Một số ý kiến về kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

05/05/2011
Xem cỡ chữ Google

TS. Lê Đình Thăng

Thực hiện kết luận kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là một trong những nội dung liên quan đến hiệu lực hoạt động kiểm toán và liên quan chặt chẽ đến chất lượng kiểm toán. Có thể nói một cách khái quát rằng hiệu lực kiểm toán của KTNN có đạt được không thể hiện ở chỗ các kết luận kiến nghị của KTNN có được thực hiện hay không. Mặt khác, kết luận, kiến nghị được thực hiện không chỉ phụ thuộc vào việc các đơn vị được kiểm toán có nghiêm chỉnh chấp hành hay không mà còn liên quan đến tính sát thực của các kết luận, kiến nghị. Liệu các kết luận có khả thi hay không, có thể thực hiện được hay không là một vấn đề đặt ra liên quan đến chất lượng hoạt động kiểm toán. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin có một vài ý kiến xung quanh việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để cùng bàn luận và suy ngẫm.

Để các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố chủ quan từ phía đơn vị được kiểm toán còn có yếu tố khách quan mà bản thân đơn vị được kiểm toán cũng không thể thực hiện được. Theo chúng tôi việc thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN phụ thuộc vào một số yếu tố sau đây:

Thứ nhất, các đơn vị được kiểm toán có sẵn sàng, nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị hay không. Đây là vấn đề mang tính chủ quan của đơn vị được kiểm toán. Khi các cuộc kiểm toán kết thúc, các kết luận kiến nghị được ban hành và đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Luật kiểm toán nhà nước quy định, đối với các kết luận, kiến nghị liên quan đến xử lý tài chính, đơn vị phải tổ chức thực hiện ngay. Đối với các kết luận, kiến nghị liên quan đến cải tiến công tác công tác quản lý, các đơn vị phải có biện pháp để thực hiện. Pháp luật quy định như vậy và về nguyên tắc sẽ không có gì đáng phải bàn nếu thực hiện đúng như vậy. Thông qua kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2010 cho thấy, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đạt khoảng trên 50% đối với các kiến nghị liên quan đến xử lý tài chính. Đối với các kiến nghị liên quan đến cải tiến công tác quản lý không thấy báo cáo tình hình thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng không thấy báo cáo. Đối với các kiến nghị liên quan đến xử lý trách nhiệm cá nhân gần như không được thực hiện. Như vậy có thể thấy việc các đơn vị sẵn sàng và nghiêm chỉnh thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN.

Thứ hai, sự quan tâm của các cơ quan nhà nước đến hoạt động của KTNN sẽ thúc đẩy việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN được nâng cao. Bản chất của hoạt động kiểm toán nhà nước là kiểm tra, xác nhận các thông tin tài chính được kiểm toán và cung cấp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng là những cơ quan thụ hưởng, sử dụng thông tin của KTNN. Nếu Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sử dụng thông tin của KTNN, quan tâm đến hoạt động KTNN để có thông tin độc lập, tin cậy sử dụng trong hoạt động của mình sẽ thúc đẩy các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiểm nghị của KTNN. Chẳng hạn như Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét các vấn đề về tài chính, ngân sách mà sử dụng kết quả kiểm toán, yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán sẽ thúc đẩy việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN một cách nghiêm túc hơn. Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ sẽ phải có biện pháp nhằm yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN. Qua hơn 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước chúng ta đã thấy rõ nội dung này, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước luôn đề cập đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đã thúc đẩy Chính phủ, Bộ Tài chính có các giải pháp yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Hàng năm, Bộ Tài chính luôn có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN và báo cáo kết quả thực hiện để Bộ có căn cứ tổng hợp kết quả báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc thực hiện kết luận, kiến  nghị của KTNN.

