Lãnh đạo đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán

(kiemtoann.gov.vn) - Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công, mới đây Đảng ủy KTNN đã ban hành Đề án “Lãnh đạo đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán”.
 

Đề án được xây dựng với mục tiêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công việc đổi mới, nâng cao chất lượng KHKT, nội dung, phương pháp kiểm toán tiên tiến, hiện đại; nắm chắc và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các đầu mối kiểm toán; xác định quy mô cuộc kiểm toán phù hợp với điều kiện và năng lực của kiểm toán nhà nước (KTNN); xây dựng và ban hành đồng bộ các quy định, tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2020) các cuộc kiểm toán đều thực hiện theo phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, giảm bớt thời gian, chi phí, nhân sự kiểm toán.

4 nội dung hoạt động của Đề án

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra 4 nội dung hoạt động, bao gồm:

Hoạt động 1 - Lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, quy định về KHKT của KTNN, trọng tâm là việc nghiên cứu, ban hành hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế với các hoạt động trọng tâm gồm: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, quy định vềKHKT của KTNN cho phù hợp với Luật KTNN sửa đổi năm 2015; Nghiên cứu phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế; Tổ chức thực hiện thí điểm việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế đối với một số cuộc kiểm toán; Xây dựng hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế; Tổ chức đào tạo, tập huấn; tuyên truyền, phổ biến và quán triệt về nhận thức cho toàn thể công chức kiểm toán đối với các văn bản và hướng dẫn mới được ban hành.

Hoạt động 2 - Lãnh đạo việc xây dựng và triển khai vận hành, sử dụng phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán, trọng tâm là: Hoàn thiện việc xây dựng và thử nghiệm phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán; Hoàn thiện các văn bản, quy định liên quan đến quản lý, sử dụng phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán; Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến và quán triệt về nhận thức cho toàn thể công chức kiểm toán đối với việc sử dụng phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán trong xây dựng KHKT; Triển khai nhập dữ liệu ban đầu, sử dụng thử nghiệm tại một số KTNN chuyên ngành, khu vực đối với việc xây dựng KHKT năm 2016; triển khai sử dụng trong toàn ngành năm 2017.

Hoạt động 3 - Lãnh đạo công tác triển khai áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế trong thực tiễn xây dựng KHKT của KTNN, trọng tâm là: Quán triệt về nhận thức cho toàn thể công chức kiểm toán đối với việc áp dụng các hướng dẫn về đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế; Tổ chức sửa đổi, hoàn thiện và xây dựng các chương trình đào tạo liên quan đến KHKT, đặc biệt là kỹ năng phân tích đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế; Tổ chức đào tạo kỹ năng xây dựng KHKT nói chung, phân tích đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế nói riêng; Triển khai áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế cho tất cả các cuộc kiểm toán của KTNN.

Hoạt động 4 - Lãnh đạo kiện toàn bộ máy nhân sự của các đơn vị tham mưu nhằm đáp ứng yêu cầu hướng dẫn các đơn vị trong ngành tổ chức đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế vào tất cả các cuộc kiểm toán của KTNN, trọng tâm là: Bố trí đủ nhân sự có năng lực, chuyên môn về công tác KHKT, đặc biệt là việc phân tích đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đối với lực lượng công chức, kiểm toán viên làm công tác KHKT như: Về thi đua, khen thưởng; bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; Quán triệt về nhận thức cho toàn thể công chức kiểm toán đối với các chính sách, chế độ đãi ngộ gắn với trách nhiệm và chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức làm công tác KHKT.

Để triển khai thành công Đề án, Đảng ủy KTNN đã phân kỳ thực hiện Đề án làm 02 giai đoạn với các nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn.

Giai đoạn 2016-2017, các cấp ủy đảng tập trung vào các hoạt động:

Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt đến từng đảng viên, công chức để nâng cao nhận thức về mục tiêu đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng KHKT trong từng đơn vị và toàn Đảng bộ, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Đề án.

Lãnh đạo việc xây dựng và hoàn thiện Hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán, trong đó tập trung hoàn thành việc xây dựng phần mềm và ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về quản lý và sử dụng phần mềm trong năm 2016. Lãnh đạo việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, quy định về lập, thẩm định và xét duyệt KHKT của KTNN phù hợp với Luật KTNN sửa đổi năm 2015.

Lãnh đạo công tác nghiên cứu, triển khai vận dụng thí điểm phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế vào công tác xây dựng KHKT đối với một số cuộc kiểm toán của KTNN (năm 2016 thực hiện thí điểm tại 01 cuộc kiểm toán).

Lãnh đạo công tác kiện toàn bộ máy công chức kiểm toán làm công tác KHKT của các đơn vị tham mưu. Ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với công chức làm công tác KHKT.

Giai đoạn 2018-2020, các hoạt động bao gồm:

Lãnh đạo việc xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn về đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế trong công tác xây dựng KHKT.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai áp dụng những văn bản hướng dẫn về đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu vào các cuộc kiểm toán từ năm 2018; đến năm 2020 áp dụng hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế vào tất cả các cuộc kiểm toán của KTNN.

