Tìm hiểu về vai trò và nội dung cơ bản của văn bản phân tích các chuẩn mực lập Báo cáo tài chính quốc tế

ThS. Phạm Quang Huy
Khoa Kế toán – Kiểm toán
Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM

Lời mở đầu
Kế toán luôn được xem là một công cụ quan trọng của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Bộ phận này sẽ giúp cho các tổ chức theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, như quá trình sản xuất, theo dõi thị trường, qua đó, người quản lý có thể điều hành một cách trôi chảy các hoạt động, quản lý hiệu quả, kiểm soát nội bộ tốt. Kế toán còn cung cấp những thông tin hữu ích, cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp làm cơ sở hoạch định chương trình hành động cho từng giai đoạn, từng thời kỳ nhờ đó người quản lý tính được hiệu quả công việc, vạch ra hướng hoạt động cho tương lai, điều hoà tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Trong quá trình phát triển hiện nay, hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam cũng đang áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực về lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để hướng dẫn công việc của kế toán. Thật vậy, IFRS được xem là một yếu tố để các đơn vị cân nhắc nhằm đảm bảo cho mình cũng như các doanh nghiệp trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong công tác lập báo cáo tài chính.

Giữa những năm 1973 và năm 2000, chuẩn mực quốc tế được phát hành. Trong thời kỳ này các nguyên tắc kế toán được biểu hiện là chuẩn mực kế toán quốc tế. Từ năm 2001, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế mô tả các nguyên tắc kế toán với tên gọi mới là Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế, mặc dù các chuẩn mực kế toán quốc tế vẫn tiếp tục được thừa nhận. Năm 2005, đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên mới về cách quản lý kinh doanh toàn cầu và hoàn thành sự nỗ lực trong 30 năm bằng việc ban hành các nguyên tắc lập báo cáo tài chính cho thị trường vốn trên thế giới. Cũng trong năm này, rất nhiều quốc gia đã chính thức áp dụng hệ thống IFRS được xây dựng phù hợp với quốc gia mình và bắt đầu áp dụng từ 01.01.2005 như Úc, Hồng Kông và các nước Châu Âu…

Với những ưu điểm trên của IFRS thì sự chấp nhận đối với bộ chuẩn mực này ngày càng tăng cũng như được chấp nhận tại Hoa Kỳ. Các kế toán viên công chứng hành nghề tại nước này quan tâm một cách sâu sắc hơn về các chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu chính của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) và Ủy ban chứng khoán hối đoái (SEC) chính là làm sao IFRS được thống nhất khi áp dụng cũng như được giải thích thích hợp. Bởi vậy, một bộ văn bản để giải thích các IFRS nhằm có sự đồng bộ hơn trong quá trình áp dụng đã được ban hành. Bài viết này giới thiệu một cách đầy đủ và hệ thống về Hội đồng giải thích lập báo cáo tài chính quốc tế thông qua việc giới thiệu cơ cấu, quy trình và vai trò của tổ chức này trong việc giải thích các IFRS. Qua đây, bài viết cũng phân biệt sự khác nhau cơ bản của IFRIC với Tổ chức xử lý các nghiệp vụ mới nổi (EITF) của Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính (FASB).

IFRIC là gì và tầm quan trọng 
IFRIC là cơ quan chuyên về diễn giải của tổ chức IASB. Đây là một thực thể nhằm phát triển, duy trì và đưa ra các vấn đề có liên quan đến các IFRS trên thế giới. IFRIC được thiết kế để giúp cho tổ chức IASB cải thiện quá trình lập báo cáo tài chính thông qua các cuộc thảo luận kịp thời, xác định và giải quyết các vấn đề về báo cáo tài chính trong khuôn khổ của IFRS. IFRIC tiến hành giải thích các chuẩn mực mà phát sinh các vấn đề tại các quốc gia, sau đó sẽ chuyển bản thảo đến tổ chức IASB nhằm thảo luận và phê duyệt. Sau khi được sự thống nhất và chấp thuận của IASB, các giải thích IFRIC (hay còn được viết tắt là IFRICs) sẽ trở thành một phần của IFRS. Để phù hợp với IFRS, một doanh nghiệp phải tuân theo tất cả các khía cạnh của IFRS và tất nhiên là phải bao gồm luôn cả các IFRICs.

