Một số ý kiến về quản lý, sử dụng phí, lệ phí qua kết quả kiểm toán

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí được cấp có thẩm quyền ban hành.

Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí được cấp có thẩm quyền ban hành.

Từ các khái niệm cho thấy việc hình thành và tồn tại các loại phí và lệ phí là tất yếu trong đời sống kinh tế-xã hội; nhiều loại phí, lệ phí có tác động sâu, rộng đến đại bộ phận các tầng lớp dân cư như: Viện phí, học phí, phí giao thông đường bộ, lệ phí trước bạ…

Theo các qui định hiện hành của Nhà nước thì danh mục phí, lệ phí do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành còn thẩm quyền quy định đối với mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được qui định cụ thể như sau:

1. Thẩm quyền quy định đối với mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền thu phí, lệ phí

- Đối với phí: Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho bộ, cơ quan ngang bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế; hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định đối với một số loại phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương; Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

- Đối với lệ phí: Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế; hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định đối với một số khoản lệ phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương; Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

2. Nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí

- Đối với phí: Mức thu phí phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp; ngoài ra, mức thu đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư còn phải bảo đảm thi hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.

- Đối với lệ phí: Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.

Về nguyên tắc mức thu phí, lệ phí không miễn, giảm cho các đối tượng phải nộp trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ qui định nhằm góp phần thực hiện chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

3. Quản lý và sử dụng phí, lệ phí

- Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Số tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí; tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước trên kết quả thu phí.

- Phí thu được từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, là khoản thu của ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau: Trường hợp tổ chức thực hiện thu phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thực hiện thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước; trường hợp tổ chức thực hiện thu phí chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí; trường hợp tổ chức thực hiện thu phí được ủy quyền thu phí ngoài chức năng nhiệm vụ thường xuyên, thì tổ chức thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí.

- Mọi khoản lệ phí thu được đều thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp ủy quyền thu thì tổ chức được ủy quyền thu lệ phí được để lại một phần trong số lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí, phần lệ phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

- Phần tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí được trích theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được hàng năm. Tỷ lệ phần trăm (%) này được xác định như sau:

Tỷ lệ (%) = Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho việc thu phí, lệ phí theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định/ Dự toán cả năm về phí, lệ phí thu được x 100

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí, lệ phí, cơ quan có thẩm quyền quyết định tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho tổ chức thu phí, lệ phí, tỷ lệ này có thể được ổn định trong một số năm. Hàng năm các đơn vị phải quyết toán thu, chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

- Số tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu được quản lý, sử dụng như sau: Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, thực hiện quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí được để lại theo quy định hiện hành của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích; đối với tổ chức khác thu phí, lệ phí, số tiền phí, lệ phí để lại được chi cho các khoản chi phục vụ cho việc thu phí, lệ phí như: Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thu phí, lệ phí gồm các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương theo chế độ hiện hành trừ tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành; chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thu phí, lệ phí; chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu phí, lệ phí; trích qũy khen thưởng, quỹ phúc lợi nhưng mức trích lập hai qũy khen thưởng và phúc lợi, bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện.

Như vậy, hệ thống các văn bản pháp lý hiện hành đã qui định rất rõ ràng về thẩm quyền, nguyên tắc xác định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Tuy nhiên qua kiểm toán cho thấy việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí hiện nay còn nhiều tồn tại:

1. Đối với phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân, trên thực tế phát sinh chưa nhiều, tuy nhiên các tổ chức quản lý thu phí chưa chấp hành tốt việc kê khai nộp các khoản thuế phải nộp vào ngân sách.

2. Đối với phí thu được từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và lệ phí thu được:

- Việc lập, giao dự toán thu không sát với thực tế làm tăng số phí, lệ phí được để lại sử dụng tại đơn vị vì số được để lại được sử dụng tính bằng tỷ lệ cố định trên tổng số thu. Kết quả kiểm toán các bộ, ngành các tỉnh thành phố cho thấy số thu phí, lệ phí nhiều đơn vị vượt rất cao so với dự toán như: Số thu phí, lệ phí năm 2005 của Bộ Y tế vượt 43%, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vượt 71,5%, Bộ Khoa học và Công nghệ vượt 53,3% so với dự toán được giao… làm tăng số phí, lệ phí được để lại sử dụng dễ dẫn đến việc các đơn vị sử dụng không đúng mục đích kinh phí (sử dụng để chi lương, thưởng không đúng chế độ, chi mua sắm, sữa chữa tài sản cho hoạt động thường xuyên không liên quan đến hoạt động thu phí, lệ phí…).

- Cơ chế quản lý, sử dụng phí, lệ phí và cơ chế tự chủ tài chính chưa đồng bộ và thiếu thống nhất giữa các đơn vị sự nghiệp có thu dẫn đến 2 cơ chế này hiện nay đang mâu thuẫn với nhau, cụ thể: Đối với các đơn vị sự nghiệp được để lại sử dụng một phần hoặc toàn bộ số thu phí, lệ phí thì có thể sử dụng nguồn thu phí, lệ phí được để lại chi lương tăng thêm (tối đa 3 lần đối với đơn vị sự nghiệp bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên).

