Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

05/05/2011
Xem cỡ chữ Google

(Đồng chí Lê Hoàng Quân - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kiểm toán)

Xin đồng chí vui lòng cho biết một số nét khái quát về thực trạng công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua?

Luật Kiểm toán Nhà nước qui định trách nhiệm, nghĩa vụ của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong việc kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán (Điều 57); của đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện và báo cáo việc thực hiện và kiến nghị của KTNN với các cơ quan chức năng (Điều 65). Cụ thể hoá các qui định của Luật, các cơ quan chức năng đã có các văn bản hướng dẫn chỉ đạo: Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 05/2010/QĐ-KTNN ngày 16/7/2010 của Kiểm toán Nhà nước về Quy trình kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán. Công tác này cũng được Chính phủ hết sức chú trọng qua việc ban hành Nghị định số 91/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008 của Chính phủ về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và Chỉ thị số 33/2008/CT-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các chính sách tài khoá và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định số 3251/QĐ-BTC ngày 24/12/2009 về quy chế phối hợp trong việc xử lý, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra, cảnh sát điều tra về tài chính ngân sách và Quyết định của Tổng cục Thuế số 97/QĐ-TCT ngày 25/01/2008 ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế trong việc xử lý, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Kho bạc Nhà nước cũng có công văn hướng dẫn việc ghi chép hạch toán các khoản thu hồi nộp NSNN, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) do KTNN phát hiện.

Triển khai thực hiện Luật những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã liên tục tổ chức kiểm tra hàng năm, tổng hợp, ban hành quy trình kiểm tra và rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán. Lãnh đạo KTNN chỉ đạo quán triệt việc tuân thủ các bước kiểm tra từ khâu lập duyệt kế hoạch, thực hiện kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra nâng cao chất lượng thu thập căn cứ bằng chứng để phản ánh trung thực việc tuân thủ kết luận, kiến nghị KTNN, phản ánh hiệu lực hiệu quả của hoạt động kiểm toán cũng như kết quả kiểm toán.Tổng hợp kết quả đạt được trong những năm gần đây (kiến nghị kiểm toán năm 2007, 2008, 2009 về niên độ ngân sách năm 2006, 2007, 2008) khái quát như sau:

Về xử lý tài chính số thực hiện kiến nghị so với kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2007 đạt 50%, năm 2008 đạt 62%, năm 2009 đạt 69%. Trong đó:

Tăng thu ngân sách nhà nước
Tăng thu nội địa thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2007: đạt 56% so với kết luận, kiến nghị; năm 2008 đạt 53,4%; năm 2009 đạt 63,3%; trong đó: Khối doanh nghiệp thực hiện kiến nghị kiểm toán tương đối tốt với tỷ lệ tăng dần qua các năm: năm 2007 đạt 46,5%; năm 2008 đạt 77,5%; năm 2009 đạt 98,3%; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện kiến nghị năm 2007 đạt 60,8%; năm 2008 đạt 100%; năm 2009 đạt 97,2%;

Giảm chi ngân sách nhà nước
Giảm chi thường xuyên thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2007: đạt 77,8%; năm 2008 bằng 60,1%; năm 2009 đạt 78,6% số kiến nghị; trong đó thực hiện chưa tốt  là khối quốc phòng, an ninh và cơ quan Đảng thực hiện kiến nghị năm 2007 đạt 92,4%; năm 2008 đạt 72,4%; năm 2009 đạt 50,1%.
Xử lý nợ đọng vay tạm ứng, ghi thu - ghi chi và kiến nghị xử lý nộp, giảm chi khác không thuộc NSNN
Xử lý nợ đọng vay tạm ứng và ghi thu - ghi chi thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2007 đạt 43,3%; năm 2008 đạt 65,6%; năm 2009: đạt 68,3% số kiến nghị.