IFRIC khác gì với EITF
Nếu so sánh giữa IFRIC với EITF của tổ chức FASB là điều khó khăn vì cả hai có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là các cơ quan được thiết lập theo một tiêu chuẩn nhất định và chặt chẽ, bao gồm tử 10 đến 15 thành viên ở nhiều khu vực khác nhau như kiểm toán viên, công tố viên hay từ những người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính. Sau khi được thành lập, cả hai tổ chức này đều phải được sự thừa nhận và công bố chính thức từ những tổ chức quản lý, chẳng hạn như FASB sẽ thừa nhận tổ chức EITF và IASB sẽ công nhận tổ chức IFRIC. Một khi đã được chấp thuận thì những đối tượng này mới trở thành những cơ quan hướng dẫn kế toán có thẩm quyền và đúng luật pháp.

Nếu đi vào chi tiết, có thể thấy nhiệm vụ của tổ chức EITF sẽ rộng hơn tổ chức IFRIC. Thật vậy, cả hai đơn vị này đều ra đời và hoạt động nhằm cải thiện hơn báo cáo tài chính thông qua việc xác định, thảo luận làm rõ và đề ra các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính trong phạm vi các khuôn mẫu về lý thuyết kế toán chung trên toàn thế giới. Cả hai tổ chức này cũng cùng ban hành các hướng dẫn nhằm giải thích chi tiết hơn cho các chuẩn mực để giảm sự khác biệt trong quá trình xử lý kế toán trên thực tế tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với EITF còn một chức năng là chịu trách nhiệm giải trình thêm quá trình thực hiện và ứng dụng hoặc các vấn đề phát sinh trong phạm vi của GAAP.

Trách nhiệm cụ thể và công việc của IFRIC
Dựa theo Cẩm nang tổ chức IFRIC được ban hành vào năm 2010, đoạn 5 của văn bản này có nêu rõ: tổ chức này có nhiệm vụ xem xét lại các vấn đề về báo cáo tài chính đã được xác định mà những nội dung này chưa được xử lý trong IFRS, hoặc các vấn đề mà có sự mâu thuẫn hoặc không thống nhất, hay các nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể để từ đó làm căn cứ đưa ra các cách giải quyết một cách phù hợp hơn. IFRIC không chịu trách nhiệm về việc ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành hoặc hướng dẫn ứng dụng cũng như các vấn đề mang tính cấp bách.

Một trong những điều cần phải chú ý khi đề cập đến công việc của tổ chức này chính là IFRIC không có chức năng ban hành các IFRS mới cho thế giới. Trách nhiệm chính của tổ chức này là giải thích rõ ràng hơn nội dung của các IFRS đã được ban hành và đang hiện hữu. IFRIC sẽ cung cấp những hướng dẫn mang tính chất giải thích bằng cách dựa vào phương thức dựa trên các nguyên tắc và khuôn mẫu lý thuyết để đưa ra các giải pháp.

Nội dung thực hiện của IFRIC
Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, bao gồm kể cả thành viên của IFRIC, nhân viên của IASB hoặc thành viên quan sát chính thức của IFRIC, tất cả những đối tượng này đều có thể đề nghị các mục trong chương trình nghị sự để IFRIC xem xét. Trong những năm gần đây, IFRIC đã nhận được yêu cầu giải thích về nhiều chủ đề khác nhau, như nội dung về các công cụ tài chính, điều kiện ghi nhận doanh thu, các khoản lợi ích của nhân viên, các khoản thanh toán trên cơ sở cổ tức, hợp tác kinh doanh, hợp nhất kinh doanh, tài sản cố định vô hình và thuế thu nhập.