- Vì lợi ích cục bộ nhiều đơn vị, nhiều bộ, ngành, địa phương không chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi tỷ lệ được để lại chi từ số thu phí, lệ phí. Bộ Tài chính chưa kiên quyết trong việc rà soát để giảm tỷ lệ được để lại sử dụng của các đơn vị nên nhiều đơn vị có số dư lớn. Kết quả kiểm toán cho thấy: Cục Quản lý Lao động ngoài nước đơn vị trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội số phí, lệ phí còn dư 31/12/2005 là 73.132,3trđ; Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ 11.885,6 trđ… Trong khi nguồn thu của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhu cầu chi để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế rất lớn việc để lại số thu phí, lệ phí vượt quá nhu cầu sử dụng của các đơn vị là bất hợp lý, gây lãng phí ngân sách.

- Trên thực tế còn tồn tại các văn bản hướng dẫn mức thu và sử dụng phí, lệ phí đã ban hành rất lâu, nhiều điểm không phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Điển hình là chế độ quản lý và sử dụng thu viện phí được qui định từ năm 1995 rất bất cập về mức thu và nội dung chi thưởng từ nguồn thu viện phí. Qua kiểm toán báo cáo quyết toán năm 2005 của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cho thấy hầu hết các bệnh viện đều thu viện phí vượt khung giá qui định hoặc tự ban hành mức thu cho một số dịch vụ khám chưa bệnh không có trong khung giá. Một số bệnh viện có nguồn thu viện phí lớn, chi thưởng hàng tháng từ nguồn này bằng 4 đến 5 lần tiền lương, trong khi đó nhiều bệnh viện khác có thu viện phí thấp thì mức chi thưởng chỉ khoảng 1 đến 2 lần tiền lương tạo nên sự bất hợp lý về thu nhập và không công bằng trong nội bộ ngành y tế. Việc chậm thay thế, sửa đổi các văn bản thu phí, lệ phí đã tạo ra tình trạng một số cơ quan, đơn vị tự ý ban hành qui định thu vượt khung giá hoặc ban hành các khoản thu vượt thẩm quyền như thu viện phí của các bệnh viện; một số trường học ban hành thêm một số khoản thu của học sinh không đúng chế độ như thu lệ phí nhập học, thu đóng góp xây dựng…

- Phí, lệ phí là nguồn thu của ngân sách nên phải được quản lý qua ngân sách nhưng nhiều đơn vị không sử dụng biên lai thu theo qui định (sử dụng phiếu thu tự in), không nộp kịp thời đầy đủ vào Kho bạc Nhà nước.

- Một số đơn vị miễn giảm phí, lệ phí không đúng chế độ nhất là học phí, viện phí. Kết quả kiểm toán năm 2006 tại các trường cho thấy còn có hiện tượng miễn giảm học phí cho con em cán bộ không đúng qui định. Tại Bộ Y tế, có nhiều Bệnh viện miễn giảm viện phí thiếu thủ tục hoặc không đúng đối tượng (miễn giảm cho các đối tượng thuộc diện “ngoại giao” của bệnh viện, cho CB CNV và người nhà của CB CNV bệnh viện).

Để khắc phục những tồn tại trên, quản lý chặt chẽ nguồn thu phí lệ phí của Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

1. Rà soát lại hệ thống các văn bản qui định chi tiết của từng loại phí, lệ phí để thay thế sửa đổi cho phù hợp thực tế về mức thu, tỷ lệ được để lại chi tại đơn vị, các khoản được chi từ số thu để lại chi.

2. Tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị có nhiệm vụ thu phí, lệ phí xử lý nghiêm minh các trường hợp ban hành các qui định thu không đúng chế độ, vượt thẩm quyền; các trường hợp sử dụng nguồn thu sai mục đích, sai chế độ gây lãng phí thất thoát; các trường hợp không chấp hành đúng chế độ về sử dụng biên lai thu, về quản lý nguồn thu qua ngân sách…

3. Tính toán đủ, chính xác số thu phí, lệ phí và tỉ lệ để lại cho đơn vị thu phí, lệ phí; giao dự toán chính xác khai thác tối đa nguồn thu cho ngân sách.

4. Nghiên cứu sửa đổi chính sách thu nộp phí, lệ phí theo hướng:

- Đối với các đơn vị sự nghiệp hoạt động gắn liền với việc thu phí như bệnh viện, trường học… được để lại toàn bộ số thu thì phải hướng dẫn chi tiết về mức thu, việc sử dụng nguồn thu nhằm giảm chi NSNN.

- Đối với các đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế thưởng tăng thu cho đơn vị để khuyến khích tăng thu.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước được để lại một phần số thu phí phục vụ nhiệm vụ thu thì phải tính toán chính xác nguồn thu và nhiệm vụ chi, xác định đúng tỷ lệ được để lại. Cuối năm sau khi quyết toán thu, chi theo số thực tế nếu chi không hết phải nộp trả ngân sách. Đồng thời tăng cường mức chi thưởng, chi đầu tư cơ sở vật chất để khuyến khích các đơn vị thực hiện các biện pháp tăng thu, tổ chức hợp lý qui trình thu, nộp.

Tài liệu tham khảo:

Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá X qui định về phí, lệ phí;

Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 3 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành pháp lệnh phí và lệ phí.

Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2006 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 57/2002/NĐ-CP.

Báo cáo kiểm toán niên độ ngân sách năm 2004; Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2005 của Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ.