Báo cáo công khai báo cáo kiểm toán năm 2005 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán nhà nước

25/03/2009
Xem cỡ chữ Google

Năm 2005, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán: báo cáo quyết toán ngân sách của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chiếm 28,3% số thu và 40,5% chi ngân sách địa phương); báo cáo quyết toán của 11 bộ, cơ quan trung ương (chiếm 22,4% chi ngân sách trung ương); báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004; ...

         BÁO CÁO CÔNG KHAI BÁO CÁO KIỂM TOÁN NĂM 2005

VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ KIỂM TOÁN

CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

 Năm 2005, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán: báo cáo quyết toán ngân sách của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chiếm 28,3% số thu và 40,5% chi ngân sách địa phương); báo cáo quyết toán của 11 bộ, cơ quan trung ương (chiếm 22,4% chi ngân sách trung ương); báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004; báo cáo quyết toán của 9 dự án, chương trình trọng điểm; báo cáo tài chính của 19 Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng; báo cáo tài chính của 24 đơn vị thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tài chính Đảng (phụ lục số 01).

Tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khoá XI đã phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2004. Căn cứ quy định tại Điều 58 Luật kiểm toán nhà nước, được sự  đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, KTNN công khai Báo cáo kiểm toán năm 2005 và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán như sau:

A- KẾT QUẢ KIỂM TOÁN

Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2005 đối với niên độ ngân sách năm 2004, KTNN đã phát hiện, kiến nghị tăng thu, giảm chi, đưa vào quản lý qua ngân sách 4.408 tỷ đồng, gồm:

- Tăng thu NSNN:
 789 tỷ đồng
 
- Giảm chi:
 708 tỷ đồng
 
- Đưa vào quản lý qua NSNN (Ghi thu - Ghi chi):
 2.164 tỷ đồng
 
- Kiến nghị xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ, ợ đọng thuế do KTNN xác định tăng thêm
  747 tỷ đồng
 

(Số liệu chi tiết theo nội dung các khoản thu, chi và đơn vị được kiểm toán tại các biểu số 02, 03, 04, 05 kèm theo)

I. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NSNN NĂM 2004

Kết quả kiểm toán năm 2005 cho thấy, công tác quản lý tài chính, ngân sách đã có những tiến bộ đáng kể:

(1) Nhìn chung chất lượng công tác quản lý tài chính tại các đơn vị được nâng cao hơn. Các đơn vị được kiểm toán đã có ý thức tuân thủ pháp luật trong quản lý tài chính, ngân sách. Các quy định của pháp luật về cơ bản đã được thực thi nghiêm hơn. Ngoài sự nỗ lực của các đơn vị được kiểm toán, có được kết quả này là do hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tác động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra…; sự tác động mạnh mẽ của dư luận, công chúng, các cơ quan truyền thông, báo chí.

(2) Chính sách chế độ quản lý tài chính, ngân sách đã đầy đủ, chặt chẽ hơn. Nhiều chính sách, chế độ ban hành đã đi vào thực tiễn. Công tác quản lý tài chính, ngân sách đã theo quy định của pháp luật. Tình trạng "xin - cho " đã được hạn chế nhiều nhờ cơ chế, chính sách mới rõ ràng và minh bạch hơn. Luật NSNN năm 2002 bắt đầu có hiệu lực từ năm ngân sách 2004 nhưng do chuẩn bị tốt nên không có sự lúng túng trong triển khai và thực thi luật, không có sự xáo trộn trong quản lý.

(3) Luật Kế toán ra đời và có hiệu lực đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành chế độ kế toán tại các đơn vị được kiểm toán. Sổ kế toán, chứng từ kế toán, hạch toán kế toán đã từng bước đi vào nề nếp.

(4) Các đơn vị được kiểm toán đã có ý thức trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

            Tuy nhiên một số bất cập, khuyết điểm, sai phạm xảy ra đã nhiều năm vẫn chưa có giải pháp để khắc phục một cách căn bản như: Dự toán nhiều địa phương lập và được giao chưa tích cực và sát thực tế; dự toán thu sự nghiệp thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước; các khoản để lại chi quản lý qua ngân sách tại các địa phương không được giao dự toán hoặc giao thấp hơn nhiều so với thực tế; chi hành chính ở nhiều địa phương vượt dự toán rất cao; vay đầu tư xây dựng cơ bản vượt mức quy định; sử dụng ngân sách cho vay, tạm ứng, chi hỗ trợ sai quy định; sử dụng dự phòng không đúng mục đích; ghi thu, ghi chi ngân sách các khoản thu để lại chi quản lý qua ngân sách không kịp thời, đầy đủ; sử dụng vượt thu không đúng thẩm quyền; hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn rất thấp, công tác xử lý nợ, giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; quản lý đầu tư XDCB còn nhiều bất cập, yếu kém ở cả 3 khâu: chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, quyết toán công trình đưa vào sử dụng; việc mua sắm, quản lý tài sản tại các ban quản lý dự án còn lỏng lẻo. Đặc biệt là năm 2005 KTNN phát hiện tình trạng nhiều lệnh phát sinh tại các Dự án đấu thầu không đúng thủ tục, không chấp hành các điều khoản thanh toán của hợp đồng (chỉ riêng tại Dự án Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh do PMU 18 làm chủ đầu tư, KTNN đã kiến nghị xuất toán và giảm trừ quyết toán gần 50 tỷ đồng, gần bằng 10% giá trị được kiểm toán). Việc sử dụng kinh phí các dự án, chương trình mục tiêu sai mục đích, sai nhiệm vụ chi còn diễn ra khá phổ biến.

Thể hiện trên các mặt như sau:

1. Về lập và giao dự toán ngân sách nhà nước

a. Lập và giao dự toán thu ngân sách nhà nước

Qua kết quả kiểm toán, công tác lập dự toán chưa có nhiều thay đổi so với các năm trước. Số ước thu năm 2003 để xây dựng dự toán thu 2004 chỉ bằng 87 % thực hiện năm 2003. Do đó, mặc dù dự toán thu 2004 tăng 12,6% so với ước thực hiện 2003, nhưng chỉ bằng 98% thực hiện năm 2003. Nếu tính riêng thu nội địa thì dự toán thu từ khu vực quốc doanh bằng 117,2%, thu lĩnh vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng 122,6% và thu ngoài quốc doanh bằng 115,2% so thực hiện 2003. 9/30 tỉnh dự toán Trung ương giao cao hơn 10% so thực hiện 2003. Tuy nhiên 9/30 tỉnh dự toán giao thấp hơn thực hiện 2003, cá biệt có 2 tỉnh dự toán Trung ương giao chỉ bằng 55% đến 60%. 

Đối với các khoản thu để lại chi quản lý qua ngân sách: Nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng đúng mức công tác dự toán khoản thu này: 17/30 tỉnh được kiểm toán không giao dự toán, 13 tỉnh có giao dự toán nhưng phổ biến chỉ bằng 40 đến 60% thực hiện 2003.

Đối với các khoản thu sự nghiệp tại các bộ: dự toán thu Trung ương giao cho một số bộ thấp hơn nhiều so với thực hiện 2003 (Bộ Văn hoá-Thông tin bằng 34,6%), nên thực hiện năm 2004 vượt nhiều lần so với dự toán (Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện vượt 2, 8 lần; Bộ Tài nguyên và Môi trường vượt 2, 5 lần; Bộ Văn hoá- Thông tin vượt 12 lần).

b. Lập và giao dự toán chi ngân sách nhà nước

Nhiều địa phương đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, dành một phần vốn đầu tư năm ngân sách 2004 để thanh toán nợ đọng XDCB từ trước năm 2003.

            Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ vốn đầu tư theo đúng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, cơ bản đã bố trí đúng mục tiêu, cơ cấu ngành và cơ cấu nguồn vốn được giao. Tại một số bộ, địa phương không phân bổ hết vốn ngay từ đầu năm, để lại phân bổ nhiều lần trong năm không đúng quy định của Luật NSNN, trong đó chi đầu tư 79, 8 tỷ đồng (Quảng Bình 42, 5 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 32, 5 tỷ đồng), chi thường xuyên 418 tỷ đồng (Bộ NN &PTNT 212, 9 tỷ đồng, Tỉnh Nghệ An 130 tỷ đồng...).

Một số địa phương phân bổ và giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo; sự nghiệp khoa học và công nghệ thấp hơn dự toán Trung ương giao, không đúng quy định tại Thông tư số 114/2003/TT-BTC ngày 28/11/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện dự toán ngân sách 2004, số tiền 64, 6 tỷ đồng (Lai Châu 23, 8 tỷ đồng; Tuyên Quang 18, 7 tỷ đồng...).

Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định dự toán ngân sách địa phương bội chi 155, 4 tỷ đồng, nên phải vay để bù đắp thiếu hụt chi thường xuyên, chưa hoàn trả hết, còn nợ đến cuối năm là 74 tỷ đồng.

2. Về chấp hành ngân sách nhà nước

2.1. Chấp hành thu ngân sách nhà nước

2.1.1. Kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước

Kết quả thu NSNN đạt 125,5% so với dự toán, tăng 23% so với thực hiện năm 2003. Thu NSNN tăng lớn nhưng chủ yếu vẫn là tăng thu từ dầu thô và đất; nếu không kể các khoản tăng thu này thì thu NSNN năm 2004 chỉ tăng 5% so với dự toán. Cơ cấu nguồn thu NSNN chưa bền vững, vẫn phụ thuộc nhiều vào thu từ dầu thô và hàng hóa nhập khẩu (chiếm 43,6% tổng thu NSNN).

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều vượt dự toán thu và tăng so với thực hiện năm 2003. Thu ngân sách vượt cao so với dự toán là do kết quả nỗ lực trong quản lý điều hành ngân sách của Chính phủ, các cấp, các ngành, ngoài ra còn do yếu tố lập và giao dự toán chưa tích cực như đã nêu ở trên.

Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 95,5% so với dự toán, đây là năm thứ hai liên tiếp không đạt dự toán. Một trong những nguyên nhân là hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thấp, tình hình tài chính rất khó khăn, thua lỗ kéo dài: 4/19 (21%) doanh nghiệp được kiểm toán trong năm 2004 lỗ 124 tỷ đồng; 11/19 (58%) doanh nghiệp có lỗ luỹ kế đến 31/12/2004 lên tới 1.058 tỷ đồng.

2.1.2. Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước

Về thuế GTGT, KTNN đã phát hiện, kiến nghị tăng thu 131, 2 tỷ đồng (riêng Tổng công ty Công nghiệp Tầu thuỷ Việt Nam 63, 9 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng thu là do doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh luật thuế, kê khai sai thuế suất thuế GTGT, hạch toán giấu doanh thu chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế đầu vào không đúng quy định.

