(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 21/7/2017, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN phối hợp cùng Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức Họp báo Công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015 của KTNN.
Toàn cảnh buổi Họp báo
Đồng chủ trì họp báo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Trần Khánh Hòa. Buổi họp báo có sự tham gia của lãnh đạo các KTNN chuyên ngành, khu vực, các đơn vị tham mưu của KTNN.
Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán năm 2016, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa cho biết, qua kiểm toán Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã lập, giao và chấp hành dự toán chi NSNN cơ bản đúng quy định, trong đó, dự toán chi NSNN được Quốc hội quyết định 1.177.100 tỷ đồng, Chính phủ đề nghị quyết toán 1.265.625 tỷ đồng, vượt 7,52% dự toán. Tình trạng sử dụng kinh phí NSNN chưa phù hợp với chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước từng bước được khắc phục; nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng…
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán, bên cạnh những mặt có chuyển biến tích cực vẫn còn nổi lên một số vấn đề. Về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp đơn vị được kiểm toán; Nợ thuế do ngành Thuế quản lý tiếp tục tăng qua các năm…
Trong công tác quản lý chi NSNN, dự toán chi vẫn lặp lại các sai sót đã được phát hiện trong những năm trước về xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số hội, câu lạc bộ không thuộc danh mục theo quy định của Chính phủ…. Các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán trong năm 2016. Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, KTNN kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng. Việc chấp hành quy định, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tại nhiều đơn vị được kiểm toán còn thiếu chặt chẽ. Một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức...
Về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án được kiểm toán, bên cạnh các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu Chính phủ và các chương trình MTQG còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày; sử dụng vốn ODA còn lãng phí, thiếu hiệu quả...
Ngoài ra, qua kiểm toán 19 cuộc kiểm toán hoạt độngcho thấy một số hoạt động thuộc chủ đề được kiểm toán không đạt được mục tiêu đề ra; công tác quản lý, điều hành một số chương trình, dự án thiếu chặt chẽ, không tuân thủ các quy định của Nhà nước làm giảm hiệu quả hoạt động; một số trang thiết bị được đầu tư nhưng chưa đưa vào khai thác và sử dụng gây lãng phí ngân sách.
Kết quả kiểm toán năm 2016, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước và đã kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản (04 nghị định, 20 thông tư, 09 nghị quyết, 28 quyết định, 89 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và chuyển 02 hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cho thấy hầu hết sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, thu lợi nhuận sau thuế không đúng quy định nên qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu NSNN 6.241,8 tỷ đồng…
Kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng, báo cáo kiểm toán nêu rõ, năm 2015, thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã đảm bảo thanh khoản ổn định cho các TCTD và hỗ trợ mục tiêu ổn định tỷ giá; tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 17,26%, cao hơn mức tăng trưởng định hướng. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng các quỹ bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Qua kiểm toán Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 cho thấy hệ thống các TCTD bước đầu đã được cơ cấu lại, NHNN đã kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng giảm đáng kể... Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập; hoạt động của các TCTD còn nhiều tồn tại và tiềm ẩn rủi ro.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015, ông Trần Khánh Hòa cho biết, kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2016 là 15.794 tỷ đồng, đạt 75,6% tổng số kiến nghị (năm 2014 đạt 64,3%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 10.195 tỷ đồng, đạt 82,3% (năm 2014 đạt 75%). Kết quả thực hiện kiến nghị đã có chuyển biến tích cực do năm 2016 KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Có 29 văn bản đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.
Báo cáo tóm tắt về kết quả kiểm toán năm 2016 cũng đưa ra một số đề nghị của KTNN với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 là 38.776 tỷ đồng; Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về số vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 chưa được giao kế hoạch 792,147 tỷ đồng và việc chuyển đổi nguồn vốn đầu tư đối với 05 dự án đường bộ cao tốc của Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam; Chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Bên cạnh đó, KTNN cũng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015: Thu cân đối NSNN 1.291.342 tỷ đồng; Chi cân đối NSNN1.502.189 tỷ đồng; Bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực tế.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Trần Khánh Hoà và lãnh đạo một số KTNN chuyên ngành và khu vực đã giải đáp toàn bộ các câu hỏi của các phóng viên báo, đài, tập trung vào một số nội dung: Giải pháp khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán của Thanh tra Chính phủ và KTNN; Công tác kiểm toán các dự án vay nợ do Chính phủ bảo lãnh, các dự án BOT; Công tác quản lý nợ công; Kết quả kiến nghị xử lý tài chính, tăng thu cho ngân sách nhà nước, một số ý kiến trái chiều về kết quả kiểm toán...
M. Thuý