Kết quả thực hiện kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý
Để thực hiện kiến nghị của KTNN, những năm gần đây sau khi có kết luận của KTNN, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán đã quan tâm chỉ đạo việc rút kinh nghiệm các sai sót, xử lý những trường hợp sai phạm thu hồi kinh phí nộp NSNN, xử lý trách nhiệm cá nhân, sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản chỉ đạo điều hành không đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý thu nộp NS, quản lý chặt chẽ và thực hiện tiết kiệm chi, từng bước ổn định nề nếp quản lý. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện như tỷ lệ nêu trên, có thể nói hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa cao. Biểu hiện ở một số đơn vị chậm xử lý tài chính, không xác định và xử lý trách nhiệm cá nhân tập thể sai phạm, chậm thay đổi các văn bản trái với Luật và các qui đinh chung của Nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả thực hiện kiến nghị chưa cao là gì, thưa đồng chí?

Về kết quả tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa cao có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; có thể kể rõ nguyên nhân:
(1) Đối với đơn vị được kiểm toán
(a) Đã thu về tài khoản của đơn vị nhưng chưa nộp hoặc đã nộp NSNN nhưng việc ghi chép trên chứng từ chưa đúng theo kiến nghị của KTNN hoặc nộp sai tài khoản theo quy định hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng nên đơn vị không thực hiện;
(b) Một số dự án đang trong quá trình thực hiện, chưa phê duyệt quyết toán nên đơn vị đề nghị sẽ thực hiện kiến nghị kiểm toán khi quyết toán công trình;
(c) Công tác kiểm tra của cơ quan chủ quản và Sở Tài chính, Kho bạc các tỉnh khi phê duyệt, thẩm tra báo cáo quyết toán chưa cương quyết, chưa yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh theo kiến nghị của KTNN; Cục Thuế các địa phương chưa đôn đốc, thu hồi số nợ thuế còn tồn đọng;
(d) Một số đơn vị do đang gặp khó khăn về tài chính hoặc đã giải thể hoặc sáp nhập, tổ chức lại bộ máy hoặc thay đổi chủ đầu tư, đơn vị thi công, chuyển trụ sở hoặc chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán;
(e) Một số đơn vị xác định nhầm số phải nộp hoặc chưa nghiêm túc thực hiện hoặc đang đề nghị xem xét lại các kiến nghị kiểm toán hoặc không chấp hành do không thống nhất với kiến nghị của KTNN;
(g) Việc quán triệt, chỉ đạo theo thẩm quyền của HĐND và UBND một số tỉnh, thành phố, các bộ ngành còn chưa tích cực, công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc còn chưa được quan tâm, buông lỏng;
(2) Một số nguyên nhân từ kết quả kiểm toán:
Một số báo cáo kiểm toán, việc tổng hợp số liệu từ các biên bản kiểm toán còn sai sót, dẫn đến số liệu trong báo cáo chưa khớp đúng với số liệu tại các biên bản kiểm toán; số kiến nghị kiểm toán trùng lẫn với số liệu kiến nghị của các cơ quan kiểm tra khác; kết luận, kiến nghị kiểm toán còn thiếu thuyết phục, không có tính khả thi, chưa đúng chính sách chế độ nên đơn vị được kiểm toán không thống nhất thực hiện, có trường hợp đề nghị tiếp tục giải trình khiếu nại...;
Một số KTNN chuyên ngành và khu vực chưa coi trọng và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Các báo cáo tổng hợp của KTNN chưa phân định rõ ràng về tổng số kiến nghị, tổng số thực hiện, tổng số chưa thực hiện do: thay đổi văn bản chế độ, các trường hợp đã hoặc đang chờ ý kiến của các cơ quan chức trách, các trường hợp không thực hiện được vì kiến nghị không có tính khả thi… của KTNN.

Từ thực trạng và những nguyên nhân nêu trên, xin đồng chí cho biết những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới?