            Về thuế thu nhập doanh nghiệp, KTNN đã phát hiện và kiến nghị tăng thu 187, 7 tỷ đồng. Các đơn vị có số kiến nghị tăng thu lớn là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị 33, 3 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn 9 tỷ đồng. Sai phạm phổ biến là doanh nghiệp hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập; hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ.

Quản lý thu doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện theo luật định. Tuy nhiên chất lượng công tác kiểm tra hồ sơ thuế bước 1 (kiểm tra tại cơ quan thuế) còn hạn chế, kết quả kiểm toán hồ sơ thuế tại cơ quan thuế của 112 doanh nghiệp ở 07 tỉnh, kiểm toán xác định số thuế phải nộp tăng thêm 8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp áp dụng sai thuế suất thuế GTGT, hạch toán thiếu doanh thu, kê khai không đủ thuế GTGT đầu ra, hạch toán các khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ.

Về nợ đọng thuế nội địa: Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số nợ đọng thuế đến 31/12/2004 là 4.314 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu hồi 1.421 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 902 tỷ. Công tác quản lý nợ đọng thuế tại các địa phương được kiểm toán còn một số tồn tại:

- Một số cơ quan thuế không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc áp dụng triệt để các hình thức xử phạt theo luật định đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc nộp thuế, để thu hồi nợ đọng, mặc dù nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế có đủ khả năng nộp thuế, như tại Kiên  Giang, An Giang, Lạng Sơn...

- Một số cơ quan thuế cập nhật, điều chỉnh không kịp thời nợ đọng thuế theo số phát sinh thực tế từ kết quả kiểm tra quyết toán thuế, nên báo cáo nợ đọng thuế thường thiếu chính xác, thấp hơn thực tế. Tại 8/30 tỉnh kiểm toán xác định nợ đọng thuế tăng hơn số cơ quan thuế báo cáo là 433, 3 tỷ đồng (Đồng Tháp 117, 7 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 87, 6 tỷ đồng...).

- Một số doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhưng chưa tự giác kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; số nộp chỉ bằng 30% đến 55% số thực tế phát sinh phải nộp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ đọng ngân sách của các doanh nghiệp lớn, như Đồng Tháp 03 doanh nghiệp nợ 152 tỷ đồng.

  Nợ đọng thuế xuất nhập khẩu: Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan số nợ đọng thuế hải quan quá hạn đến 31/12/2004 là 5.542 tỷ đồng (nợ chuyên thu 3.195 tỷ đồng, nợ tạm thu 2.347 tỷ đồng). Trong số nợ chuyên thu có nợ của các doanh nghiệp không có địa chỉ 173 tỷ đồng,  nợ của các doanh nghiệp theo chính sách nội địa hoá xe máy 1.032 tỷ đồng kéo dài nhiều năm chưa xử lý xong... 

Về thu sự nghiệp: Một số đơn vị chưa phản ánh tăng kinh phí hoạt động từ nguồn thu sự nghiệp được để lại chi theo chế độ 108 tỷ đồng, trong đó Bộ Ngoại giao 38, 2 tỷ đồng; một số đơn vị Bộ Quốc phòng 31, 6 tỷ đồng; Bộ Văn hoá- Thông tin 19, 8 tỷ đồng.

2.2. Về chấp hành chi ngân sách nhà nước

2.2.1. Kết quả thực hiện dự toán chi NSNN

 a, Đối với chi đầu tư phát triển

Thực hiện đạt 117% so với dự toán, chiếm 29,7% tổng số chi ngân sách; nguyên nhân chính vượt dự toán cao là do trong năm đã bổ sung từ nguồn vượt thu. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện đạt và vượt dự toán, một số tỉnh vượt cao so với dự toán là Hải Dương vượt 103,9%, Lạng Sơn vượt 88,7%, Sơn La vượt 52,9%.

b, Đối với chi thường xuyên

Thực hiện đạt 116,7% so với dự toán. Chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt 33,5% dự toán; trong khi các bộ, cơ quan trung ương không vượt dự toán, thì hầu hết các địa phương đều vượt dự toán; một số địa phương vượt dự toán rất cao, như Vĩnh Phúc vượt 114,9%, Hải Dương 50%, Ninh Thuận 55%; Khánh Hoà 51,7%.

Chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể năm 2004 chiếm 7,5% tổng chi NSNN, tăng so với các năm trước. Nguyên nhân cơ bản là khoản phụ cấp cho cán bộ xã từ năm 2004 chuyển thành lương công chức và do một số địa phương sử dụng dự phòng ngân sách chi cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách, vượt thu và chi vượt tiêu chuẩn, định mức về mua sắm, hội nghị, khánh tiết v.v...

2.2.2. Công tác quản lý chi NSNN2

2.2.2.1. Về chi đầu tư phát triển

a. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư

Tại hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các dự án XDCB được kiểm toán tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải của các năm trước vẫn chưa được khắc phục. Nhiều dự án nhóm B, nhóm C bố trí kế hoạch vốn quá thời gian quy định (Tiền Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ,...). Bộ Giao thông Vận tải có 196 dự án nhóm B, C phải kéo dài thời gian so với quy định, đặc biệt có dự án nhóm B kéo dài 23 năm (Dự án Đại học Hàng hải), dự án nhóm C kéo dài 17 năm (Dự án nâng cấp, cải tạo Trường đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành giao thông); tỉnh Lai Châu có 21 dự án nhóm C thời gian đầu tư kéo dài quá 02 năm với tổng mức đầu tư là 142 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng đầu tư dàn trải, thời gian thi công kéo dài là do:

+ Công tác kế hoạch vốn đầu tư: Tại một số địa phương, đơn vị được kiểm toán còn xảy ra tình trạng ghi kế hoạch vốn cho nhiều dự án không đủ điều kiện đầu tư theo quy định. Tỉnh Lạng Sơn có 24/26 dự án (chiếm 92%) không có đủ thủ tục theo quy định, ...

