"Kết quả kiểm toán Sẽ phản ánh trung thực về thực trạng của Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 - 2005"

25/03/2009
Xem cỡ chữ Google

 Dự án trồng rừng mới 5 triệu ha rừng triển khai trong giai đoạn từ năm 1988 đến 2010, là dự án quan trọng được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 2 năm 1997 thông qua chủ trương đầu tư, giao Chính phủ tổ chức thực hiện tại Nghị quyết số 08/1997/QH10. Để triển khai Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/07/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án.

   
"Kết quả kiểm toán Sẽ phản ánh trung thực về thực trạng của Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng  giai đoạn 1998 - 2005"

        (Bà Phạm Thị Linh Tâm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, Trưởng Đoàn kiểm toán Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng  giai đoạn 1998 - 2005 trả lời phỏng vấn TCKT)

 Năm 2004 Kiểm toán Nhà nước đã từng triển khai kiểm toán đối với Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, xin bà vui lòng cho biết một số nét chính về dự án này?

 Dự án trồng rừng mới 5 triệu ha rừng triển khai trong giai đoạn từ năm 1988 đến 2010, là dự án quan trọng được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 2 năm 1997 thông qua chủ trương đầu tư, giao Chính phủ tổ chức thực hiện tại Nghị quyết số 08/1997/QH10. Để triển khai Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/07/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án. Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể bao gồm: trồng mới 5 triệu ha rừng cùng với bảo vệ diện tích rừng hiện có để tăng độ che phủ của rừng lên 43%, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh trưởng, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học; sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng, đồi núi trọc, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn miền núi, ổn định chính trị xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới; cung cấp nguyên liệu sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm sản khác cho tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần phát tiển kinh tế xã hội miền núi.

Về quy mô dự án có hai nội dung chính, gồm bảo vệ rừng hiện có và trồng mới. Theo đó, một phần Dự án tham gia bảo vệ có hiệu quả vốn rừng hiện có như rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu, rừng phòng hộ đã trồng theo chương trình 327. Mặt khác, chỉ tiêu trồng mới gồm 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 2 triệu ha rừng sản xuất, cây công nghiệp lâu năm và khoảng 1 triệu ha cây ăn quả, đồng thời huy động các tổ chức và nhân dân triệt để tận dụng diện tích đất trống để trồng cây phân tán.

Dự án được chia thành 3 giai đoạn triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; giai đoạn 1 và 2 triển khai từ năm 1998 đến 2005, giai đoạn 3 từ 2006 đến 2010. Theo kế hoạch, trong hai giai đoạn vừa qua mục tiêu đề ra bao gồm trồng mới 2 triệu ha rừng (trong đó 610.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng), khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung 1 triệu ha; giai đoạn từ nay đến 2010 sẽ trồng mới 2 triệu ha (trong đó có 390.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng).

Theo quy định, nội dung chủ yếu của Dự án là đầu tư cho lâm sinh, bằng 87% vốn đầu tư từ NSNN; chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không quá 5% và chi sự nghiệp quản lý dự án bằng 8% tổng số vốn NSNN.

 Xin bà cho biết đôi nét về chương trình kiểm toán năm 2004; mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán của cuộc kiểm toán năm nay và việc triển khai thực hiện của Đoàn kiểm toán?

 Theo sự phân công của Tổng KTNN, năm 2004 KTNN chuyên ngành V (Kiểm toán Đầu tư dự án II trước đây) phối hợp với các KTNN khu vực và các KTNN chuyên ngành khác thực hiện kiểm toán tại 2 bộ và 30 tỉnh, thời kỳ kiểm toán là 5 năm (từ 1999 đến hết năm 2003) với tổng số vốn được kiểm toán là 1.088 tỷ đồng; trong đó, KTNN chuyên ngành V kiểm toán 2 Bộ và 10 tỉnh. Năm 2006 lãnh đạo KTNN giao cho riêng KTNN chuyên ngành V kiểm toán Dự án này. Theo quyết định của Tổng KTNN, chúng tôi sẽ thực hiện kiểm toán tại 02 Bộ và 16 tỉnh, thành phố với tổng số vốn khoảng 1.017 tỷ đồng.

Về mục tiêu, cuộc kiểm toán sẽ xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án từ năm 1998 đến năm 2005; việc tuân thủ luật pháp, các chính sách, chế độ của Nhà nước, tình hình quản lý và sử dụng vốn tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, tính hiệu quả, sự tác động, ảnh hưởng của Dự án đối với địa phương, xã hội.

Về nội dung, sẽ kiểm toán báo báo quyết toán đầu tư hàng năm của Dự án giai đoạn 1998-2005; kiểm toán việc chấp hành Luật NSNN, chế độ tài chính kế toán và các văn bản chính sách, pháp luật khác của Nhà nước liên quan đến Dự án; kiểm toán công tác chỉ đạo, quản lý và sử dụng vốn đã đầu tư, xác định số vốn sử dụng sai mục tiêu, lãng phí tại Dự án và làm rõ nguyên nhân mức độ sai phạm. Phạm vi kiểm toán là Ban quản lý dự án Trung ương, ban quản lý các tỉnh, thành phố và các ban quản lý dự án cơ sở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng. Thời hạn kiểm toán tại các đơn vị là 70 ngày, kể từ ngày khai mạc.

Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, đồng thời được lãnh đạo KTNN tin tưởng giao nhiệm vụ, Lãnh đạo KTNN chuyên ngành V đã quyết định tập trung toàn bộ lực lượng từ lãnh đạo đến kiểm toán viên tham gia đoàn kiểm toán này. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi đã sớm có kế hoạch chuẩn bị chu đáo các công việc phục vụ cho công tác kiểm toán, mục tiêu của KTNN và mục tiêu của cuộc kiểm toán; trao đổi kỹ nghiệp vụ có liên quan đến cuộc kiểm toán, đặc biệt là trao đổi, phổ biến về những sai sót thường gặp khi kiểm toán đối tượng này. Đoàn kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng có 39 kiểm toán viên, gồm trưởng đoàn và 3 phó đoàn, chia thành 9 tổ công tác, thực hiện kiểm toán tại 2 bộ và 16 tỉnh (mỗi Ban quản lý dự án tỉnh sẽ lựa chọn từ 5-8 Ban quản lý dự án cơ sở). Ngay sau khi khai mạc kiểm toán tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 12/4/2006, các tổ kiểm toán đã đồng loạt ra quân triển khai kiểm toán tại Ban quản lý dự án Trung ương và một số địa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngoài việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các trưởng, phó đoàn, quán triệt Qui chế đoàn kiểm toán, những quy định của cơ quan, mục tiêu chung của kế hoạch năm 2006 và mục tiêu, nội dung của cuộc kiểm toán này, lãnh đạo Đoàn kiểm toán đồng thời trao đổi nghiệp vụ kiểm toán liên quan đến nội dung kế hoạch kiểm toán, đặc biệt là phổ biến những sai sót của đối tượng kiểm toán qua kết quả kiểm toán lần trước. Nội dung này giúp giảm bớt thời gian khảo sát và giảm thiểu rủi ro có thể sảy ra trong kiểm toán. Chúng tôi đặt ra yêu cầu các tổ kiểm toán một mặt thực hiện báo cáo 10 ngày một lần về kết quả công tác để sớm phát hiện những vướng mắc, kịp thời tháo gỡ; một mặt có thể đột xuất báo cáo những vấn đề phát sinh để Lãnh đạo Đoàn phổ biến cho các tổ kiểm toán lưu ý và thống nhất cách xử lý trong toàn Đoàn. Công tác chỉ đạo và thực hiện kiểm tra các tổ kiểm toán về tiến độ, nội dung công tác, việc ghi chép hồ sơ biểu mẫu kiểm toán được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ.

 Luật KTNN có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay sẽ tạo ra những thuận lợi gì cho hoạt động kiểm toán nói chung và cuộc kiểm toán này, thưa bà?

 Nhìn chung, việc Luật KTNN có hiệu lực thi hành đã nâng cao vị thế của KTNN và tác động tích cực tới hoạt động kiểm toán. Cụ thể, Luật quy định rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán (Điều 64, 65) đã tạo ý thức đầy đủ của các đơn vị được kiểm toán về phối hợp, đáp ứng các yêu cầu của đoàn kiểm toán và kiểm toán viên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là những quy định về cung cấp tài liệu, trách nhiệm trước pháp luật về tài liệu, số liệu cung cấp và nghĩa vụ thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN... đã giúp cho việc phối hợp hai bên thuận lợi và hiệu quả hơn.

 Mặt khác, chế độ lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức KTNN và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên đã được quy định trong Luật và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết phê chuẩn cũng là một yếu tố giúp các kiểm toán viên thêm yên tâm công tác.

 Xin bà cho biết ý kiến đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc kiểm toán?

 Đây là một trong những Dự án quan trọng của quốc gia được triển khai kiểm toán trong kế hoạch năm nay. Hơn nữa, chương trình công tác năm 2006 của Quốc hội, có chương trình giám sát Dự án này. Dự án được triển khai trên địa bàn toàn quốc mà đối tượng chủ yếu là nhân dân, đặc biệt là các đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, do đó Dự án còn có ý nghĩa tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào ổn định dần cuộc sống, giảm thiểu nạn du canh du cư, chặt phá rừng. Việc thực hiện dự án làm tăng độ che phủ của rừng, góp phần bảo đảm an ninh môi trường - một vấn đề không chỉ là sự quan tâm của riêng Việt Nam mà của cả khu vực và thế giới.

Vì những lý do đó, chúng tôi đã nêu quyết tâm nhằm bảo đảm độ tin cậy cao trong việc xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán vốn đầu tư; việc tuân thủ luật pháp, chính sách, chế độ Nhà nước; đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu và tính hiệu quả, sự tác động, ảnh hưởng của Dự án đối với các địa phương và xã hội nói chung. Về tổng thể, kết quả kiểm toán lần này và năm 2004 sẽ là những tài liệu phản ánh khá đầy đủ và trung thực về thực trạng của Dự án.

 Xin trân trọng cảm ơn!

 PV (Thực hiện)

 

 

 

 

 
 
 

Xem thêm »