(kiemtoannn.gov.vn) - Xây dựng kế hoạch cho hoạt động kiểm toán là một bước quan trọng trong việc tạo nên nền tảng của quá trình thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu khác của Kiểm toán Nhà nước trong một cuộc kiểm toán, một năm hay một giai đoạn của hoạt động kiểm toán. Xác định tầm quan trọng của kế hoạch kiểm toán, KTNN luôn chú trọng tăng cường cho công tác kế hoạch qua từng năm. Hiện tại, KTNN đã có hệ thống các quy định về lập và ban hành KHKT năm, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện KHKT của cuộc kiểm toán, mẫu biểu về xây dựng KHKT chi tiết của tổ kiểm toán...
Xây dựng kế hoạch cho hoạt động kiểm toán là một bước quan trọng trong việc tạo nên nền tảng của quá trình thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu khác trong một cuộc kiểm toán
Thực trạng công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của KTNN
Theo Ths. Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN, từ yêu cầu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, KTNN cũng đã ban hành KHKT trung hạn cho giai đoạn 2013-2015, góp phần định hướng và tăng cường năng lực chỉ đạo điều hành của KTNN đối với việc xây dựng KHKT năm. Đối với hoạt động kiểm toán, KTNN hiện có 04 loại KHKT, gồm KHKT trung hạn, KHKT năm, KHKT của cuộc kiểm toán và KHKT chi tiết của tổ kiểm toán.
Trao đổi về thực trạng công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của KTNN, ông Đào Văn Dũng khẳng định, KHKT năm có chất lượng phải được sự đồng thuận của Quốc hội, Chính phủ và sự thống nhất của một số cơ quan thẩm quyền có liên quan. Tuân thủ các nguyên tắc xây dựng KHKT năm đối với các nội dung trong KHKT. Xác định và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế của công tác xây dựng KHKT năm của năm trước. Có định hướng xây dựng KHKT rõ ràng, có mục tiêu kiểm toán phù hợp để đánh giá được việc triển khai thực hiện các chính sách vĩ mô của Quốc hội, Chính phủ trong niên độ được kiểm toán, phân tích, đánh giá được các hiện tượng, vấn đề kinh tế, tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm. Xác định trọng tâm (trọng yếu) cho từng đầu mối được lựa chọn kiểm toán; quy mô kiểm toán phù hợp với số lượng và năng lực kiểm toán viên hiện có; đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện KHKT một cách hiệu quả; hạn chế tối đa việc điều chỉnh KHKT năm do nguyên nhân chủ quan.
Đánh giá về chất lượng công tác xây dựng KHKT năm của KTNN trong những năm gần đây, ông Đào Văn Dũng cho rằng đã có những chuyển biến tích cực, luôn đảm bảo thời gian quyết định ban hành KHKT theo quy định của Luật KTNN, mục tiêu kiểm toán đã tập trung đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tài khóa, chính sách tài chính, tiền tệ của Quốc hội, Chính phủ, cơ bản phản ánh được những vấn đề bức xúc đang xảy ra được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, KHKT được ban hành luôn có sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Quốc hội, Chính phủ, ý kiến tham gia của một số bộ, cơ quan trung ương liên quan; các giải pháp triển khai thực hiện KHKT năm được xem xét, nghiên cứu từ thực tiễn hoạt động kiểm toán của ngành nên có hiệu quả, góp phần hoàn thành KHKT hàng năm. Trong năm 2014, lần đầu tiên, công tác xây dựng KHKT năm được dựa trên phương pháp tiếp cận với rủi ro kiểm toán, xác định trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán cho từng đầu mối được kiểm toán đã góp phần định hướng cụ thể hơn cho các KTNN chuyên ngành, khu vực khi xây dựng KHKT của cuộc kiểm toán.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng KHKT năm còn tình trạng một số KTNN chuyên ngành, khu vực đánh giá chưa đúng mức hoặc còn sơ sài về công tác xây dựng và triển khai thực hiện KHKT năm trước nên chưa rút ra được những bài học để khắc phục trong năm tiếp theo; phần lớn việc lựa chọn đầu mối dự kiến đưa vào KHKT đều theo phương pháp xoay vòng, chưa lựa chọn theo các mục tiêu kiểm toán đã được xác định; còn trùng lắp đầu mối được lựa chọn kiểm toán giữa các đơn vị; xây dựng kế hoạch kiểm toán có quy mô vượt quá năng lực hiện có…
Theo quy định hiện hành của KTNN, một KHKT đáp ứng được yêu cầu đặt ra phải thu thập, phân tích và xử lý hợp lý các thông tin về đầu mối được kiểm toán trước khi xây dựng KHKT của cuộc kiểm toán. Đồng thời đánh giá đúng đắn tính đầy đủ, hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán; xác định mức độ rủi ro kiểm toán làm cơ sở bổ sung hoặc loại bỏ các trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán so với trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán đã xác định, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của đầu mối được kiểm toán nhằm hạn chế tối đa sự dàn trải trong hoạt động kiểm toán; xây dựng mục tiêu, nội dung kiểm toán phù hợp để đạt được mục tiêu kiểm toán tổng quát của ngành; có phạm vi kiểm toán phù hợp với năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hiện có.