+ Quyết định đầu tư vượt quá khả năng về nguồn vốn, dẫn đến tình trạng không bố trí được đủ nguồn vốn cho các dự án đã được quyết định đầu tư. Điển hình như tỉnh Lạng Sơn quyết định đầu tư với tổng mức 2.334 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư chỉ bố trí được 271, 5 tỷ đồng, bằng 11,6% tổng mức đầu tư trong năm đã quyết định. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các tỉnh được kiểm toán, như: Tiền Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ,...

+ Công tác thẩm định và phê duyệt dự toán không phát hiện được các sai sót trong quá trình khảo sát, thiết kế và lập dự toán nên hầu hết các dự án được kiểm toán phải bổ sung, thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự toán. Cá biệt một số trường hợp không thực hiện thẩm định dự toán theo quy định; phê duyệt dự toán sau khi gói thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu; phê duyệt dự toán khối lượng phát sinh không kịp thời, thực chất là hợp pháp hóa hồ sơ pháp lý gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng.

b. Giai đoạn thực hiện đầu tư

- Công tác đấu thầu

Hầu hết các đơn vị được kiểm toán có tình trạng vi phạm quy chế đấu thầu hoặc thực hiện không tốt công tác đấu thầu, như: không tổ chức đấu thầu đầy đủ theo quy định, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; tổ chức đấu thầu hạn chế thiếu cơ sở pháp lý; xác định khối lượng mời thầu không chính xác. Cá biệt có trường hợp nhà thầu không đủ năng lực vẫn trúng thầu dẫn tới phải bổ sung nhà thầu phụ; mở thầu, chấm thầu mang tính hình thức; xét thầu không khách quan, kết quả đấu thầu không hợp pháp.

Tại một số đơn vị được kiểm toán như tỉnh Sơn La, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Thủy sản, một số gói thầu xây lắp thuộc diện phải đấu thầu nhưng đơn vị không tổ chức đấu thầu mà chọn thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu. Dự án đường Chiềng Ngần, tỉnh Sơn La có giá trị xây lắp là 238, 8 tỷ đồng nhưng đơn vị thực hiện chỉ định thầu và giá trị chỉ định thầu cao hơn giá trị trong quyết định phê duyệt dự án là 18, 8 tỷ đồng. Một số nhà thầu được chọn qua đấu thầu không đủ năng lực (Bộ GTVT), dẫn tới phải bổ sung nhà thầu phụ như Dự án Nghĩa Lộ -Vách Kim phải bổ sung 5 nhà thầu phụ tại gói thầu số 7 và bổ sung 3 nhà thầu phụ tại gói thầu số 2.

Công tác mở thầu, chấm thầu tại một số dự án chỉ mang tính hình thức. Dự án Trung tâm Chiếu phim quốc gia giai đoạn II (Bộ Văn hoá- Thông tin) đã không xem xét, điều chỉnh những khối lượng và đơn giá nhà thầu áp dụng không đúng chế độ, giá trị nhà thầu tính không đúng quy định trong hồ sơ trúng thầu là 10, 6 tỷ đồng. Một số dự án (Bộ Thuỷ sản) không đảm bảo đủ số lượng nhà thầu tham dự, cá biệt gói thầu phần thân nhà làm việc và giảng đường 5 tầng Trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Thủy sản II có 5 nhà thầu gửi hồ sơ, nhưng khi mở thầu thì chỉ có 1 nhà thầu tham dự và cũng là đơn vị trúng thầu. Đặc biệt, hạng mục san nền, xây tường chắn đất của gói thầu số 4 công trình Trung tâm Quốc gia giống hải sản nước ngọt Miền Bắc thi công xong mới tổ chức đấu thầu gây lãng phí kinh phí tổ chức đấu thầu và không sử dụng được kết quả đấu thầu để thanh, quyết toán.

Tình trạng thỏa thuận, dàn xếp kết quả đấu thầu, có dấu hiệu thông thầu giữa các nhà thầu. Tại tỉnh Đồng Tháp, hồ sơ dự thầu gói thầu ký túc xá Trường dạy nghề tỉnh giai đoạn II, gói thầu san lấp mặt bằng thuộc Dự án Nghĩa địa nhân dân Tân Kiều huyện Tháp Mười và gói thầu đường Cái Dâu - Xếp Bà Vại huyện Lấp Vò (của các nhà thầu) tại mỗi gói thầu có nhiều tài liệu giống nhau hoàn toàn về hình thức, nội dung, câu chữ, kiểu chữ và các lỗi chính tả; tổ chuyên gia xét thầu đề nghị hủy bỏ kết quả đấu thầu gói thầu ký túc xá Trường dạy nghề tỉnh giai đoạn II để đấu thầu lại nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu.

- Công tác nghiệm thu, thanh quyết toán chưa tốt

Tại hầu hết các dự án, công trình và chương trình được kiểm toán, giá trị khối lượng nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu đều phải giảm trừ: sai sót phổ biến là thanh toán trùng khối lượng, tổng hợp sai khối lượng; một số dự án, công trình thiếu biên bản nghiệm thu hiện trường giữa tư vấn giám sát và nhà thầu xây lắp; cá biệt có hiện tượng nhà thầu chưa thi công xong đơn vị đã tiến hành nghiệm thu khối lượng hoàn thành (nghiệm thu theo thiết kế).

- Sử dụng vốn đầu tư không đúng mục đích, sai nhiệm vụ

Bộ Giao thông Vận tải sử dụng vốn đầu tư XDCB giao thông để đầu tư cho các ban quản lý dự án, các công ty quản lý và sửa chữa đường bộ xây trụ sở, mua ô tô, thiết bị điều hành dự án: 143, 6 tỷ đồng.

Chương trình kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2002 -2004 sử dụng vốn không đúng mục tiêu 167, 8 tỷ đồng, trong đó đầu tư sai danh mục 102, 6 tỷ đồng, đầu tư cho các hạng mục không phải là phòng học 65 tỷ đồng.

Chương trình 135 tại 4 tỉnh (Thanh Hoá, Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Lắk) sử dụng vốn sai mục đích 7, 5 tỷ đồng; kế hoạch phân bổ vốn không đúng đối tượng 14, 2 tỷ đồng.

Tỉnh Lạng Sơn sử dụng vốn đầu tư XDCB không đúng mục đích 54, 55 tỷ đồng (vốn Chương trình kiên cố hoá trường lớp học 8, 5 tỷ đồng, nguồn vốn hạ tầng kinh tế cửa khẩu 38 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ 8 tỷ đồng);

Tỉnh Lâm Đồng phân bổ nguồn vốn từ đất không đúng quy định tại Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 12/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ cho các dự án nhà làm việc các huyện, nhà ăn, nhà khách UBND, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức 15, 4 tỷ đồng.

Về vay đầu tư xây dựng cơ bản: Hầu hết các tỉnh được kiểm toán đã thực hiện đúng quy định của Luật NSNN về trình tự, thủ tục và mức dư nợ vốn vay đầu tư xây dựng cơ bản, dư nợ vốn vay của 24 tỉnh là 5.291 tỷ đồng. Tuy nhiên 5/30 tỉnh vẫn để phát sinh nợ sai luật định, dư nợ vốn vay lớn hơn mức 30% như quy định của Luật NSNN. Vay đầu tư xây dựng cơ bản có xu hướng gia tăng, năm 2004 là 7.289 tỷ đồng tăng 42,9% (7.289/5.099) so với năm 2003, chưa kể 2.213 tỷ đồng chưa được các địa phương đưa vào quyết toán ngân sách.

Đối với nợ khối lượng xây dựng cơ bản: Ngoài số dư vay nợ xây dựng cơ bản nêu trên, hầu hết các tỉnh đều có phát sinh nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản. Mặc dù năm 2004 các địa phương đã bố trí dự toán 1.980 tỷ đồng để trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nhưng theo số báo cáo của 19 tỉnh được kiểm toán, số nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản vẫn là 2.812 tỷ đồng. Những địa phương có số nợ lớn là Nghệ An 485 tỷ đồng, Nam Định 366 tỷ đồng, Quảng Bình 374 tỷ đồng, Bình Thuận 299 tỷ đồng.

c. Quyết toán vốn đầu tư

Tình trạng quyết toán vốn đầu tư chậm diễn ra tại hầu hết các đơn vị được kiểm toán, cá biệt có trường hợp dự án hoàn thành từ trước năm 1992 nhưng vẫn chưa được quyết toán: tỉnh Đồng Tháp, tại thời điểm 31/12/2004 có 1.761 dự án, tổng số tiền 925 tỷ đồng đã hoàn thành nhưng chưa lập xong báo cáo quyết toán; tỉnh Lạng Sơn có 64 dự án, số tiền 166 tỷ đồng chưa lập báo cáo quyết toán, trong đó có nhiều dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 1992; Bộ Giao thông – Vận tải chỉ có 56/226 dự án, hạng mục công việc hoàn thành được phê duyệt quyết toán, trong đó 82 dự án hoàn thành đã lập xong quyết toán nhưng chưa được phê duyệt...

2.2.2.2. Về chi thường xuyên

Về chấp hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi thường xuyên: Tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị được kiểm toán. Các vi phạm chủ yếu là đơn vị tự đặt ra chế độ chi tiêu như tham quan, phúc lợi; chi hội nghị, công tác phí vượt định mức; đặc biệt Trung tâm điều hành bay thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã chi sai chế độ là 1, 9 tỷ đồng cho 20 người không phải là cán bộ của đơn vị đi học nước ngoài.

Về chi hỗ trợ và chi khác: Tình trạng chi hỗ trợ không đúng chế độ, không thuộc nhiệm vụ chi, không có trong dự toán vẫn tiếp tục diễn ra khá phổ biến tại 16 tỉnh được kiểm toán, số tiền 54, 3 tỷ đồng.

2.2.2.3. Các khoản chi khác

Sử dụng dự phòng ngân sáchS: Tại 20/30 tỉnh được kiểm toán còn sử dụng dự phòng ngân sách chưa phù hợp với quy định tại Điều 18 mục IV Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính là 181 tỷ đồng, chiếm 39% tổng số tiền dự phòng; trong đó sử dụng chi cho những nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách 145 tỷ đồng, chi mua ô tô 19, 5 tỷ đồng, xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản 15, 8 tỷ đồng (Nghệ An 34, 8 tỷ đồng, Đà Nẵng 24 tỷ đồng, Gia Lai 19 tỷ đồng, Trà Vinh 18 tỷ đồng...).