Sau khi nhận được các câu hỏi cũng như các thắc mắc phù hợp để IFRIC xem xét thì ủy ban này mới xem áp dụng các điều kiện nghị sự đặc biệt, bao gồm:
- Mở rộng hay tính thực tế của vấn đề.
- Ý nghĩa của vấn đề này trong thực tế (vấn đề hiện đang cấp bách hay đang hiện hữu).
- Hoàn thiện báo cáo tài chính.
- Nguyên tắc cân đối giữa lợi ích, chi phí và tính hiệu quả.
Khi đã xem xét các điều kiện về chương trình nghị sự cho một vấn đề đặc biệt nào đó thì IFRIC sẽ chọn thực hiện 1 trong 4 quyết định sau:
+ Không đưa vấn đề này vào các chương trình nghị sự của IFRIC, nhưng sẽ tiến hành giải thích trong một quyết định công bố bởi chương trình được đặt tên là ‘Văn bản cập nhật IFRIC’.
+ Xây dựng tài liệu nội dung giải thích của IFRIC.
+ Đưa ra một số đề nghị để yêu cầu tổ chức IASB thay đổi nội dung của IFRS tương ứng.
+ Đưa ra những nội dung để IASB xem xét trong quá trình làm việc của một dự án IASB hiện hành nào đó đang thực hiện.

Quá trình xử lý của tổ chức IFRIC
Thông qua những chi tiết về trách nhiệm của IFRIC ở phần trên, có thể tóm tắt rằng tổ chức IFRIC sẽ xử lý nội dung công việc của mình và công bố chuẩn mực thường được tiến hành theo 7 giai đoạn như sau:

- Xác định vấn đề: tổ chức sẽ tiến hành xem xét toàn bộ các vấn đề đã được các đối tượng nộp vào.
- Thiết lập chương trình nghị sự:
- Tiến hành họp và quyết định: IFRIC sẽ tổ chức buổi họp công khai giữa các thành viên. Mỗi thành viên trong IFRIC sẽ có một phiếu bầu cho vấn đề. Các thành viên này có thể tham gia trực tiếp hoặc tham gia thông qua trực tuyến (tuy nhiên không được ủy quyền khi bầu cử).
- Phát triển và đưa ra Bản giải thích nháp (Draft Interpretation – DI): các nhân viên thư ký của IFRIC sẽ soạn thảo bản chương trình họp để mô tả các vấn đề kế toán, các phương pháp kế toán thay thế, hoặc cũng có thể cả các công bố của IASB, GAAP của từng quốc gia và từ đó đề ra các phương án xử lý phù hợp. Sau khi thảo luận xong, các nhân viên làm việc sẽ tiến hành soạn thảo DI. DI này sẽ được thông qua nếu không có quá 4 thành viên của IFRIC không tán thành.
- Vai trò của IASB trong việc ban hành DI: DI sau khi ban hành sẽ được luân phiên giữa các thành viên trong ban điều hành sau khi IFRIC đạt đến sự thống nhất. Nếu không có quá 4 thành viên có ý kiến thì DI sẽ chính thức ban hành.
- Thời gian góp ý và tiến hành trao đổi: sau khi ban hành văn bản DI này thì tổ chức sẽ có tối thiểu 60 ngày (tùy theo tính chất phức tạp của nội dung) để nhận ý kiến đóng góp từ phía công chúng. Các bên có lợi ích phát sinh từ nội dung đang được đề cập sẽ được mời đến viết các nhận xét hoặc xin phản hồi từ họ. Khi nhận được đầy đủ các hồi âm thì IFRIC sẽ tiến hành xem lại và chuẩn bị ban hành bản cuối cùng.
- Ban hành chính thức các Văn bản giải thích chuẩn mực (An Interpretation): bản giải thích sẽ được IFRIC ký duyệt rồi sau đó sẽ gửi sang cho IASB chấp thuận. IASB sẽ ký ban hành nếu có ít nhất 9 thành viên tán thành.

Các văn bản IFRIC hiện hữu
Tính đến hết tháng 5 năm 2011, IFRS đã bao gồm 9 IFRS và 17 văn bản IFRIC, tất cả hoặc một phần của 29 IAS (mà đã được ban hành bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế - IASC) và sau đó được thông qua bởi các IASB, và 11 SIC. Các văn bản về IFRIC cần phải đọc kỹ đoạn đầu tiên liên quan đến lời nói đầu để có cái nhìn tổng quát nhất. Nhưng văn bản đã được ban hành có tiêu đề chi tiết như sau:

