Cùng với xu thế phát triển kiểm toán trên thế giới, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đã và đang từng bước triển khai kiểm toán hoạt động nhằm góp phần đảm bảo tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, đồng thời góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong công tác quản lý. Điều này được thể hiện trong nội dung Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được cụ thể hoá trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017.
Một trong các yếu tố quyết định giá trị gia tăng có thể tạo ra từ cuộc kiểm toán hoạt động là chủ đề kiểm toán. Xuất phát từ một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm đối với thực tiễn triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác y tế, đó là: Mặc dù số lượng và chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập đã không ngừng tăng lên trong những năm qua, phần nào đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân và góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập. Nhưng hoạt động của các cơ sở này còn tồn tại nhiều sai phạm và bất cập, dẫn đến việc xảy ra các tai biến đối với người bệnh thậm chí tử vong, gây dư luận bức xúc và mất niềm tin của công chúng vào chất lượng dịch vụ khám bệnh bệnh, chữa bệnh tư nhân. Thành phố Hà Nội là một trong những địa bàn có số lượng các cơ sở y tế ngoài công lập lớn. KTNN đã lựa chọn chủ đề kiểm toán “Công tác cấp phép và quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội” để tiến hành kiểm toán hoạt động độc lập thí điểm trong năm 2014 dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia của Quỹ kiểm toán toàn diện Canada. Mục tiêu của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá thực trạng trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị cải thiện công tác cấp giấy phép hoạt động và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra đánh giá tổng thể về các nội dung sau:
Về công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn Thành phố: Sự tham gia tích cực từ cấp xã, phường, thị trấn (với vai trò chính là Đoàn kiểm tra xã, phường, thị trấn) đến cấp quận, huyện, thị xã (với vai trò chính là Phòng Y tế) và Sở Y tế đã góp phần không nhỏ trong việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở này như sau:
Một là, hệ thống văn bản pháp lý hiện nay chưa có quy định để phân cấp rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập nên khi có tai biến xảy ra khó xác định trách nhiệm cụ thể của các bên có liên quan.
Hai là, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện hoạt động kiểm tra đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập không đúng với chức năng quy định, số lượt kiểm tra nhiều nhưng hiệu quả thấp; bên cạnh đó một số cán bộ y tế đảm nhận công tác kiểm tra tại các xã, phường, thị trấn không phải là bác sỹ nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý chuyên môn đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn.
Ba là, công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế còn chưa có sự trao đổi, phối hợp hiệu quả, do đó việc thực hiện còn chồng chéo: Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập cùng được thanh tra, kiểm tra trong khoảng thời gian ngắn (cá biệt có cơ sở cùng được Sở Y tế và Phòng Y tế kiểm tra trong một ngày), trong khi còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra trong thời gian dài, tiềm ẩn rủi ro xảy ra sai phạm trong hoạt động của các cơ sở này.
Bốn là, kết quả kiểm tra thực tế của KTNN tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập (đã và chưa được Sở Y tế và Phòng Y tế kiểm tra) cho thấy hầu hết các cơ sở này đều có vi phạm các quy định hiện hành trong hoạt động như: Bác sỹ tham gia khám chữa bệnh trong thời gian bị tước chứng chỉ hành nghề; thực hiện khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn...; bên cạnh đó, việc lưu trữ bằng chứng và xử lý các vi phạm (đã được xác định trong biên bản thanh tra, kiểm tra) chưa được thực hiện đầy đủ.
Năm là, Sở Y tế và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chưa quy định cụ thể về việc công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập có các hành vi vi phạm, do đó nhiều cơ sở được thanh tra, kiểm tra nhiều lần và có vi phạm (như: hoạt động chưa có giấy phép hoạt động; sử dụng bác sỹ không có tên trong danh sách nhân sự được cấp phép...) nhưng không được công khai cho người dân biết để có thể lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.
Sáu là, số lượng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập tăng nhanh qua từng năm nhưng mật độ phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành, trước cổng các bệnh viện lớn. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ của Phòng Y tế tại một số quận, huyện còn ít so với số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn là một trong những nguyên nhân gây nên sự quá tải và khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này.