Thứ ba, tính khả thi, hiện thực của các kết luận, kiến nghị của KTNN: Việc đơn vị được kiểm toán sẵn sàng thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán là vấn đề quan trọng, tuy nhiên có thực hiện được hay không, mức độ thực hiện như thế nào lại tùy thuộc rất lớn vào chất lượng của các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Vấn đề này rất quan trọng và liên quan đến chất lượng kiểm toán, chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, chất lượng soát xét chất lượng kiểm toán. Đây là yếu tố nội tại của KTNN. Nếu muốn hiệu lực kiểm toán đạt được đòi hỏi KTNN phải giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo. Đội ngũ kiểm toán viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như mức độ am hiểu thực tế mới có thể đưa ra các kiến nghị phù hợp, có khả năng thực hiện. Việc kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán cũng rất cần thiết để loại bỏ những kiến nghị thiếu thực tế, thiếu tính khả thi. KTNN có quy trình soát xét chất lượng kiểm toán tương đối nghiêm ngặt, chặt chẽ. Ngoài việc soát xét chất lượng của tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán, soát xét chất lượng của Hội đồng cấp vụ, của Lãnh đạo KTNN... do vậy về cơ bản đã loại bỏ được những sai xót xảy ra trong quá trình kiểm toán cũng như đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp. Tuy vậy, trên thực tế, các báo cáo kiểm toán vẫn còn những kiến nghị chung chung, không cụ thể, mang tính khẩu hiệu nên không có tính khả thi. Kết qủa kiểm tra thực hiện kiến nghị năm 2010 đã cho thấy rõ điều đó, các kiến nghị về cải tiến công tác quản lý đưa ra một cách chung chung, thiếu các biện pháp hỗ trợ nên đơn vị không thể thực hiện được. Chẳng hạn như trong kiểm toán ngân sách địa phương, thường có các kiến nghị mang tính khẩu hiệu cao nhưng ít khả thi, như đề nghị đơn vị lập dự toán thu tích cực hơn hay bố trí vốn đầu tư không dàn trải... vấn đề đặt ra là “khả thi hơn„ là thế nào, “không dàn trải„ là thế nào lại không chỉ rõ và như vậy hiệu lực kiểm toán bị giảm sút bởi các kiến nghị kiểu chung chung như vậy. Hơn nữa trên thực tế, sẽ xảy ra trường hợp các kiến nghị về biện pháp quản lý chỉ đúng ở một thời kỳ nhất định, có nghĩa là định kỳ, KTNN phải rà soát, đánh giá lại các kiến nghị của mình và trong những trường hợp nhất định phải điều chỉnh, không kiến nghị đơn vị thực hiện nữa do không còn phù hợp. Trên thực tế, vấn đề này chưa được đặt ra và đơn vị được kiểm toán cũng ít quan tâm và kiến nghị kiểm toán đi vào lãng quên ảnh hưởng đến hiệu lực kiểm toán của KTNN. Với nhiều nước trên thế giới, việc kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng là cách thức để xem xét đánh giá chất lượng hoạt động kiểm toán. Thông qua việc xem xét, đánh giá việc thực hiện kiến nghị để kiểm toán viên có trách nhiệm hơn, thận trọng hơn trong việc đưa ra ý kiến của mình để yêu cầu đơn vị thực hiện.

Thứ tư, sự phối hợp nhịp nhàng giữa KTNN và các cơ quan chức năng: Định kỳ, KTNN tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và đây là bước thứ tư của quy trình kiểm toán. Nếu trong quá trình kiểm toán cũng như kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan sẽ là yếu tố quan trọng để các kết luận kiến nghị được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Rất nhiều kiến nghị của KTNN liên quan đến quản lý tài chính vĩ mô và do vậy cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng mới có thể thực hiện được. Chẳng hạn như kiến nghị về hoàn thiện cơ chế quản lý đòi hỏi phải liên quan đến nhiều cơ quan hoạch định chính sách và cần cả quyết tâm chính trị mới có thể triển khai thực hiện được, do vậy nếu không có sự phối hợp đồng bộ sẽ không thể thực hiện được các kiến nghị này. Đơn cử như khi kiểm toán tại một địa phương, đoàn kiểm toán kiến nghị địa phương hoàn thiện cơ chế quản lý giá đất đối với các dự án sử dụng đất có thu tiền, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành ở địa phương thậm chí sự hỗ trợ của trung ương sẽ rất quan trọng để triển khai thực hiện kết luận của KTNN. Thậm chí trong một số trường hợp, KTNN cần tổ chức những hội nghị với địa phương hay trung ương để bàn cách thức triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị. Từ thực tế công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN chúng ta có thể thấy nếu có điều kiện bàn bạc, trao đổi về cách thức triển khai thực hiện thì việc thực hiện trở nên dễ dàng hơn.