Văn bản chuẩn mực Tiêu đề của văn bản
IFRIC 1 Sự thay đổi trong quá trình ngừng hoạt động, phục hồi và các khoản nợ tương tự
IFRIC 2 Cổ tức của các thành viên trong các tổ chức hợp tác và các công cụ tương tự
IFRIC 3 Quyền phát mãi
IFRIC 4 Xác định nội dung chi tiết của một hợp đồng thuê tài sản
IFRIC 5 Quyền hưởng lãi gia tăng từ việc ngừng hoạt động, phục hồi và quỹ phục hồi chức năng môi trường
IFRIC 6 Nợ phải trả gia tăng từ việc tham gia vào thị trường đặc biệt – thiết bị xử lý chất thải và điện tử
IFRIC 7 Áp dụng theo phương thức trình bày lại dựa vào Chuẩn mực kế toán quốc tế số 29 về báo cáo tài chính trong điều kiện siêu lạm phát
IFRIC 8 Phạm vi của IFRS 2 (đã hết hiệu lực từ ngày 01.01.2010)
IFRIC 9 Tái đánh giá giá trị của công cụ phái sinh kết hợp
IFRIC 10 Báo cáo tài chính giữa niên độ và sự giảm giá trị tài sản
IFRIC 11 IFRS 2: nhóm và các giao dịch cổ phiếu ngân quỹ (đã hết hiệu lực từ ngày 01.01.2010)
IFRIC 12 Hợp đồng cam kết dịch vụ
IFRIC 13 Các chương trình về lòng trung thành của khách hàng
IFRIC 14 IAS 19 — Hạn chế của việc xác định lợi ích của tài sản, yêu cầu quỹ tối thiểu và các giao dịch giữa chúng
IFRIC 15 Hợp đồng về việc xây dựng bất động sản
IFRIC 16 Công cụ dự phòng rủi ro đối với khoản đầu tư thuần từ một hoạt động ở nước ngoài
IFRIC 17 Phân phối các tài sản không phải bằng tiền cho các chủ sở hữu
IFRIC 18 Chuyển giao tài sản giữa các khách hàng
IFRIC 19 Trách nhiệm về nợ phải trả tài chính với công cụ vốn

Với các chuẩn mực đã ban hành sẽ giải thích rõ các vấn đề mà trong các chuẩn mực quốc tế chưa đề cập hay vẫn trình bày chưa được rõ ràng dẫn đến sự khác nhau trong cách xử lý của kế toán ở các quốc gia đang áp dụng.

Thay cho lời kết
Trong điều kiện nền kinh tế của các quốc gia đang đối diện với khá nhiều vấn đề về kinh tế và tài chính thì kế toán là một công cụ càng thể hiện vai trò và tầm quan trọng trong quá trình vận hành của các doanh nghiệp nói riêng cũng như của toàn bộ một quốc gia nói chung. Tuy nhiên, có thể do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên những người thực hiện công tác kế toán đã có những cách hiểu hoặc thực hiện chưa đúng hoặc có phát sinh nhiều câu hỏi trong quá trình thao tác trên thực tế với những gì quy định trong chuẩn mực kế toán quốc gia, chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực về lập báo cáo tài chính. Xuất phát từ nguyên nhân cơ bản này nên tổ chức IFRIC đã ra đời và ban hành những giải thích cụ thể hơn cho các vấn đề này. Với quá trình thực hiện khá chặt chẽ và mang tính kỷ luật cao thì các văn bản IFRIC được xem là một công cụ hỗ trợ cho các kế toán viên, các quốc gia có thể vận dụng trong quá trình làm việc và hoạt động kinh doanh của mình, qua đó có sự đồng bộ hơn trong công tác kế toán của đơn vị mình, từ đó cung cấp thông tin một cách xác đáng hơn và sâu sát hơn để giúp người sử dụng đưa ra các quyết định của mình./.

Tài liệu tham khảo
1. IFRS Technical Bulletin 2010 and 2011.
2. Deloitte (2010), New and amended Interpretations of IFRIC.
3. Pakistan (2011), Status of ifric applicable in Pakistan as on March 2011.
4. PricewaterhouseCoopers (2010), Making Sense of a Complex World - IFRIC 13 - PwC UK.
5. Grant Thornton (2010), IFRIC on the horizon.
6. Các trang web về kế toán, kiểm toán và thuế.

Chuyên mục được sự cộng tác của ACCA

Theo tạp chí Kiểm toán số 10/2011