Đảm bảo chất lượng, tính khả thi của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

20/10/2015
Xem cỡ chữ Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, công tác xây dựng các văn bản này phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định. Đồng thời, các văn bản được ban hành phải đảm bảo những yêu cầu, tiêu chí của văn bản quy phạm pháp luật.
 
Website Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Long về vấn đề này.

 

Ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội


Thưa ông, Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, chính thức có hiệu lực kể từ 01/01/2016. Xin ông cho biết ý kiến đánh giá về ý nghĩa của việc sửa đổi Luật lần này đối với hoạt động của KTNN nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung?
 
Ông Trần Đình Long: Năm 2013, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước đã được hiến định. Điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý; đồng thời thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đối với hoạt động kiểm toán của KTNN. Để cụ thể hóa Hiến pháp, Quốc hội đã kịp thời ban hành Luật KTNN (sửa đổi), trong đó quy định rõ phạm vi, chức năng, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cả hệ thống chính trị, nhất là đối với nhân dân bởi tài sản công, tài chính công thực chất là công sức của nhân dân đóng góp, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, quản lý, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích của nhân dân.
 
Luật KTNN (sửa đổi) được ban hành còn thể hiện sự phát triển của hệ thống pháp luật về KTNN, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Luật đã xác định rõ đối tượng, phạm vi kiểm toán, chức năng, quyền hạn của KTNN; quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán. Quy định rõ ràng này sẽ giúp cho cơ quan KTNN và các đơn vị được kiểm toán thấy rõ quyền và nhiệm vụ của mình; đồng thời giúp cho nhân dân hiểu được hoạt động kiểm toán của KTNN có ý nghĩa tích cực, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, hoạch định chính sách đầu tư công; đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí trong việc chi tiêu, sử dụng tài chính công của Nhà nước trong đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
 
Nhằm chuẩn bị cho việc triển khai thi hành Luật KTNN (sửa đổi), KTNN dự kiến sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung khoảng 27 văn bản hướng dẫn. Theo ông, việc triển khai xây dựng các văn bản này cần được tiến hành như thế nào để cụ thể hóa các quy định của Luật?
 
Ông Trần Đình Long: Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hình thức và trình tự thủ tục ban hành. Theo quy định của Luật này, Tổng Kiểm toán nhà nước là một trong những người có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này cũng đã được bổ sung vào Luật KTNN (sửa đổi).
 
Trong Luật KTNN (sửa đổi), một số điều cần được cụ thể hóa bằng các văn bản dưới Luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước. Cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định ban hành: Hệ thống Chuẩn mực KTNN (Điều 6), chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc KTNN (Điều 13), quy chế làm việc của Hội đồng KTNN (Điều 18), Kiểm toán viên nhà nước (Điều 26), sử dụng cộng tác viên KTNN (Điều 29), chuyển hồ sơ tài liệu phục vụ cho kiểm toán ngoài trụ sở của đơn vị được kiểm toán (Điều 34)… Để đảm bảo chất lượng của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Tổng Kiểm toán nhà nước phải thành lập Ban soạn thảo làm nhiệm vụ soạn thảo, tổ chức tổng kết, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn. Bên cạnh đó, một điểm mới trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là tùy theo đối tượng điều chỉnh của các văn bản, trong quá trình soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh. Như vậy, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Ban soạn thảo phải tuân thủ đầy đủ quy trình của việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Khi các văn này được trình Tổng Kiểm toán nhà nước, tùy theo tính chất, mức độ của văn bản, Tổng Kiểm toán nhà nước giao cho các đơn vị trực thuộc KTNN chuyên về lĩnh vực đó xem xét, thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp trước khi xin ý kiến các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, liên quan đến Quy chế hoạt động của Hội đồng kiểm toán, Vụ Pháp chế sẽ là đơn vị giúp Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, thẩm định.
 
Một điều cần lưu ý nữa là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước phải đảm bảo yêu cầu, tiêu chí của một văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, khi xây dựng, ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN, không được viết theo dạng giáo trình, hướng dẫn mà phải soạn thảo dưới hình thức một văn bản quy phạm pháp luật, tức là phải xác định từng trường hợp và từng giả định đó phải được quy định cụ thể.
 
Bên cạnh đó, theo Luật KTNN (sửa đổi), các vấn đề về tổ chức thành lập bộ máy KTNN, số lượng đơn vị trực thuộc, biên chế của đội ngũ cán bộ công chức (các Điều 13, 26, 60, 62) sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định. Do đó, các văn bản này phải được gửi đến cơ quan chuyên trách của Quốc hội xem xét, thẩm tra.
 
Tóm lại, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có những quy định chung  mà mọi chủ thể có quyền ban hành văn bản được áp dụng. Do đó, việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật KTNN (sửa đổi) cũng phải tuân thủ theo quy định chung đó để đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao.
 
Với vai trò là cơ quan thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, cá nhân ông và Uỷ ban Pháp luật sẽ phối hợp, hỗ trợ KTNN những gì trong công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống?
 
Ông Trần Đình Long: Ủy ban Pháp luật là cơ quan có thẩm quyền tham gia thẩm tra các Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bảo đảm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp về mặt hình thức, trình tự thủ tục và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Với trách nhiệm đó, tới đây, Uỷ ban Pháp luật sẽ tham gia với KTNN trong việc rà soát, xem xét các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản này; đồng thời đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kịp thời để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.
 
Liên quan đến những văn bản thuộc thẩm quyền quyết định của UBTVQH, Uỷ ban Pháp luật có trách nhiệm thẩm tra, phối hợp với Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để trình UBTVQH ban hành các Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật nói chung.
 
Xin cám ơn ông!./.

Hồng Mai thực hiện


Xem thêm »