Về sử dụng kinh phí ngân sách cho vay, tạm ứng: Khoản 4, Điều 8 Luật NSNN quy định "Nghiêm cấm các trường hợp vay, cho vay và sử dụng ngân sách nhà nước trái với quy định của pháp luật". Tuy nhiên 17/30 tỉnh được kiểm toán đã sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng không đúng luật, với số dư nợ đến 31/12/2004 là 1.877 tỷ đồng, trong đó cho doanh nghiệp nhà nước vay 98, 7 tỷ đồng. Một số đơn vị có số cho vay, tạm ứng không đúng quy định lớn (Bình Thuận 602 tỷ đồng, Kiên Giang 285 tỷ đồng, Đà Nẵng 157 tỷ đồng...)

Đối với sử dụng nguồn thu vượt dự toán: Việc sử dụng tăng thu của ngân sách trung ương năm 2004 là 6.029 tỷ đồng, cơ bản đúng mục đích quy định. Tuy nhiên một số tỉnh được kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật NSNN, sử dụng nguồn vượt thu (tại 11 tỉnh được kiểm toán là 1.459 tỷ đồng) không có văn bản thống nhất ý kiến của Thường trực HĐND.

2.2.2.4. Về thực hiện chế độ tự chủ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu

             Qua kiểm toán cho thấy, việc triển khai chế độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp có thu đã được 3 năm, song nhìn chung còn rất nhiều lúng túng, nhiều đơn vị sự nghiệp chưa xây dựng được phương án tự chủ tài chính hoặc có phương án nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc được phê duyệt nhưng lại không xác định cụ thể số kinh phí ngân sách nhà nước cấp, số thu đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm, cũng như thời gian ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động ổn định. Một số đơn vị không đủ điều kiện tự chủ tài chính, không có nguồn thu hoặc nguồn thu không ổn định, nhưng vẫn được giao nhiệm vụ tự chủ tài chính nên không có khả năng thực hiện. Nhiều đơn vị sự nghiệp chưa tổng hợp đầy đủ doanh thu và chi phí vào báo cáo tài chính, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

2.3. Về quản lý và sử dụng vốn vay ODA

Việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA hiệu quả chưa cao, cơ chế quản lý còn nhiều vướng mắc. Văn bản pháp lý cao nhất về quản lý và sử dụng vốn ODA hiện nay là Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ, nhưng thực thi Nghị định này chưa triệt để. Công tác theo dõi vốn ODA chủ yếu tập trung vào báo cáo tiến độ, tình hình thực hiện để đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ nhằm giải ngân dự án; chưa chú trọng khâu thẩm định hiệu quả dự án, thiếu kiểm tra quá trình thực hiện dự án; các ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA được giao nhiều quyền, nhưng không xác định rõ ràng trách nhiệm …  đã gây thất thoát, lãng phí đối với nguồn vốn ODA, đến chất lượng các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn này.

            II. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Kết quả kiểm toán cho thấy về cơ bản các doanh nghiệp nhà nước chấp hành quy chế quản lý tài chính, kế toán, từng bước đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thực hiện chủ trương sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn còn rất ít, nhiều doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp hoặc thua lỗ; công tác quản lý kinh tế - tài chính và kế toán còn nhiều tồn tại:

(1) Báo cáo tài chính của nhiều đơn vị được kiểm toán phản ánh chưa đúng, có trường hợp phản ánh sai lệch tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của 19 Tổng công ty, công ty được kiểm toán xác định tăng thêm 190, 8 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có sai lệch lớn là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị: 35, 3 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam: 68, 8 tỷ đồng, Tổng công ty Giấy Việt Nam: 13, 3 tỷ đồng,... 

            (2) Hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện việc đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản phải thu, phải trả, hạch toán còn nhiều sai sót; nhiều khoản nợ phải thu tồn đọng từ nhiều năm không được thu hồi hoặc xử lý dứt điểm, chưa thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định. Kết quả kiểm toán cho thấy số nợ khó đòi lớn là do một số doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo, thực hiện không nghiêm túc chế độ tạm ứng, thanh toán theo quy định. Tại thời điểm 31/12/2004 một số doanh nghiệp có số nợ phải thu khó đòi lớn mà chưa có các giải pháp khắc phục hữu hiệu là: Tổng công ty Lương thực miền Nam: 156, 4 tỷ đồng, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam: 101 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam: 46, 7 tỷ đồng, Tổng công ty Giấy Việt Nam: 36, 7 tỷ đồng...

(3) Quản lý vật tư, hàng hoá tại một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chưa xây dựng đầy đủ định mức tiêu hao vật tư, không thực hiện kiểm kê hàng tồn kho cuối năm theo quy định nhất là tại các doanh nghiệp xây lắp; xác định chi phí sản xuất kinh doanh dở dang không hợp lý, làm sai lệch kết quả sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp xây lắp thực hiện cơ chế khoán gọn cho các xí nghiệp và đội thi công nhưng không quản lý chặt chẽ nguyên vật liệu tại công trình để bảo đảm hạch toán đúng và đủ chi phí. Tại một số doanh nghiệp vật tư, phế liệu thu hồi không được theo dõi và hạch toán đầy đủ, nguyên vật liệu, hàng hoá tồn đọng mất, kém phẩm chất chưa được xử lý kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

(4) Hạch toán sai nguyên giá tài sản cố định, trích khấu hao không đúng chế độ. Các doanh nghiệp xây lắp, một mặt chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư tài sản cố định, một mặt do gặp khó khăn về vốn đầu tư nên cơ cấu tài sản cố định và đầu tư dài hạn trên tổng tài sản còn thấp thường chỉ đạt từ 11%-30% chưa đảm bảo tốt năng lực sản xuất kinh doanh. Hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, tài sản cố định ở một số doanh nghiệp thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh  (Tổng công ty Dệt may hiệu suất sử dụng tài sản cố định toàn Tổng công ty chỉ đạt 80%, một số đơn vị thành viên chỉ đạt 50%-60%).

Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong quá trình thực hiện đầu tư, như chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu khi mua sắm thiết bị, tài sản (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Công ty đường bộ 471 thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4); thực hiện thi công khi chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền (Dự án tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân, Dự án Mỹ Đình do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện); sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn (Công ty Lợn giống miền Bắc thuộc Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam).

Việc đầu tư của nhiều dự án ở một số đơn vị tính toán thiếu thận trọng, sử dụng nguồn vốn đầu tư không hợp lý, tiến độ thực hiện chậm, hiệu quả đầu tư thấp, tài sản, công trình chậm phát huy tác dụng gây khó khăn lớn về tài chính (Dự án sản xuất thịt đông lạnh, Dự án trồng cây ăn quả đặc sản, Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi do Tổng công ty Chăn nuôi thực hiện; một số dự án của Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1; Đầu tư dây chuyền giấy Kraft của Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ, Dây chuyền giấy Duplex của Công ty Giấy Việt Trì thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam).

(5) Các doanh nghiệp chấp hành chưa đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, tỷ trọng nợ đọng NSNN đến 31/12/2004 của các doanh nghiệp khá lớn, nhất là các doanh nghiệp xây lắp.

(6) Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí thua lỗ kéo dài, 4/19 (21%) đơn vị được kiểm toán kinh doanh thua lỗ trong năm 2004 với tổng số lỗ là 124 tỷ đồng; 11/19 (58%) đơn vị có lỗ luỹ kế với tổng lỗ luỹ kế đến 31/12/2004 lên tới 1.058 tỷ đồng. Những doanh nghiệp có số lỗ luỹ kế lớn là Tổng công ty Dệt may Việt nam là 328 tỷ đồng, Tổng công ty Giấy Việt Nam là 199 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam là 183 tỷ đồng... Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp được kiểm toán rất thấp (Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 là 0,18%, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ là 0,42%, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 là 0,45%, Tổng công ty Dệt may Việt Nam là 0,8%).

Tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp thấp (chỉ chiếm 18%), nhất là doanh nghiệp xây lắp, như Tổng công ty Xây dựng 4: 4,6%, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 4: 5,8%. Tại thời điểm 31/12/2004, tổng các khoản nợ phải thu của 16 doanh nghiệp là 21.408 tỷ đồng chiếm 36,48% tổng tài sản và bằng 2, 66 lần nguồn vốn kinh doanh, tổng số nợ phải trả là 47.005 tỷ đồng chiếm 80,04% tổng nguồn vốn. Khả năng thanh toán của nhiều doanh nhiệp tại thời điểm 31/12/2004 không đảm bảo, như Tổng công ty Công trình giao thông 4, Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng, 6 đơn vị thành viên của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, 7 đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội...

            B. KIẾN NGHỊ         

Căn cứ báo cáo quyết toán NSNN năm 2004 của Chính phủ trình, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, báo cáo kiểm toán của KTNN, Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2004 tại Nghị quyết số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 và giao Chính phủ tiếp thu và xử lý các kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội nêu trong báo cáo thẩm tra số 2553/UBKTNS ngày 8 tháng 5 năm 2006, của Kiểm toán Nhà nước nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004 số 84/BC-KTNN ngày 21 tháng 4 năm 2006.

Các kiến nghị của KTNN gồm:

(1) Chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của KTNN đã nêu trong các báo cáo kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã phát hiện trong kiểm toán, nhất là việc sử dụng vốn sai mục đích, sai nhiệm vụ chi tại Bộ Giao thông Vận tải, chương trình kiên cố hoá trường lớp học, chương trình 135... đồng thời bố trí vốn để hoàn trả cho các chương trình mục tiêu theo kiến nghị của KTNN.

(2) Đổi mới, hoàn thiện công tác lập dự toán ngân sách nhà nước theo hướng xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân bổ ngân sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi ngân sách; nâng cao chất lượng công tác dự báo, kiểm soát chặt chẽ việc ước thu hàng năm làm căn cứ lập dự toán thu ngân sách nhà nước; đưa vào dự toán cân đối NSNN hàng năm các khoản chi từ trái phiếu Chính phủ, toàn bộ thu về dầu thô, kể cả số đầu tư trở lại cho ngành dầu khí từ lợi nhuận sau thuế được chia từ liên doanh dầu khí Việt -Xô, các khoản chi từ nguồn thu để lại cho ngành Thuế, Hải quan theo cơ chế khoán chi; giao đầy đủ dự toán các khoản ghi thu - ghi chi của cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; từ năm ngân sách 2005 trở đi số thu để lại cho ngành Thuế cần phải khấu trừ vào tổng số thu nội địa cho đúng bản chất kinh tế, không khấu trừ vào tổng thu xuất nhập khẩu như hiện nay. Đồng thời đề nghị UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ sớm có quy định cơ chế tham gia của KTNN trong quá trình lập Dự toán NSNN để thực hiện nhiệm vụ của KTNN theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Luật KTNN.