Thư năm, tính kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật nói chung, Luật Kiểm toán nhà nước nói riêng: Một yếu tố quan trọng liên quan đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN là tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu kiến nghị của KTNN là phù hợp với quy định của pháp luật, tính khả thi cao thì cần có những chế tài ràng buộc đơn vị được kiểm toán phải thực hiện. Khi KTNN tổ chức kiểm tra thực hiện các kết luận kiến nghị của mình mà phát hiện thấy đơn vị nào không thực hiện nghiêm chỉnh sẽ phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp thực hiện. Vấn đề này liên quan không chỉ đối với KTNN mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành. Chỉ có nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, chế tài chặt chẽ và những biện pháp xử lý kiên quyết mới là những giải pháp tốt để yêu cầu các đơn vị được kiểm toán chủ động thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. KTNN cần báo cáo kịp thời, minh bạch đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý những hành vi vi phạm nhưng không nghiêm túc khắc phục sai xót đã được chỉ ra.

Như vậy, muốn nâng cao hiệu lực kiểm toán của KTNN cần có những giải pháp hạn chế những tác động ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Theo chúng tôi cần triển khai một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, thực hiện công khai kết quả kiểm toán và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Có thể nói sức mạnh của KTNN chính là thu hút được sự quan tâm chú ý của các cơ quan dân cử, dư luận và công chúng. Do vậy nếu kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện các kết luận kiến nghị của KTNN được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Các đươn vị được kiểm toán sẽ phải có biện pháp tổ chức thức thi các kết luận, kiến nghị kiểm toán nếu không muốn phải đối đầu với dư luận và công chúng về những sai phạm của mình được phát hiện qua kiểm toán. Công khai kết quản kiểm toán, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán là biện pháp có sức mạnh cao đối với các đơn vị được kiểm toán, buộc phải có các giải pháp để tổ chức thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị của KTNN.

Hai là, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật để các cơ quan đơn vị, các tổ chức các nhân hiểu biết về pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật. Trên thực tế những năm qua cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị được kiểm toán chưa am hiểu hết các quy định của pháp luật cũng như những chế tài quy định việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Do vậy việc tuyên truyền phổ biến pháp luật sẽ giúp cho các cơ quan đơn vị hiểu hơn về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó mỗi kiểm toán viên phải là một tuyên truyền viên. Quá trình kiểm toán phải chỉ ra cho các đơn vị thấy những sai sót đồng thời phải chỉ rõ cách thức thực hiện và những chế định của pháp luật nếu đơn vị không thực hiện.

Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán để đảm bảo các kết luận, kiến nghị là hoàn toàn chính xác, có tính khả thi cao. Nâng cao chất lượng kiểm toán là giải pháp luôn được các cơ quan kiểm toán tối cao quan tâm. Chất lượng kiểm toán không chỉ duy trì uy tín của cơ quan kiểm toán tối cao mà còn đảm bảo hiệu lực hoạt động kiểm toán thông qua việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của mình. Định kỳ, KTNN cần có bộ phận rà soát các kiến nghị và loại bỏ những kiến nghị không phù hợp, đồng thời theo đuổi một cách tích cực đối với các kiến nghị có tính khả thi cao nhưng chưa được thực hiện. Đây cũng là biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kiểm toán. KTNN cũng cần tăng cường công tác soát xét chất lượng kiểm toán để loại bỏ những kiến nghị không thích hợp, các kiến nghị chung chung thiếu tính khả thi, thậm chí các kiến nghị thiếu thực tế.

Bốn là, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội liên quan đến hoạt động kiểm toán. Khi kết quả kiểm toán đạt được các yêu cầu mà Chính phủ, Quốc hội kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cả cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp và đây là điều kiện để các cơ quan này có hành động thích hợp buộc các đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN. Để thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội thì việc lựa chọn nội dung, chủ đề kiểm toán đến chất lượng hoạt động kiểm toán, uy tín của cơ quan kiểm toán sẽ là những yếu tố rất cần thiết. KTNN chỉ có thể xây dựng uy tín của mình thông qua tính thiết thực cũng như chất lượng hoạt động. Phải thể hiện được hình ảnh một cơ quan kiểm toán có uy tín và trách nhiệm trước cơ quan hành pháp, cơ quan dân cử.

Năm là, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật do KTNN phát hiện. Khi phát hiện hành vi vi phạm, không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải có bước đi kiên quyết, thích hợp để các đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm thực hiện. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì KTNN phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Chúng tôi hy vọng rằng, các kết luận, kiến nghị của KTNN sẽ được thực hiện đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao hiệu lực pháp luật từ đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính quốc gia./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 4/2011

Xem thêm »