Về quy trình và công tác cấp giấy phép hoạt động của Sở Y tế: Một kết quả đáng ghi nhận là Sở Y tế đã chủ động xây dựng Quy trình cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực y (trên cơ sở quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT), qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu được cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập và góp phần giảm thời gian cấp giấy phép hoạt động từ 90 ngày (theo quy định) xuống còn 45 ngày. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng đã chỉ ra một số tồn tại của Quy trình trên cũng như công tác cấp giấy phép hoạt động và các cơ chế chính sách khác có liên quan:
Thứ nhất, Quy trình chưa quy định việc kiểm tra các yếu tố quan trọng (như: ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất...) của máy móc thiết bị trong quá trình thẩm định tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập nên một số máy X-quang có sự khác biệt về thông số kỹ thuật giữa hồ sơ cấp giấy phép hoạt động với giấy phép tiến hành công nghệ bức xạ (do Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội cấp).
Thứ hai, Quy trình chưa quy định hình thức và thời hạn thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập đến nhận giấy phép hoạt động, vì vậy một số cơ sở nhận được giấy phép hoạt động sau 1-2 tháng kể từ khi được cấp phép, gây lãng phí về cơ sở vật chất.
Thứ ba, một số hồ sơ cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập chưa đảm bảo đầy đủ theo các quy định hiện hành (như: ký hợp đồng xử lý chất thải với các cơ quan không có chức năng xử lý rác thải y tế, một số phòng khám phụ sản không có buồng chuyên khoa riêng biệt…).
Thứ tư, quy định về việc cấp giấy phép hoạt động tại Thông tư 41/2011/TT-BYT còn bất cập như: yêu cầu đối với phòng xét nghiệm chưa phù hợp dẫn đến thực tế hiện nay hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trong lĩnh vực xét nghiệm không đáp ứng đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép hoạt động; thiếu quy định về danh mục máy móc thiết bị tối thiểu cho từng loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập nên kết quả đánh giá máy móc thiết bị tại các cơ sở này có phù hợp với phạm vi chuyên môn đăng ký để cấp giấy phép hoạt động hay không phụ thuộc nhiều vào quan điểm chủ quan của Sở Y tế trong quá trình cấp phép; thiếu quy định về kiểm định máy móc thiết bị định kỳ nên các cơ quan quản lý nhà nước khó khăn trong kiểm tra đánh giá các máy móc thiết bị có đảm bảo chất lượng để tiếp tục hoạt động hay không.
Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán nói trên, KTNN đã kiến nghị:
Một là, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cần ban hành: Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập; xây dựng kế hoạch phát triển đối với lĩnh vực y tế tư nhân nhằm giảm thiểu tập trung quá đông các phòng khám tại khu vực nội thành; ban hành chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập hoạt động tại khu vực ngoại thành để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Bên cạnh đó, cần tổ chức đánh giá kết quả kiểm tra, làm rõ vai trò, chức năng kiểm tra của Uỷ ban nhân dân cấp phường đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn và chấm dứt hoạt động kiểm tra nếu không đáp ứng đủ điều kiện.
Hai là, Sở Y tế tổ chức sửa đổi Quy trình cấp giấy phép hoạt động để đảm bảo thuận tiện trong quá trình thực hiện và xem xét yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập phải niêm yết công khai các thông tin liên quan đến hoạt động của phòng khám (như: giấy phép hoạt động, danh mục kỹ thuật chuyên môn, danh sách tên ảnh bác sỹ, y tá được cấp chứng chỉ hành nghề...) nhằm cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho người dân để có thể lựa chọn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.
Ba là, quá trình tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra phải xử phạt theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý các hành vi vi phạm; các biên bản thanh tra, kiểm tra cần có hình thức theo dõi, quản lý khoa học theo thứ tự thời gian, tránh tình trạng thực hiện thanh tra, kiểm tra nhưng không tổ chức lập biên bản theo quy định; đồng thời, cần quy định cụ thể các trường hợp công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập có vi phạm.
Bốn là, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi một số bất cập liên quan đến công tác cấp giấy phép hoạt động được quy định tại Thông tư 41/2011/TT-BYT theo hướng minh bạch, thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trong quá trình cấp giấy phép hoạt động.
Với cách tiếp cận kiểm toán hoạt động một cách khoa học và có hệ thống, cùng với sự phối hợp tích cực và chủ động của các đơn vị của thành phố Hà Nội có liên quan, cuộc kiểm toán hoạt động thí điểm của KTNN về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Kết quả kiểm toán đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị có liên quan, qua đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tư nhân. Cuộc kiểm toán một lần nữa khẳng định chủ trương phát triển kiểm toán hoạt động là đúng đắn, tạo dựng cơ sở quan trọng cho KTNN từng bước nâng cao tỷ lệ số cuộc kiểm toán hoạt động trong tổng số cuộc kiểm toán hàng năm của KTNN cũng như chất lượng kiểm toán hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Vinh Thúy