(3) Tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp có thu; các quy định cơ chế khoán chi của các ngành Thuế, Hải quan, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, ... đảm bảo phát huy quyền tự chủ tài chính thực sự của các đơn vị sự nghiệp, giảm phần cấp phát của NSNN, tạo điều kiện để giải quyết tiền lương cho khu vực quản lý hành chính, đảm bảo phù hợp cân đối thu nhập giữa các khu vực; chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp tích cực trong các khâu lập dự toán, chấp hành ngân sách, kế toán, quyết toán kinh phí khoán của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, đảm bảo sử dụng ngân sách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá ngành Thuế, Hải quan, không để số dư tồn đọng lớn như hiện nay.

(4) Cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước; xem xét đánh giá hiệu quả, tác động của Tổng công ty mua bán nợ đối với giải quyết nợ tồn đọng ở các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc thực hiện Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính cần kiểm tra, rà soát mô hình tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính và việc thực hiện chế độ tài chính – kế toán ở các Ban điều hành dự án thuộc các Tổng công ty xây dựng để ngăn ngừa các tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

(5) Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chế độ quản lý tài chính, tài sản ở các Ban quản lý dự án ở các bộ, ngành, địa phương (kể cả quản lý sử dụng vốn ODA và vốn từ NSNN); kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp, hợp lệ các lệnh phát sinh đối với các Dự án đấu thầu và việc thanh toán theo các điều khoản của hợp đồng đối với các lệnh phát sinh này, tăng cường trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước trong kiểm soát chi đối với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn, kinh phí đúng mục đích, đúng nhiệm vụ chi và tuân thủ các quy định của pháp luật.

(6) Có biện pháp cương quyết và đồng bộ trong xử lý các khoản nợ đọng thuế, xử lý dứt điểm số tiền 1.032 tỷ đồng nợ thuế của các doanh nghiệp theo chính sách nội địa hoá xe máy kéo dài nhiều năm.

(7) Sửa đổi, bổ sung các quyết định số 1637/QĐ-TTg ngày 31/12/2001 về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Quyết định số 204/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về cấp phát, quản lý, thanh toán quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản; Thông tư số 27/1999/TT-BTC ngày 10/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Cụm cảng Hàng không, Thông tư số 121/1999/TT-BTC ngày 11/10/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 36/1998/TT-BTC ngày 21/3/1998 hướng dẫn chế độ tài chính đối với Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam, Quyết định số 116/1999/TT-BTC ngày 20/9/1999 của Bộ Tài chính ban hành mức thu lệ phí quản lý nhà nước về Hàng không, Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Thuế GTGT và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Thông tư số 134/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí áp dụng tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài; huỷ bỏ Quyết định số 1320/1998/QĐ-UB ngày 23/9/1998 và Quyết định số 752/QĐ-UB-TM ngày 29/5/2000 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định về phụ thu sản phẩm Titan, Quyết định số 56/QĐ-UB ngày 16/01/2004 và Quyết định số 993/QĐ-UB ngày 19/3/2004 của UBND tỉnh Cao Bằng về phụ thu quặng xuất khẩu cho phù hợp với quy định của Luật NSNN 2002 (có danh mục, nội dung cần sửa đổi tại phụ lục số 06).

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi hệ thống mẫu biểu dự toán, báo cáo quyết toán thu, chi NSNN, phương pháp xác định các chỉ tiêu thu, chi và tổ chức thực hiện một cách nhất quán giữa các cấp ngân sách, các niên độ ngân sách phù hợp với hệ thống chỉ tiêu trình Chính phủ và Quốc hội; quy định cụ thể các khoản thu trong cân đối, ngoài cân đối phải quản lý qua ngân sách cho từng cấp ngân sách, đồng thời quy định và thực hiện các chế tài đối với các hành vi cố ý không thực hiện quản lý qua NSNN đối với các khoản thu theo quy định.

(8) Quy định cụ thể, chi tiết một số nội dung chi từ dự phòng ngân sách cho các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách.

(9) Cần quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm Luật NSNN quy định tại điều 73 Luật NSNN để có căn cứ xử lý các sai phạm.

C. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾT LUẬN,  KIẾN NGHỊ CỦA KTNN

            Trong những năm gần đây, nhất là sau khi có Luật kiểm toán nhà nước, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được các đơn vị quan tâm hơn. Đáng chú ý là ngay sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương đã có công văn đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của KTNN. Bộ Tài chính thường xuyên có công văn yêu cầu các đơn vị được kiểm toán báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; có trường hợp đã trừ trực tiếp dự toán ngân sách cấp cho đơn vị. Điều đó đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo điều kiện rất tốt và nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị của KTNN. Về phía KTNN, việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị được tổ chức thực hiện thường xuyên, nề nếp; kết hợp giữa 2 hình thức chủ yếu: yêu cầu đơn vị được kểm toán báo cáo bằng văn bản; và tổ chức kiểm tra tại đơn vị. Kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, nhiều đơn vị được kiểm toán đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các kiến nghị và kết luận của KTNN, xử lý về tài chính và thực hiện các giải pháp khắc phục những sai phạm. Số liệu về tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN đã được Bộ Tài chính, KTNN báo cáo Quốc hội:

            - Thực hiện kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN năm 2003: các đơn vị đã thực hiện được 98% tổng số kiến nghị (3.240 tỷ đồng /3.307 tỷ đồng); trong đó các địa phương thực hiện đạt 99,2%, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện đạt 98,6%, các doanh nghiệp thực hiện đạt 100%.

            - Việc thực hiện kiến nghị của KTNN đã được xử lý trong quá trình lập báo cáo quyết toán NSNN các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, báo cáo quyết toán NSNN năm 2004 với 63,4% số kiến nghị được thực hiện./.

                                                                            KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

 

Xem thêm »