Lãnh đạo công tác tổng kết Đề án, đúc rút kinh nghiệm và đề ra các bài học kinh nghiệm, phương hướng và giải pháp trong nhiệm kỳ tiếp theo.

07 nhóm giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án

1. Tập trung quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên hiểu rõ về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng KHKT nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Đề án.

2. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong việc đổi mới nội dung và phương pháp xây dựng KHKT; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho mỗi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Đề án...;

3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đảng viên, công chức và người lao động về đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng KHKT, đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế.

4. Rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cán bộ để thực hiện các nội dung công việc theo từng lĩnh vực của Đề án.

5. Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án, cụ thể hóa các nội dung công việc của Đề án vào chương trình, kế hoạch công tác của Ban thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN và các cấp ủy trực thuộc;

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng gắn với công tác thanh tra, kiểm tra của ngành đối với việc thực hiện Đề án. Định kỳ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kết quả thực hiện Đề án.

7. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Phân công trách nhiệm cụ thể trong triển khai thực hiện Đề án:

Đảng ủy KTNN có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt đến từng đảng viên, công chức về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng KHKT; Cụ thể hóa các nội dung công việc của Đề án vào kế hoạch công tác quý, năm của Ban Chấp hành và hàng tháng của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN; Định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá kết quả đạt được và tiến độ triển khai thực hiện Đề án; tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ) và tổng kết thực hiện Đề án vào năm 2020 (năm kết thúc nhiệm kỳ); Hàng năm Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức, đảng viên, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Đề án.

Đảng ủy Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án, cụ thể: Căn cứ nội dung của Đề án để đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của Đảng ủy Vụ Tổng hợp đảm bảo gắn với chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên của đơn vị phụ trách các nội dung của Đề án. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm phải tạo được sự thống nhất, cùng hướng tới mục đích, mục tiêu của Đề án; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của từng bộ phận và từng đảng viên, công chức, kiểm toán viên trong đơn vị; Phối hợp với các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Đảng - Đoàn thể tham mưu cho Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án; sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm; tiến hành sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2017 (năm thứ ba của nhiệm kỳ) tổng kết kết quả thực hiện Đề án trước khi kết thúc nhiệm kỳ; Đề xuất biểu dương, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức, đảng viên, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Đề án.

Các ban tham mưu của Đảng ủy KTNN và Văn phòng Đảng - Đoàn thể cũng được phân công các nhiệm vụ cụ thể.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN phối hợp với Văn phòng Đảng - Đoàn thể và các ban, đơn vị chủ trì Đề án xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức quán triệt, học tập về đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng KHKT.

Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy KTNN tham mưu cho Đảng ủy KTNN xây dựng chương trình, nội dung kiểm tra, giám sát hàng năm của Đảng ủy và UBKT Đảng ủy KTNN đối với việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Văn phòng Đảng - Đoàn thể chịu trách nhiệm giúp Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy đôn đốc, theo dõi tiến độ triển khai thực hiện Đề án và cấp ủy đảng các đơn vị trực thuộc; Phối hợp với Chi ủy Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện đề án; cuối nhiệm kỳ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án; Tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm tổ chức, đảng viên, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Đề án.

Cấp ủy các đơn vị có nhiệm vụ cụ thể hóa các nội dung công việc của Đề án vào chương trình công tác hàng năm, hàng quý của cấp ủy; Phổ biến và quán triệt việc thực hiện Đề án đến toàn thểđảng viên, công chứcvà người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và cam kết thực hiện của từng cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện Đề án. Cấp ủy các đảng ủy, chi ủy trực thuộc, nhất là bí thư cấp ủy cần nắm chắc mục tiêu, nội dung các hoạt động của Đề án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện Đề án đạt chất lượng, hiệu quả; Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN về kết quả và tiến độ thực hiện Đề án; thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, đánh giá và báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án, đồng thời kiến nghị, đề xuất báo cáo Ban Thường Vụ Đảng ủy KTNN giải quyết kịp thời…

Đầu mối triển khai các hoạt động

Đảng ủy Vụ Tổng hợp là đơn vị chủ trì Đề án phối hợp với các đảng ủy, chi ủy liên quan tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.

Chi ủy Trung tâm Tin học, phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo việc tổ chức thực hiện Hoạt động “Xây dựng và triển khai vận hành, sử dụng phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán”.

Chi ủy Vụ Pháp chế phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo việc tổ chức thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, quy định về KHKT của KTNN cho phù hợp với Luật KTNN (sửa đổi).

Chi ủy Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Chi ủy Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo việc tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm vận dụng và xây dựng hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế.

Chi ủy Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai áp dụng hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong công tác xây dựng KHKT theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế đối với các cuộc kiểm toán của KTNN.

Chi ủy Vụ Tổ chức cán bộ và các đảng ủy, chi ủy liên quan phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy cán bộ và công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác KHKT; tham mưu đề xuất các chính sách khuyến khích đối với đội ngũ công chức làm công tác KHKT.

Đảng ủy Văn phòng KTNN và các đảng ủy, chi ủy có liên quan phối hợp với Đảng ủy Vụ Tổng hợp tham mưu cho Đảng ủy KTNN lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai thực hiện Đề án./.

Ngọc Bích