1. Đối với đơn vị được kiểm toán

- Các Bộ, ban ngành, địa phương cần nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các quy định của Luật KTNN chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước về thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan kiểm tra, thanh tra kiểm toan, chỉ đạo các đơn vị cấp dưới tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát lại các tồn tại trong quản lý tài chính kế toán, điều hành, thanh toán và quyết toán kinh phí; quan tâm xem xét, bố trí nguồn vốn để giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn về vốn;
- Các bộ, ban ngành, địa phương cần tích cực phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các đơn vị cấp dưới thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho đơn vị trong quá trình thực hiện;
- Các đơn vị được kiểm toán tự tổ chức kiểm tra, rà soát lại kết quả kiểm toán, nghiêm túc thực hiện kiến nghị kiểm toán đúng thời gian quy định và phải gửi báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán về KTNN và Bộ Tài chính, Quốc hội, Chính phủ;
Đối với các kiến nghị của KTNN còn chưa phù hợp có khó khăn trong thực hiện, đơn vị được kiểm toán cần báo cáo giải trình kịp thời với cơ quan cấp trên và KTNN để được giải quyết.
2. Đối với KTNN
Nâng cao chất lượng kết qủa kiểm toán qua bốn bước qui trình kiểm toán, khảo sát kế hoạch kiểm toán phải được chú trọng thu thập đầy đủ thông tin làm căn cứ lập Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch chi tiết của Đoàn, tổ kiểm toán. Đây là khâu quan trọng quyết định 50% kết quả kiểm toán. Kết quả kiểm toán phải được thu thập đầy đủ căn cứ bằng chứng phù hợp với pháp luật, chế độ nhà nước theo qui định. Kết luận kiểm toán phải rõ ràng đầy đủ và có tính thuyết phục cao. Một số điểm cần lưu ý:
- Tăng cường sự chỉ đạo của lãnh đạo KTNN chuyên ngành, khu vực đối với Đoàn KTNN trong quá trình khảo sát, lập KHKT, thực hiện, xét duyệt và kết luận BCKT. Nêu cao trách nhiệm và năng lực đối với hội đồng thẩm định cấp Vụ, tổ thư ký giúp việc, cán bộ được giao công tác thẩm định;
- Tăng cường vai trò và chức năng kiểm tra, rà soát, thẩm định KHKT, BCKT của các cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo KTNN nhất là vai trò của Vụ TH và Vụ PC tránh nhầm lẫm về số học, tính trùng, hay tư vấn cho Lãnh đạo KTNN kết luận các kiến nghị không có tính khả thi, hoặc chưa đúng với chính sách chế độ;
- Khắc phục trường hợp số kiến nghị kiểm toán trùng lẫn với số liệu kiến nghị của các cơ quan khác; còn nhầm lẫn, trùng lắp về số học, nhận định đánh giá thiếu cơ sở, mang tính áp đặt hoặc không có tính khả thi, chưa đúng chính sách chế độ... gây khó khăn cho việc thực hiện kiến nghị của đơn vị được kiểm toán cũng như giám sát của các cơ quan chức năng;
- Bảo đảm tiến độ thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch được duyệt. Phối hợp chặt chẽ với các Vụ tham mưu (Tổng hợp, Pháp chế, Chế độ và KSCLKT) về nội dung kiểm tra. Khi tiến hành kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán tại đơn vị cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo hướng dẫn của Quy trình kiểm tra, đặc biệt là phải thống kê số liệu chưa thực hiện qua các năm và số lũy kế cũng như số liệu đơn vị đã thực hiện trong kỳ trước nhưng chưa được tổng hợp vào báo cáo;
- Phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Phân công cán bộ tổng hợp giúp lãnh đạo Vụ giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra;
- Kiến nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của Pháp luật đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân cố tình chây ỳ, không chấp hành kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán./.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí. 
                                                                                                                 
                                                                                                                Theo Tạp chí Kiểm toán số 4/2011

Xem thêm »