Ông Dũng cho biết, chất lượng công tác xây dựng KHKT của cuộc kiểm toán do các đoàn kiểm toán của các đơn vị thuộc KTNN thực hiện ngày càng được hoàn thiện. KHKT của đoàn kiểm toán đã chú trọng hơn vào các vấn đề trọng tâm (trọng yếu) của cuộc kiểm toán; bố trí nhân sự hợp lý, hài hòa giữa KTV có kinh nghiệm với đội ngũ KTV mới vào nghề để vừa làm vừa hướng dẫn, đào tạo; xác định các mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán phù hợp với thông tin đã thu thập nhằm đạt được mục tiêu kiểm toán chung của ngành… Song, công tác xây dựng KHKT của cuộc kiểm toán thời gian qua cũng còn một số hạn chế.
KHKT của cuộc kiểm toán do một số KTNN chuyên ngành, khu vực lập, nhất là ở các đợt kiểm toán từ đầu năm 2014 đến nay còn trường hợp chưa thu thập đủ thông tin cần thiết làm cơ sở xây dựng KHKT. Xác định trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán còn chung chung, xác định thiếu trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán, còn nhầm lẫn trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán với mục tiêu, nội dung kiểm toán; xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán chưa phù hợp với trọng tâm (trọng yếu) kiểm toán đã xác định và các thông tin thu thập được, còn thiếu hoặc chưa phù hợp với hướng dẫn chung của ngành; một số KHKT chưa xác định rõ phạm vi kiểm toán; việc bố trí nhân sự cho tổ, đoàn kiểm toán, thời gian kiểm toán của một số KHKT còn chưa phù hợp; chưa xác định phương pháp kiểm toán cụ thể cho các nội dung kiểm toán…
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán
Nguyên nhân của các hạn chế vừa nêu trên, theo ông Đào Văn Dũng, chủ yếu do các KTNN chuyên ngành, khu vực chưa có đội ngũ kiểm toán viên chuyên về công tác kế hoạch kiểm toán. Cán bộ làm công tác kế hoạch chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn. Lãnh đạo một số KTNN chuyên ngành, khu vực chưa quan tâm đúng mức đến bộ phận có chức năng, nhiệm vụ về công tác KHKT. Chưa có sự gắn kết theo hệ thống dọc giữa bộ phận làm công tác KHKT ở vụ tham mưu với bộ phận kế hoạch thuộc các KTNN chuyên ngành, khu vực. Mặt khác các quy định của ngành đối với công tác xây dựng KHKT năm và KHKT của cuộc kiểm toán đã bộc lộ một số bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. "Trong khi ngành chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về các đầu mối được kiểm toán phục vụ cho công tác KHKT, các KTNN chuyên ngành, khu vực lại chưa chú trọng bố trí nhân lực và thời gian hợp lý cho công tác khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT dẫn đến nhân lực, thời gian không đủ cho việc thu thập thông tin, phạm vi khảo sát bị thu hẹp, công tác phân tích, đánh giá rủi ro kiểm toán, xác định trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán chưa đạt yêu cầu; công tác thẩm định, xét duyệt KHKT ở cấp Vụ còn hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực của KHKT trình xét duyệt ở cấp ngành" - ông Dũng cho biết.
Để công tác xây dựng KHKT của ngành ngày càng hoàn thiện, chất lượng, hiệu lực của KHKT ngày càng cao, đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý hoạt động kiểm toán đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, ông Dũng đã đề xuất một số vấn đề trọng tâm:
Xây dựng, đào tạo để hình thành đội ngũ kiểm toán viên làm công tác KHKT chuyên nghiệp thuộc Phòng Tổng hợp của các KTNN chuyên ngành, khu vực, có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức này trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng KHKT.
Sớm hoàn thiện đưa vào hoạt động, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về các đầu mối được kiểm toán, do đây là một nhu cầu thiết yếu và là nhân tố quan trọng tác động lớn đến chất lượng, hiệu lực của KHKT.
Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định của ngành đối với công tác xây dựng các loại KHKT.
Tăng cường sự phối hợp, trao đổi theo hệ thống dọc giữa các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành của KTNN với các KTNN chuyên ngành, khu vực về công tác KHKT.
Nghiên cứu để vận dụng hiệu quả công tác phân tích rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán trong hoạt động xây dựng KHKT./.