuyên bố Lima, thực hiện các cuộc kiểm toán của mình theo hướng tạo điều kiện áp dụng biện pháp chấn chỉnh trong các trường hợp cụ thể, bắt những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, thu nhận bồi thường, hay thực hiện các bước để ngăn chặn, hoặc ít ra là gây thêm khó khăn cho, các hành vi vi phạm.

7.      Tin tưởng rằng SAI không thể không tham gia hoạt động tư vấn, dựa trên công tác kiểm toán, để nâng cao hiệu lực các cuộc kiểm toán mà mình thực hiện, làm cho giá trị và lợi ích của hoạt động của SAI được nhận biết rõ hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, từ đó góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và xây dựng Chương trình phát triển sau năm 2015.

8.           Thấy rằng cần thiết phải thông tin với các cơ quan lập pháp và hành pháp cũng như người dân về hoạt động kiểm toán bằng việc xuất bản và phổ biến các báo cáo khách quan, trên cơ sở đó, đưa ra ý kiến tư vấn để đóng góp vào việc ổn định và phát triển hơn nữa, cũng như việc quản trị tốt hơn tại các quốc gia theo các nguyên tắc của Liên hợp quốc.

9.           Nhấn mạnh việc mọi hoạt động tài chính của chính phủ, bất kể có được thể hiện hay không và thể hiện theo hình thức nào trong ngân sách quốc gia, đều phải được SAI kiểm toán, cần được trình bày và thảo luận tại Quốc hội.

10.       Đề cao việc, trong các cuộc kiểm toán của mình, SAI không tham gia vào hoạt động thường nhật của chính phủ để đảm bảo sự độc lập với cơ quan lập pháp, chính phủ và cơ quan hành chính theo nghĩa tách bạch trách nhiệm giữa quản lý hành chính và kiểm toán viên.

11.       Ghi nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của việc kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của nền quản trị công, không chỉ các giao dịch đơn lẻ, mà gồm tất cả hoạt động của chính phủ, kể cả việc tổ chức và các hệ thống quản lý.

12.       Nhấn mạnh sự cần thiết của việc SAI cần hướng các cuộc kiểm toán của mình vào những vấn đề liên quan đến tác động và kết quả đạt được của nền quản trị công.

13.       Nhất trí việc SAI không thể không thực hiện hậu kiểm theo nghĩa được nêu trong Tuyên bố Lima để những người có trách nhiệm nhận trách nhiệm, tiếp nhận bồi thường, hay ngăn chặn vi phạm trong tương lai.

14.       Nhất trí cùng nỗ lực để sự kịp thời của các cuộc kiểm toán, đặc biệt quá trình kiểm toán, có thể làm tăng khả năng đưa lại những thay đổi cụ thể và tích cực.

15.       Nhắc lại việc SAI cần thực hiện kiểm toán trên cơ sở một chương trình kiểm toán do SAI tự quyết. Để nâng cao hiệu lực kiểm toán, việc chọn đối tượng kiểm toán hoạt động cần đi vào những những lĩnh vực cụ thể, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động tương lai của chính phủ, nhất là các lĩnh vực về khả năng tài chính của ngân sách công, an sinh xã hội (gồm cả hệ thống y tế và hưu trí), giáo dục và môi trường bền vững.

16.       Nhấn mạnh việc để duy trì tính khách quan và đảm bảo sự tin cậy, nhìn chung SAI không kiểm toán các chính sách do cơ quan lập pháp ban hành – trừ trường hợp được pháp luật quy định – mà chỉ đánh giá các chính sách này được thực hiện ra sao, tác động của việc thực hiện chúng và đưa ra kiến nghị trên cơ sở đánh giá đó.

17.       Ghi nhận nhu cầu cấp bách của việc đào tạo nghiệp vụ cho kiểm toán viên cả về lý thuyết và thực hành ở cấp độ nội bộ, đại học và quốc tế; nhu cầu tăng cường đào tạo bằng tất cả các biện pháp có thể, cả về tài chính và tổ chức.

18.       Thống nhất coi kiểm toán nội bộ là một cơ chế đảm bảo quan trọng cần được tăng cường và phối hợp qua luật.

Về hoạt động tư vấn:

19.       Tin tưởng rằng hoạt động tư vấn căn cứ vào kết quả kiểm toán là nội dung quan trọng trong hoạt động của SAI, giúp nâng cao giá trị và lợi ích của SAI như đã đề cập trong Chuẩn mực quốc tế của các Cơ quan kiểm toán tối cao số 1260 (ISSAI 1260 - Thông tin tới những người phụ trách việc quản trị).

20.       Nhấn mạnh việc công tác tư vấn của SAI cần căn cứ hoàn toàn vào các báo cáo kiểm toán đã phát hành để tránh các rủi ro như mất sự độc lập, sự vô tư, hay bị hiểu là can thiệp vào việc hoạch định chính sách.

