Trong hai ngày 10-11/5, tại thành phố Hải Phòng, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước - Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam" do UNDP tài trợ, nhằm tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu dân cử, các nhà quản lý, các nhà khoa học về vấn đề quan trọng này.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và một số uỷ viên Uỷ ban TC-NS; đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN); đại diện HĐND, UBND và một số cơ quan liên quan các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Kiên Giang; về phía các Bộ, ngành có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số Tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu về kế toán, kiểm toán. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KT-NS Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Bích và Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân đồng chủ trì Hội thảo.
Theo đánh giá của Uỷ ban TC-NS, với vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, KTNN là công cụ quan trọng để kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành pháp luật và chính sách tài chính trong quá trình quản lý thu chi ngân sách nhà nước, đồng thời phát hiện và đưa ra những đánh giá, nhận xét, kiến nghị xử lý các sai phạm, nhằm để việc sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Báo cáo kiểm toán là căn cứ quan trọng cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, xem xét quyết toán ngân sách nhà nước, giám sát các chính sách tài chính, tiền tệ. Đối với ngân sách địa phương, các thông tin do KTNN cung cấp giúp cho Hội đồng nhân dân đánh giá sát hơn thực trạng quản lý ngân sách ở địa phương; có đầy đủ cơ sở hơn để quyết định phân bổ và quyết toán ngân sách.
Qua gần 18 năm hoạt động, KTNN đã góp phần quan trọng giúp cho các cơ quan nhà nước trong việc quyết định, kiểm tra, giám sát đối với quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng. Nghiên cứu báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và báo cáo kiểm toán đối với các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN cho thấy: nhiều sai phạm trong quản lý điều hành, các bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được phát hiện và kiến nghị xử lý. Việc thực hiện và làm tốt các kết luận và kiến nghị hợp lý này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chỉ rõ các sai phạm của tập thể và cá nhân, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách, đồng thời góp phần thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Từ sau khi Luật KTNN được ban hành, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính trên nhiều ngàn tỷ đồng, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương hủy bỏ hoặc sửa đổi bổ sung hàng trăm văn bản quy định trái pháp luật hoặc không phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN còn hạn chế và bất cập, tình trạng dây dưa còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, vấn đề cấp bách đang đặt ra là tìm hướng giải quyết để tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN, góp phần sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, làm minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Trên cơ sở đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Đặng Dũng đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận đóng góp ý kiến theo một số nội dung trọng tâm sau: Đánh giá khách quan kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian vừa qua; những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện, nguyên nhân các tồn tại, hạn chế đó; hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập và các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện trong thời gian tới. Ban tổ chức Hội thảo cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp chính để các đại biểu tập trung thảo luận, gồm: hoàn thiện các bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; giải pháp đối với các đơn vị, tổ chức được kiểm toán; giải pháp đối với KTNN về việc nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng của các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; tăng cường công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.
Trước khi thảo luận, Hội thảo đã nghe Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân báo cáo về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN giai đoạn 2008-2010, thực trạng và các giải pháp. Báo cáo đã đề cập một cách hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; đánh giá khái quát thực trạng và kết quả thực hiện cũng như các nguyên nhân khách quan và chủ quan, qua đó đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp đối với KTNN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận đánh giá về thực trạng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hầu hết các ý kiến tham luận đều thống nhất về sự cần thiết phải tăng cường chất lượng hoạt động kiểm toán và chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó, các tham luận đã chỉ ra những bất cập, tồn tại, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh, khắc phục. Nhiều đại biểu cũng đề xuất các biện pháp chế tài đối với trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác này, kể cả việc bổ sung một số nội dung cần thiết vào Luật KTNN và các luật liên quan.
Trước khi kết thúc Hội thảo, Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân đã phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị, đồng thời giải đáp một số thắc mắc của các đại biểu đã đặt ra. Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Bùi Đặng Dũng cho biết, các ý kiến của các đại biểu sẽ là những thông tin, căn cứ quan trọng để Ủy ban TC-NS, KTNN và các cơ quan hữu quan tham khảo để đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tốt hơn. Trước hết, các vấn đề đặt ra tại Hội thảo sẽ được Uỷ ban TC-NS tiếp thu để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó bao gồm cả những kiến nghị, đề xuất đối với KTNN.
ĐC