Nghiệm thu đề tài NCKH cấp cơ sở ‘Giải pháp nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán thu NSNN trong kiểm toán NSĐP’

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 11/10/2017, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trong kiểm toán Ngân sách địa phương (NSĐP)” do bà Ngô Xuân Ánh (KTNN khu vực III) và ông Trương Xuân Lợi (KTNN chuyên ngành V) làm đồng chủ nhiệm.

 
TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là Chủ tịch Hội đồng.
 
Trình bày trước Hội đồng thẩm định, Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) là giai đoạn không thể thiếu và chi phối tới chất lượng, hiệu quả chung của toàn bộ cuộc kiểm toán. Trong những năm gần đây công tác lập KHKT ngày càng được Lãnh đạo KTNN quan tâm và chất lượng cũng được nâng cao. Tuy nhiên chất lượng lập KHKT còn hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đổi mới của Ngành. 
 
Việc nghiên cứu hoàn thiện đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán thu NSNN trong kiểm toán NSĐP” nhằm làm rõ cơ sở lý luận những vấn đề chung về công tác thu NSNN đối với cấp NSĐP cũng như vai trò của KTNN trong kiểm toán thu NSNN đối với cấp NSĐP; công tác lập kế hoạch kiểm toán trong quy trình kiểm toán NSĐP của KTNN. Đồng thời giúp phân tích những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, trong công tác lập kế hoạch kiểm toán thu NSNN trong cuộc kiểm toán NSĐP. Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán thu NSNN trong cuộc kiểm toán NSĐP.
 
Đề tài gồm 03 chương: Chương I - Cơ sở lý luận những vấn đề chung về công tác thu NSNN và công tác lập kế hoạch kiểm toán trong qui trình kiểm toán NSĐP của KTNN; Chương II - Đánh giá thực trạng công tác lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán NSĐP nói chung và thực trạng công tác lập kế hoạch kiểm toán thu NSNN nói riêng; Chương III - Các giải pháp nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán thu NSNN trong cuộc kiểm toán NSĐP.
 
Chương I gồm các nội dung: Tổng quan về thu NSNN; Tổ chức thu NSNN và chức năng, nhiệm vụ của UBND, cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, KBNN trong quản lý, điều hành thu NSNN; Các chế độ chính sách chung của nhà nước về quản lý thu NSNN; Mục tiêu và vai trò của KTNN trong kiểm toán thu NSNN đối với cấp NSĐP; Những vấn đề chung về lập KHKT trong qui trình kiểm toán của KTNN.
 
Chương II gồm các nội dung: Khảo sát, thu thập thông tin; Phân tích, đánh giá HTKSNB và các thông tin đã thu thập; Lập KHKT.
 
Chương III gồm các nội dung: Giải pháp những vấn đề cần thiết trong việc khảo sát, thu thập thông tin về đơn vị kiểm toán; Đánh giá HTKSNB và phân tích thông tin thu thập; Đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; Giải pháp về những vấn đề cần thiết trong khâu lập KHKT và xây dựng chương trình kiểm toán chi tiết về kiểm toán thu NSNN tại các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, KBNN; Điều kiện để thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng lập KHKT thu NSNN trong kiểm toán NSĐP. 
 
Nhận xét về đề tài, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu cho rằng, Ban đề tài đã hoàn thành công trình nghiên cứu với đầy đủ số lượng, khối lượng các sản phẩm chính của đề tài so với yêu cầu của cơ quan quản lý đề ra. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn nhằm góp phần tổng kết, đánh giá thực trạng và quan trọng hơn là giải pháp nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán thu NSNN trong cuộc kiểm toán NSĐP của KTNN. Các phương pháp nghiên cứu phù hợp, giúp Ban đề tài hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu.
 
Để hoàn thiện hơn nữa đề tài, thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng Lê Đình Thăng đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, lược bỏ một số nội dung bị trùng lặp trong đề tài; Ghép Chương I và Chương II thành 1 Chương, đồng thời bổ sung thêm nội dung về thực trạng chất lượng KHKT, KHKT thu NSNN của KTNN; Hoàn thiện các giải pháp theo hướng đúng trọng tâm trọng điểm là Giải pháp để nâng cao chất lượng KHKT thu NSNN trong kiểm toán NSĐP, điều kiện để thực hiện các giải pháp được nêu ra.
 
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài, gửi lại Văn phòng Hội đồng khoa học trong thời gian là 1 tháng.
 
Đề tài xếp loại khá./.
 
M. Thúy