21.       Nhất trí rằng quyền và nghĩa vụ báo cáo kết quả kiểm toán, việc tự quyết định về nội dung và thời gian của báo cáo kiểm toán, việc tự phát hành và phổ biến các báo cáo này là rất cần thiết để công tác tư vấn đạt hiệu quả, đặc biệt là khi liên quan đến các cuộc tranh luận công khai về các phát hiện và kiến nghị kiểm toán.

22.       Nhấn mạnh việc cần xác lập các cơ chế hiệu lực nhằm theo dõi mức độ thực hiện kiến nghị kiểm toán để tư vấn cho cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan giám sát các đơn vị được kiểm toán cũng như người dân.

23.       Khuyến nghị rằng hiệu lực của cuộc kiểm toán có thể được nâng cao đáng kể nếu ngay khi báo cáo kiểm toán được phát hành, SAI giải thích với các chính thể chức năng và các bên có liên quan về các phát hiện và kiến nghị của mình một cách chuyên nghiệp, thuyết phục và nhất quán. 

24.       Nhất trí rằng SAI cần đặc biệt quan tâm và tăng cường giáo dục, đào tạo nghiệp vụ cho kiểm toán viên nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác tư vấn.

25.       Đề cao việc SAI cần thông tin và qua đó nâng cao nhận thức của người dân và giới truyền thông về các phát hiện và kiến nghị của SAI.

26.       Tin tưởng rằng SAI cần đưa ra các kiến nghị rõ ràng và thực tế để nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của quản trị công; chỉ bằng cách này, công tác tư vấn mới trở nên trực tiếp hiện hữu và hiệu lực trong các cuộc kiểm toán của SAI.

27.       Nhấn mạnh việc để nâng cao hiệu lực với đơn vị được kiểm toán, cơ quan lập pháp, công chúng và người dân, các phát hiện và kiến nghị kiểm toán của SAI phải:

27.1     Được trình bày rõ ràng, chính xác, định hướng giải pháp và khả thi;

27.2     Được thông tin, như một phần của công tác tư vấn, tới các nhà hoạch định chính sách có liên quan một cách có mục tiêu và dưới dạng các ấn phẩm chuyên đề;

27.3     Được SAI giải thích thỏa đáng trong các cuộc tranh luận công khai;

27.4     Có hiệu lực lâu dài ra ngoài phạm vi của cuộc kiểm toán. 

28.       Nhất trí coi việc thông tin tới các nhóm mục tiêu cụ thể sử dụng phương tiện thông tin phù hợp là không thể thiếu để công tác tư vấn đạt hiệu lực và qua đó góp phần nâng cao nhận thức về giá trị và lợi ích của SAI.

29.       Nhất trí việc cần thông tin một cách hiệu quả tới các nhóm mục tiêu này bằng phương tiện phù hợp như vận động tại các chính thể chức năng, qua các ấn phẩm, thuyết trình, phỏng vấn, quan hệ công chúng.

30.       Nhất trí coi các yếu tố dưới đây là phương tiện để công tác tư vấn đạt hiệu quả:

30.1     Thực hiện chức năng tư vấn trong quá trình kiểm toán bằng cách trực tiếp đưa ra kiến nghị với đơn vị được kiểm toán;

30.2     Thông tin về báo cáo và kiến nghị kiểm toán tới cả đơn vị được kiểm toán và Quốc hội, Chính phủ, cũng như việc phát hành báo cáo kiểm toán sau đó;

30.3     Phân tích các kiến nghị trong báo cáo của cuộc kiểm toán cụ thể về những liên quan ngoài cuộc kiểm toán này; tổng hợp các kiến nghị hữu ích và mang tính hệ thống đó thành ấn phẩm của SAI;

30.4     Lập các ấn phẩm riêng cho từng nhóm mục tiêu và từng chuyên đề dựa trên các báo cáo kiểm toán;

30.5     Phổ biến các ấn phẩm đó và tuyên truyền về nội dung của nó tại các cuộc tranh luận công khai do SAI tổ chức.

31.       Ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về khuyến khích các nước thành viên và các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc tiếp tục và tăng cường hợp tác, cả về nâng cao năng lực, với INTOSAI nhằm thúc đẩy quản lý nhà nước tốt bằng việc đảm bảo hiệu quả, trách nhiệm giải trình, hiệu lực và sự minh bạch thông qua các cơ quan kiểm toán tối cao mạnh. 

32.       Đề nghị Nhóm làm việc của INTOSAI về Hiện đại hóa tài chính cho cải cách pháp chế của các thị trường và định chế tài chính thực hiện giám sát các biện pháp giảm thiểu rủi ro về lãng phí và thất thoát công quỹ nhằm tư vấn chuyên môn cho cộng đồng quốc tế./.

Việt Hùng tổng hợp.